Số hóa để cải cách hành chính

Từ năm 2015, lĩnh vực đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đã thật sự bước vào 'cuộc cách mạng' về cải cách hành chính. Với hàng loạt giải pháp đồng bộ, được thực hiện quyết liệt trên mọi mặt, ĐTNĐ đã và đang hiện đại hóa từng ngày, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Những năm qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam liên tục là đơn vị dẫn đầu ngành GTVT trong việc hiện đại hóa nền hành chính.

Công nghệ góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính

Tạo dựng nền tảng để “bứt phá”

Những năm qua, công tác xây dựng văn bản QPPL, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải cách hành chính được Cục ĐTNĐ Việt Nam tập trung triển khai quyết liệt, đây được xác định là giải pháp nền tảng cho vận tải thủy “bứt phá”. Đặc biệt, “cuộc cách mạng số hóa” của Cục đã tạo ra sự hứng khởi cho người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải thủy, hướng tới mục tiêu nâng cao thị phần vận tải trên ĐTNĐ từ 18,2% lên 21,5% so với toàn ngành GTVT vào năm 2020.

Sau khi Luật ĐTNĐ sửa đổi, bổ sung được ban hành vào năm 2014, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 52 thông tư, tham mưu cho Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành 6 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những rào cản về thể chế đối với lĩnh vực ĐTNĐ.

Ông Trần Sỹ Duy - Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, văn bản QPPL trong lĩnh vực ĐTNĐ được ban hành trong thời gian qua đã bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GTVT về phát triển Ngành theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, hành lang pháp lý lĩnh vực ĐTNĐ thời gian gần đây đã khắc phục được những bất cập về quản lý, khai thác GTVT trong thực tiễn cuộc sống. Thủ tục hành chính trong các văn bản đã được đơn giản về thành phần hồ sơ cũng như cách thức giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng, khai thác GTVT ĐTNĐ của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước.

Điểm nhấn trong bức tranh khởi sắc lĩnh vực ĐTNĐ những năm qua là nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính bằng việc “số hóa” toàn bộ hoạt động nghiệp vụ trên “mặt trận” công nghệ cao. Đặc biệt, Cục ĐTNĐ Việt Nam là đơn vị đầu tiên của Bộ GTVT hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 theo Nghị quyết 36A của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đồng thời, Cục đã liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu ngành GTVT về cải cách thủ tục hành chính những năm qua.

Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam chia sẻ: “Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc số hóa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ đã nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý nhà nước, kiểm soát được chất lượng và thời gian giải quyết công việc của cán bộ công chức đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ kỷ cương của người thực thi công vụ. Khi không thể tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, rủi ro gây ra phiền nhiễu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã được ngăn chặn”.

Nỗ lực cải cách không ngừng của Cục ĐTNĐ Việt Nam đã dẹp bỏ nhiều rào cản trong sự tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, đó cũng là yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng vận tải thủy những năm qua.

Chuyển biến nhờ ứng dụng hiện đại

Theo ông Trương Trọng Doanh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế và Môi trường (Cục ĐTNĐ Việt Nam), hiện nay hầu như tất cả lĩnh vực quản lý của Cục ĐTNĐ Việt Nam đã được số hóa, từng bước tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến thay thế công tác quản lý thủ công trước kia. Ngoài ra, Cục đã hỗ trợ phần mềm Dịch vụ công cho Sở GTVT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, triển khai phần mềm quản lý phương tiện, thuyền viên cho một số sở GTVT, hỗ trợ phần mềm quản lý nghiệp vụ và triển khai đào tạo cho 10 cảng vụ ĐTNĐ địa phương. Thời gian tới, Cục tiếp tục khuyến khích, đề nghị các địa phương triển khai diện rộng trên hệ thống ĐTNĐ.

Về những ứng dụng nổi bật nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phần mềm Văn phòng điện tử (I-River) quản lý công văn đi - đến đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp cho công việc quản lý công văn theo quy trình điện tử. Đến nay, khoảng 97% hồ sơ đi, đến cơ quan đã được thực hiện qua phần mềm. Phần mềm cũng được tích hợp các ứng dụng như thông báo kết luận, cập nhật lịch làm việc, giao việc, công bố các biểu mẫu thống kê, danh bạ điện thoại, tích hợp dịch vụ công... Với ứng dụng này, cán bộ quản lý chỉ cần truy cập một tài khoản là có thể thực hiện hầu hết công việc. Ngoài ra, văn bản bị chậm trễ ở khâu nào, do ai đều được máy tính tự động cảnh báo, thống kê.

Đối với công tác cảng vụ, phần mềm quản lý cấp phép vào, rời cảng bến cho phép chủ phương tiện có thể tiến hành làm thủ tục vào, rời cảng bến qua các phương thức như: Tin nhắn SMS, điện thoại, phần mềm dịch vụ công…

Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến với hơn 5.000 cảng/bến thủy nội địa trên toàn quốc và đưa lên bản đồ số, công khai cho người dân, doanh nghiệp, giúp cho việc quản lý vị trí, thông tin cảng bến, công nghệ bốc xếp, khối lượng và chủng loại hàng hóa thông qua một cách trực quan, chính xác, dễ dàng tra cứu thông tin cảng bến, đồng thời giúp cho việc báo cáo thống kê lượng hàng hóa lượt phương tiện thông qua một cách chính xác, hiệu quả.

ĐTNĐ cũng là phương thức giao thông đầu tiên đưa ra phần mềm phản ánh vi phạm giao thông trên điện thoại di động để người dân chụp, gửi trực tiếp ảnh và các phản ánh, kiến nghị về đường thủy đến Cục. Ứng dụng trên do Cục xây dựng, cung cấp miễn phí để người dân dễ dàng phản ánh trực tiếp đến Cục về những hạn chế, bất cập và hành vi vi phạm xảy ra trên luồng tuyến, cảng, bến và vận tải thủy để kịp thời xử lý. Phần mềm sẽ tự động phân cấp xử lý (theo tọa độ, địa bàn của bức ảnh) và phản hồi kịp thời đến tổ chức, người dân.

Trong công tác quản lý hạ tầng giao thông ĐTNĐ đã được áp dụng phần mềm đo mực nước. Dự kiến từ nay đến năm 2020, toàn bộ hệ thống đo mực nước sẽ được tự động hóa, cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, toàn bộ hệ thống phao tiêu báo hiệu ĐTNĐ với 18.000 bộ đã được số hóa trên phần mềm. Khi có bất kỳ hiện tượng bất thường nào, hệ thống sẽ tự động báo về Cục để xử lý, giúp tăng tăng cường hiệu quả quản lý các phao báo hiệu.

Về luồng tuyến vận tải, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã xây dựng thí điểm hải đồ điện tử ĐTNĐ (I-ENC) đối với 3 tuyến vận tải sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ với tổng chiều dài 400km theo tiêu chuẩn quốc tế. Bước đầu, bản đồ số này đã cập nhật các thông tin cơ bản về luồng tuyến, cảng bến. Cục đang bổ sung các tiện ích giúp người dân khai thác để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về bản đồ đường thủy.

Về việc giám sát phương tiện, Cục đã lắp đặt hệ thống camera trực tuyến tại 23 vị trí điều tiết nhằm đảm bảo giao thông, đếm lượt phương tiện tại các vị trí trọng điểm, lắp đặt trên các phương tiện triển khai hoạt động nạo vét đảm bảo giao thông luồng lạch…

Thành Vũ

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/so-hoa-de-cai-cach-hanh-chinh-d62943.html