Số hóa các không gian di tích

(HNM) - Đó là chủ đề cuộc hội thảo "Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích" do Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH-TT&DL) tổ chức ngày 25-3, với sự tham dự của đông đảo các nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa.

Tham luận của các đại biểu như Inrasara Phú Trạm, Nguyên Ngọc, Tống Trung Tín… đã một lần nữa nhắc nhở chúng ta: Việt Nam có nhiều vùng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo, trong đó nhiều nơi đang rất cần bảo tồn khẩn cấp. Đó là không gian Tây Nguyên giàu bản sắc, những kinh đô tiêu biểu, văn hóa Chăm… Nhiều ý kiến cho rằng số hóa có thể phục dựng các di tích, các không gian văn hóa với kinh phí không quá lớn, song quan trọng là phục dựng từ những di tích "gốc", đưa nó vào môi trường "sống" với nhiều hoạt động văn hóa để tăng độ tương tác, truyền cảm cho người xem. Số hóa cũng là xu thế bảo tồn di tích của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, công việc này mới chỉ đang bắt đầu một cách có hệ thống. Cuộc hội thảo trên là sự khởi động trong khuôn khổ dự án "Hệ thống thông tin điện tử văn hóa - xã hội" của Bộ VH-TT&DL nhằm cung cấp các nội dung khoa học cơ bản về di sản - cơ sở thực thi số hóa theo tiêu chí chính xác, cụ thể, toàn diện và tôn nghiêm lịch sử.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/van_hoa/317274/so-hoa-cac-khong-gian-di-tich.htm/