Sơ đồ tư duy – phương pháp học tập thú vị

Có bao giờ bạn đọc một quyển sách hay một bài học hàng chục lần vẫn chưa thể nhớ hết nội dung và khi cần ôn tập lại phải xem lại từ đầu? Nếu bạn đang rơi vào tình huống ấy thì hãy thử học tập bằng sơ đồ tư duy – một phương pháp đã được chứng minh trên toàn thế giới. Adam Khoo từ một cậu bé lười học đã trở thành sinh viên đứng đầu trường nhờ phương pháp học tập thần kì này.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá phương pháp học tập thú vị này nhé.

*Sơ đồ tư duy là gì?

Sơ đồ tư duy hay bản đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề. Nó là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới.

*Cần chuẩn bị gì?

Rất đơn giản! Bạn chỉ cần chuẩn giấy A4 hoặc to hơn (nên sử dụng giấy trắng, không có kẻ ô sẽ giúp bạn dễ dàng sáng tạo hơn), bút màu (càng nhiều màu thì sơ đồ tư duy của bạn càng sinh động). Bạn cũng có thể sử dụng một số phần mềm để vẽ nếu thích. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng ta sẽ làm quen với cách vẽ sơ đồ tư duy trên giấy.

*Các bước thực hiện thế nào?

- Bước 1: Vẽ chủ đề chính ở giữa của tờ giấy. Đây là trung tâm của sự chú ý tên bạn có thể viết bằng chữ in hoa to, rõ. Bạn nên kết hợp giữa chữ viết (từ khóa) và hình ảnh liên quan đến chủ đề sẽ giúp sơ đồ của bạn hấp dẫn hơn. Bạn đừng lo lắng nếu mình vẽ không đẹp vì đó không phải là mục tiêu của bạn đang làm. Cứ tự tin thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo của bản thân rồi bạn sẽ có một sản phẩm tuyệt vời.

- Bước 2: Vẽ thêm các tiêu đề phụ vào chủ đề chính ở bước 1. Các tiêu đề phụ này cũng cần được sử dụng bằng những từ ngữ ngắn gọn kết hợp với hình ảnh để tỏa về các hướng xung quanh chủ đề chính.

- Bước 3: Vẽ các nhánh con xung quanh tiêu đề phụ đã có ở bước 2. Các bạn nên vẽ các nhánh con này dưới dạng nét con hơn là đường thẳng. Bạn hãy dùng những biểu tượng, cách viết tắt để tiết kiệm không gian và thời gian bất cứ lúc nào có thể. Bạn cần lưu ý tất cả các nhánh của một ý nên tỏa ra từ một điểm và có cùng 1 màu

- Bước 4: Thêm các hình ảnh minh họa phù hợp. Bước 4 này là thời điểm để bạn tự do thể hiện sự sáng tạo của cá nhân mình. Các hình ảnh minh họa này sẽ giúp bạn nhớ kiến thức trong sơ đồ lâu hơn.

*Khi nào có thể sử dụng sơ đồ tư duy?

Không có một quy định cụ thể nào về các trường hợp sử dụng sơ đồ tư duy cả. Hãy sử dụng bất kì khi nào bạn cảm thấy cần thiết để giúp việc ghi nhớ, phát triển ý tưởng, ôn tập,…Tuy nhiên, có một vài gợi ý để bạn tham khảo:

+ Khi lập dàn ý cho bài làm văn thì sơ đồ tư duy sẽ là một lựa chọn tuyệt vời để bạn phát triển ý tưởng dễ dàng và logic hơn.

+ Sau mỗi bài học, bạn có thể dung sơ đồ tư duy để tóm tắt lại nội dung bài một cách ngắn gọn. Bên cạnh các từ khóa thì những hình ảnh minh họa sẽ làm bạn thích thú khi xem lại “tác phẩm” của mình.

+ Bạn nghĩ gì nếu sau mỗi tuần học tập, bạn tóm tắt kiến thức của toàn bộ các môn học vào 1 trang duy nhất bằng sơ đồ tư duy? Đến khi cần ôn thi, bạn chỉ cần xem lại các trang của tưng tuần là có thể ghi nhớ kiến thức dễ dàng.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/so-do-tu-duy-phuong-phap-hoc-tap-thu-vi-3959079-c.html