Số đỏ, số son, và sổ đỏ chính chủ

Người Việt lấy màu đỏ làm màu sắc biểu trưng cho sự tốt lành, may mắn và hạnh phúc. Người ta gói quà Tết bằng giấy hồng đơn, câu đối viết trên giấy đỏ, cô dâu chú rể mặc áo đỏ trong ngày cưới, hai chữ 'song hỷ' màu đỏ tươi, đèn lồng màu đỏ, người gặp vận may được gọi là vận đỏ...

Cái câu hỏi đầy băn khoăn nhưng cũng đầy háo hức của những người đi mua nhà đất, nhất là với những người dân lành “thấp cổ bé họng”: Nhà/đất ấy có sổ đỏ chính chủ không? Câu cửa miệng này chỉ có từ khi xuất hiện danh từ “sổ đỏ” (khoảng 20 năm nay) chứng minh tính hợp pháp, công khai sở hữu của công dân về cả một khối tài sản lớn. Như vậy câu hỏi kia hoàn toàn có thể hiểu được là người dân cần nhất sự yên tâm, an toàn. Ở đời kỵ nhất là sự tranh giành, tranh chấp. Nhập nhằng, có chuyện gì thì ai giải quyết!

Thật đáng phục người nghĩ ra cái tên “sổ đỏ” mà không phải là “sổ xanh”, “sổ trắng”. Tất nhiên là tránh xa “sổ đen”… Ít ra mua nhà đất là có “sổ hồng”, không “đỏ” nhưng vẫn lâu dài “năm mươi năm”! Ai mua được nhà đất như ý được “bảo hiểm” bằng tờ bìa màu đỏ (màu sắc đỏ tươi) trong đó có tên mình “chính chủ” có chữ ký “tươi” của chính quyền, được chụp dấu đỏ tươi. Thì thật đúng là “số đỏ”!

Vì màu đỏ là màu may mắn!

Cảnh chợ Tết ngày xưa trong tranh dân gian Đông Hồ.

Cảnh chợ Tết ngày xưa trong tranh dân gian Đông Hồ.

Số đỏ là số may mắn. Nên Vũ Trọng Phụng tài năng mà lại lấy tên nhân vật chính đặt tên tác phẩm là “Xuân tóc đỏ” thì cái hay sẽ vơi bớt đi mấy phần!

Không phải ở ta mà ở đâu cũng thế, trên cả thế giới này, màu sắc là văn hóa. Cả phương Đông thích màu đỏ, coi đó là một mã văn hóa chung biểu hiện sự may mắn, tốt lành… Nhưng ở nước ta thì màu đỏ gắn với những quan niệm, phong tục, tập quán riêng để tạo thành một nét bản sắc văn hóa. Các cụ kể ngày xưa các cụ cưới nhau, đêm tân hôn có một lễ gọi là “hợp cẩn”, hai vợ chồng uống chung nhau chén rượu đào và ăn chung đĩa cơm nếp. Rượu đào là thứ rượu ngon, có thể nhiều nơi có nhưng đâu cũng vậy, dứt khoát phải có màu hồng đặc trưng. Ý nghĩa của lễ này là mong muốn vợ chồng suốt đời may mắn, hạnh phúc, say nhau như say rượu và dính nhau như dính cơm nếp!

Người Việt lấy màu đỏ làm màu sắc biểu trưng cho sự tốt lành, may mắn và hạnh phúc. Người ta gói quà Tết bằng giấy hồng đơn, câu đối viết trên giấy đỏ, cô dâu chú rể mặc áo đỏ trong ngày cưới, hai chữ “song hỷ” màu đỏ tươi, đèn lồng màu đỏ, người gặp vận may được gọi là vận đỏ.

