Số hóa di sản, phát huy tiềm năng văn hóa tỉnh Bình Định

Bình Định đã và đang bắt đầu triển khai số hóa di sản, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa Bình Định nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia và địa phương.

Báo VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định về quá trình số hóa di sản của ngành văn hóa tỉnh.

Từng bước ứng dụng CNTT số hóa thành hoạt động thường xuyên

- Để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, ngày 2/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã thực hiện Quyết định này như thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Xuân Chánh: Cùng với các tỉnh thành trên cả nước, Bình Định đã và đang bắt đầu triển khai số hóa di sản. Ngành văn hóa tỉnh đã và đang tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa Bình Định nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia nói chung và của địa phương nói riêng, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin số hóa thành nội dung hoạt động thường xuyên có tính chuyên nghiệp cao.

Qua đó, bảo quản các hồ sơ, tư liệu; bảo vật quốc gia, cổ vật, di vật, hiện vật quý hiện được lưu giữ tại Bảo tàng và các di tích (di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh), di sản văn hóa trong Danh mục kiểm kê di sản; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý. Thực hiện số hóa các hiện vật bảo tàng, dữ liệu thư viện, ghi hình tư liệu Tuồng, Bài chòi. Sử dụng ứng dụng hệ thống quản trị thư viện dùng chung Vietbiblio dành cho thư viện cấp huyện; cập nhật thông tin tư liệu hiện vật bảo tàng, di tích qua hệ thống phần mềm quản lý tư liệu hiện vật và quản lý di tích của Cục Di sản văn hóa.

Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định (Ảnh: Diễm Phúc).

Tại bảo tàng Bình Định, bảo tàng Quang Trung, ngành văn hóa đã và đang áp dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và đạt những kết quả khả quan, thu hút được sự quan tâm của chính quyền các cấp, du khách tham quan… Các bảo tàng triển khai ứng dụng quét mã QR code, thực hiện số hóa tư liệu hiện vật bảo tàng bằng phần mềm 3D và trưng bày ảo nhằm từng bước mô hình hóa 3D các tư liệu hiện vật thể khối, tiến tới xây dựng mô hình bảo tàng 3D ảo để du khách trực tiếp khai thác thông tin từ phầm mềm.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định triển khai hệ thống QR code hỗ trợ thuyết minh 7 cụm tháp Chăm trên địa bàn tỉnh để gắn các mã QR vào những vị trí thuận tiện tại các di tích tháp Chăm đang quản lý để du khách đến tham quan có thể tìm hiểu thông tin, để nghe thuyết minh các thông tin liên quan về niên đại, phong cách kiến trúc, chức năng tôn giáo các tháp Chăm, khái quát về vương quốc Cham pa.

Quét mã QR code tìm hiểu thông tin tư liệu tại Bảo tàng Quang Trung (Ảnh: Diễm Phúc)

Chúng tôi cũng luôn xác định rằng: Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch hiện nay chính là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng. Vì vậy, làm tốt nhiệm vụ số hóa di sản sẽ là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.

Thách thức lớn nhất là kinh phí

- Vậy, trong quá trình số hóa, ngành văn hóa ở Bình Định có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Tạ Xuân Chánh: Bình Định là tỉnh có địa bàn rộng, hệ thống di sản phân bố rải rác ở khắp các khu vực từ miền xuôi đến miền núi, nhiều di tích ở vị trí hiểm trở, cách biệt với khu dân cư, đường đi lại khó khăn, khó tiếp cận trực tiếp…, lại thường xuyên chịu tác động của thời tiết, khí hậu và nhiều biến thiên của lịch sử, chiến tranh làm cho di tích bị mai một hoặc hư hỏng, xuống cấp nên việc quản lý, bảo tồn di tích rất khó khăn. Hơn thế nữa, cùng với thách thức trong bảo tồn, phát huy di tích, quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Bình Định còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm: xây dựng, xác định các nội dung văn hóa, di sản ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Ảnh: Diễm Phúc)

Thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản. Nhiều đơn vị, địa phương tâm huyết muốn làm, nhưng hoàn toàn không có hướng dẫn cụ thể về kinh phí, ngân sách. Ngoài vấn đề kinh phí thì nền tảng công nghệ của Việt Nam nói chung và của tỉnh vẫn còn là “vùng trũng” khi hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu đã được số hóa về di sản còn mỏng.

Hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu lớn (big data) để chứa đựng và là nơi tập trung của sản phẩm di sản số của tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung. Đây cũng chính là áp lực lớn khi để ngành văn hóa tỉnh hoàn thành việc phục dựng di tích, di sản bằng công nghệ đặt ra các yêu cầu rất khắt khe về các dữ liệu khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật kiến trúc... Sau khi được số hóa, vấn đề bản quyền cũng cần được quan tâm để tránh những trường hợp xảy ra tranh chấp.

Con người là nguồn lực quan trọng nhất

- Thời gian tới, tỉnh Bình Định có những giải pháp như thế nào để đẩy mạnh số hóa di sản, phát huy những giá trị di sản văn hóa tại Bình Định?

Ông Tạ Xuân Chánh: Thời gian qua, ngành Văn hóa và Thể thao Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong việc số hóa di sản. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa làm thỏa mãn mong muốn của những người yêu di sản. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số, kết nối vạn vật, đang đặt ra những yêu cầu bức thiết trong việc làm giàu có thêm kho dữ liệu di sản để có thể bao quát được hệ thống di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng của Bình Định, kết nối với các kho dữ liệu tương đồng trên toàn quốc, khai thác được giá trị dữ liệu di sản phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Để tăng cường hoạt động số hóa di sản, thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động này. Thứ hai, cần tạo điều kiện hình thành môi trường thuận lợi cho hoạt động số hóa di sản. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, đầu tư “vốn mồi”, còn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ là những nhân tố chính trong hoạt động số hóa.

Bên cạnh đó, con người bao giờ cũng là nguồn lực quan trọng nhất. Các cơ sở đào tạo cần tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên để nắm bắt vững chắc được các công nghệ tiên tiến, ứng dụng được trong việc khai thác và phát huy giá trị di sản.

Để số hóa di sản đạt mục tiêu đã đề ra, được xem là quan trọng hơn cả là người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa phải được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số. Người nghiên cứu văn hóa phải trau dồi thêm kiến thức về công nghệ để đồng hành cùng công việc số hóa di sản. Từ đó ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất đưa dữ liệu di sản văn hóa vào cuộc sống, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng.

- Xin cảm ơn ông!

Tỉnh Bình Định hiện có 143 di tích được xếp hạng, gồm: 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 34 di tích Quốc gia, 107 di tích cấp tỉnh. Trong đó, nổi bật là hệ thống di tích văn hóa Champa và hệ thống di tích lịch sử triều đại Nhà Tây Sơn. Ngoài ra, Bình Định hiện có 4 di sản được công nhân là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và quốc tế, gồm: Võ cổ truyền, nghệ thuật Hát bội, nghệ thuật Bài chòi và Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn.

Diễm Phúc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/so-hoa-di-san-phat-huy-tiem-nang-van-hoa-tinh-binh-dinh-2226499.html