Số đơn vị sự nghiệp công lập giảm, tinh giảm biên chế đảm bảo mục tiêu đề ra

Ngày 15/12/2022, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về các đơn vị sự nghiệp công lập (khóa XII).

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết 19; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Trung ương và điểm cầu các địa phương có sự tham dự của một số đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại diện các ban, bộ, ngành liên quan; đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, các sở, ngành và đại diện một số đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, nhiệm vụ sơ kết Nghị quyết 19 có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Đây là Nghị quyết có phạm vi rộng, tính chất quan trọng và tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội và đến mọi tầng lớp nhân dân.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, các cấp ủy đảng đã nghiêm túc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Nhìn chung, nhiều cấp ủy đảng đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản luật nhằm thể chế hóa thực hiện Nghị quyết đã được Quốc hội ban hành; Chính phủ đã ban hành các nghị định về vị trí việc làm, biên chế viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL; về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL để các bộ, ngành, địa phương, ĐVSNCL làm căn cứ hướng dẫn, thực hiện.

Việc thực hiện sắp xếp lại theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đã được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực: số ĐVSNCL của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 giảm 13,4% so với năm 2015, vượt mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2015-2021.

Đồng thời, các đơn vị đã tăng cường tự chủ tài chính, mở rộng các hoạt động dịch vụ sự nghiệp, thực hiện thay thế nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu

Số biên chế thực hiện tinh giảm đảm bảo mục tiêu đề ra, năm 2021 giảm 10,51% so với năm 2015. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được triển khai kịp thời đúng quy định đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL.

Bố trí và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực theo hướng cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức theo vị trí việc làm, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm việc tại đơn vị. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp.

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, đã giúp các ĐVSNCL chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho viên chức, thu hút được nhân lực có chất lượng vào làm việc, trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, phát triển đơn vị, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó giảm chi từ ngân sách nhà nước.

Việc triển khai chính sách xã hội hóa, phát triển tổ chức ngoài công lập trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục, đào tạo, y tế đã từng bước khai thác, phát huy có hiệu quả nguồn lực xã hội hóa, đóng góp tích cực vào nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng đối với ĐVSNCL.

Từ đó, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng, đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện trong nhiều năm qua và đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã được tinh giảm, hoạt động ngày càng hiệu quả, năng lực tự chủ ngày càng cao hơn; số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm dần, đồng thời tăng dần số người làm việc gắn với hiệu quả cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; huy động sự tham gia của xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn trong phát triển dịch vụ sự nghiệp công...

Việc thực hiện sắp xếp lại theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực: số đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, ngành, địa phương năm 2021 giảm 13,4% so với năm 2015, vượt mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2015-2021.

Cùng đó việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện vẫn còn thiếu cơ sở trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đánh giá chất lượng dịch vụ công. Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi.

Định mức biên chế sự nghiệp ban hành từ lâu (trước Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) nhưng chưa được sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng biên chế sự nghiệp lớn (trên 85% biên chế sự nghiệp do Chính phủ quản lý).

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài cả hệ thống chính trị.

Do vậy, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu, trên cơ sở ý kiến của Hội nghị sơ kết, Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết, Tờ trình và Kết luận để trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2022 theo đúng kế hoạch.

Nghị quyết số 19 đề ra mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2021, 2025 và 2030. Trong đó đề ra 05 mục tiêu cụ thể của giai đoạn đến năm 2021 gồm:

Cơ bản hoàn thành việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập;

Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính);

Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015;

Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học);

Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Thành Công

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/so-don-vi-su-nghiep-cong-lap-giam-tinh-giam-bien-che-dam-bao-muc-tieu-de-ra-20221215211758.htm