Màu đỏ (hồng) còn là màu của hạnh phúc, của hôn nhân nên thiếp mời ăn cưới dù có màu trắng, màu tím… người ta vẫn gọi chung là “thiệp hồng”. Hiểu thế thì bài ca dao: “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!” là một trong những bài ca dao tỏ tình hay nhất và đậm Việt nhất. Ca dao là cả một thế giới ẩn dụ. Dễ hiểu “mận” ở đây là người con trai chủ động hỏi người con gái “đào” về “vườn hồng”.

Hai chữ “bây giờ” xác định về thời gian, thời điểm. Chắc anh chị để ý tình tứ nhau lâu rồi nhưng “bây giờ” mới có cơ hội gặp gỡ. Thế là cũng có cơ sở để xác định không gian, giả sử như đang trong một vườn cây nào đó có đào có mận, có hồng… vào một buổi tối trăng sáng nào đó… tùy tưởng tượng mỗi người. Nhưng chắc tất cả đều đồng ý là chỉ có hai người nọ nói với nhau.

Cái mã chìa khóa của bài ca dao là hai chữ “vườn hồng”. Không thể là vườn cây hồng vì chẳng có mối liên hệ nào cả, vả lại hiểu thế là cụ thể, mà ẩn dụ luôn là nghĩa bóng. Thế nên “vườn hồng” trong ngữ cảnh, không thời gian này dứt khoát để chỉ thế giới ái tình đang nôn nao phập phồng trước hai tâm hồn rạo rực… mà họ đang rụt rè cũng đầy háo hức muốn bước vào. “Mận” trả lời “Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!” tình tứ tế nhị mà cũng thật rõ ràng: chưa có ai vào! Nói thế khác gì xúi anh, mời anh vào đi…!

Chả thế mà đám cưới nào cũng màu đỏ là gam màu chủ đạo. Các cụ kể ngày xưa đi ăn cưới thì các cụ ông uống rượu vừa đủ thôi để da dẻ hồng hào và câu chuyện thêm vui. Còn các cụ bà ăn trầu để ấm người và mặt mũi thêm tươi tắn rạng rõ…

Nếu Hoàng Cầm trong "Bên kia sông Đuống" làm sống lại “Màu dân tộc bừng lên trên giấy điệp” thì mươi năm trước đó (1939) Đoàn Văn Cừ trong "Chợ Tết" làm “hồn dân tộc bừng lên trong chợ Tết”. Đây là bài thơ về Tết hay nhất trong thơ Việt Nam tái hiện một cách sống động về không khí Tết cổ truyền. Một sự hòa sắc tài hoa đúng với mảng màu hồn quê Việt: trắng, đỏ, hồng lam, xanh biếc, thắm, vàng, tía, thâm, xanh, son…

Những hình ảnh thân thương bình dị của đồng quê xứ Bắc với những con đường “viền trắng” uốn lượn mép đồi xanh. Những đỉnh núi, nóc nhà gianh, dải mây trắng, tia nắng tía, giọt sương hồng... Tất cả như động đậy, bừng sáng. Một ngàn năm sau, nhiều ngàn năm sau người ta sẽ còn tìm về hồn dân tộc trong “Chợ Tết” với sắc đỏ:

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi”
“Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh”
“Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”
“Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”
“Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”
“Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”
“Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha”

Trong bài "Đám cưới ngày xuân" nhà thơ sử dụng màu đỏ tới 9 lần. Có đoạn tô đỏ một màu hồng: “Một cụ già râu tóc trắng như bông/ Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám/ Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm/ Quần nâu hồng, chống gậy bước theo sau”…

Tần số xuất hiện của gam màu đỏ trong “Truyện Kiều” rất đáng chú ý. "Bóng hồng" được dùng nhiều lần, khi dùng với nghĩa đen, chỉ người thiếu nữ mặc quần áo đỏ: “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa”, khi lại dùng với nghĩa bóng chỉ người con gái đẹp “Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”…

Hoa đào đỏ thắm biểu trưng mùa xuân miền Bắc.

