Sở GTVT Hà Nội lí giải về Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội thành

Liên quan đến đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội. Ngày 20/10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có thông tin làm rõ hơn về đề án này.

Ùn tắc giao thông tại điểm cuối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Khánh Huy

Ùn tắc giao thông tại điểm cuối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Khánh Huy

Thời gian vừa qua, Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” của Sở GTVT Hà Nội nhận được sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí, truyền thông và người dân với nhiều ý kiến trái chiều.

Ngày 20/10, Sở GTVT Hà Nội đã cung cấp thông tin liên quan nhằm làm rõ hơn về Đề án thu phí phương tiện này. Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay đề án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, việc lắng nghe và tiếp thu các nội dung phản biện xã hội, các ý kiến đa chiều từ truyền thông là hết sức cần thiết.

Theo đó, Đề án được Sở GTVT giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội nghiên cứu và xây dựng dựa trên tinh thần chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền tại các văn bản và các văn bản pháp lý có liên quan. Cụ thể:

Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố Hà Nội về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, xác định 37 giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Nghị quyết số 115/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 19/6/2020 về “Thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”.

Văn bản số 10040/VPCP-KTTH ban hành ngày 16/10/2018 của Văn phòng Chính phủ về đề nghị của Thành phố Hà Nội để thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030”.

Nghị quyết số 48/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 5/4/2022 về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Trong nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Nghị quyết giao “UBND các thành phố : Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh ngoài triển khai các nội dung theo quy định tại khoản 14 Mục này, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Theo Sở GTVT Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Trường Đại học Giao thông vận tải để tiến hành nghiên cứu và xây dựng đề án.

Quá trình xây dựng đề án phải tuân thủ quy trình xây dựng ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố được quy định tại Chương VIII của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/06/2015 của Quốc hội khóa 13 và các quy định khác có liên quan.

Trong quá trình xây dựng đề án, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội và đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan để và nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc.

Ngoài ra đề án cũng chỉ ra các điều kiện kỹ thuật cần thiết để triển khai bao gồm : Đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí: Số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.

Đảm bảo điều kiện vận tải công cộng có năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân để người đi xe ô tô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride - P&R) kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với hệ thống VTHKCC nhằm phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/so-gtvt-ha-noi-li-giai-ve-de-an-thu-phi-phuong-tien-co-gioi-vao-khu-vuc-noi-thanh-309164.html