Ngôi nhà có người con gái đẹp trong “Truyện Kiều” cũng “hồng”: “Thiếp danh đưa đến "lầu hồng”; phòng ở người gái đẹp là “trướng hồng tẩm hoa”. Cô Kiều được Nguyễn Du nhìn qua con mắt màu hồng, khi bị giày vò thì “giày tía vò hồng”, khi khóc “lã chã giọt hồng”, “chưa phai giọt hồng”, sắc mặt “vẻ hồng”, khăn người yêu tặng là “khăn hồng”.

Đi chơi bụi cỏ, nấm mồ cũng thành “bụi hồng”… Hiểu thế nên ta không ngạc nhiên khi vì sao “trát” bắt người đẹp của quan cũng là “hồng”: “Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra” nói chuyện quan huyện Lâm Truy phát trát quan bắt Kiều. Không phải thời Minh mà bất cứ thời nào ở Trung Quốc “trát quan” cũng luôn màu trắng. Nhưng nếu để trát quan màu trắng thì không phải Nguyễn Du. Với cái nhìn nhân đạo tờ giấy lạnh lùng thành tờ tin ấm áp, may mắn. Có vẻ như vị quan phủ kia cũng nể Kiều, trọng Kiều… Ngôn từ là mã văn hóa đồng thời cũng là mã quan niệm: Nguyễn Du trân trọng, quý mến, thương yêu và khát khao mong muốn Kiều gặp may mắn, hạnh phúc…

Hầu hết màu sắc quốc kỳ các nước trên thế giới đều ít nhiều có màu đỏ nhưng với các nước châu Á thì đậm hơn. Văn hóa học hiện đại giải thích như sau:

Màu đỏ chính là mã văn hóa cổ xưa, nguyên thủy nhất của loài người. Cái thời con người bắt đầu biết dùng vũ khí để săn bắt dã thú thì màu đỏ cũng bắt đầu đi vào kho tàng văn hóa. Vì khi con vật chảy máu cũng đồng nghĩa với chiến công, kết quả của con người cũng đồng thời báo hiệu một sự chết, một sự hủy hoại sinh linh. Thế là ít nhất, ban đầu màu máu đỏ đã có hai nghĩa: chiến công và tàn sát.

Giải thích trên là có sở cứ nhưng giải thích tiếp sau thì bạn đọc nên tiếp tục tranh luận, bàn bạc:

Sở dĩ màu đỏ trên cờ các nước đậm nhạt khác nhau cũng bởi một “vô thức cộng đồng” quy định. Bắt đầu từ nhận biết thời nguyên thủy: với những vùng khí hậu lạnh thì khi máu của con vật (bị săn) chảy ra liền bị nhạt đi, ngược lại, ở những vùng khí hậu tương đối nóng, máu con vật có thời gian đỏ tươi lâu hơn. Những màu sắc ấy dần trở thành biểu trưng trên lá cờ!?

Nhưng rõ ràng màu đỏ là màu ấn tượng nhất với nhân loại xưa nay: thời ăn hang ở lỗ lạnh giá, buổi sáng mặt trời màu đỏ nhô lên đem lại hy vọng, niềm tin, sự phấn khởi cho con người. Rồi màu lửa đỏ giúp con người nấu chín thức ăn, xua đuổi thú dữ và sưởi ấm. Đến nay nhiều dân tộc vẫn còn giữ thói quen để lửa đỏ trong bếp suốt ngày suốt đêm vì lửa đỏ chính là sự sống…

Với người Việt hôm nay có lẽ màu sắc đỏ bị ghét nhất là màu “đèn đỏ dừng lại” trong giao thông hiện đại. Quen với sự tùy tiện đi lại bằng thuyền trên mênh mông sông nước, chẳng cần phải trái, chẳng cần nhường nhịn, khi dùng sào đẩy, khi có gió dùng buồm, khi nước cạn thì dùng sức người kéo, đẩy… Bước vào thời công nghiệp hóa chịu sự quy định của luật lệ thành ra anh tiểu nông rất khó chịu. Thế là mới sinh ra chuyện vượt đèn đỏ…
Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/so-do-so-son-va-so-do-chinh-chu-578097/