Số hóa doanh nghiệp - xu hướng tất yếu

Từ vai trò hỗ trợ kinh doanh trong những thập kỷ trước, kỷ nguyên mới với công nghệ số hiện đang trở thành yếu tố quan trọng dẫn dắt xu hướng kinh doanh.

Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn công nghệ Capgemini của Pháp, “có 90% CEO tin rằng công nghệ số có ảnh hưởng tới ngành nghề đang kinh doanh. Nhưng chỉ 15% trong đó đang có kế hoạch thực hiện chiến lược số hóa doanh nghiệp (DN)”. Điều này phần nào cho thấy dù DN đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ số.

Vậy nếu DN không hoặc chậm thay đổi, không ứng dụng công nghệ số thì 63% các công ty thuộc nhóm S&P 500 hiện nay, dù đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, sẽ có khoảng 3/4 “biến mất” khỏi bảng niêm yết danh giá này vào năm 2027 do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo hãng thông tấn Thomson Reuters.

Khảo sát trên 2.000 giám đốc điều hành khắp thế giới của nhà tư vấn của Russell Reynolds Associates cũng cho thấy công nghệ số đang tác động mạnh mẽ và tạo ra xu hướng chuyển đổi số cho hàng loạt ngành nghề.

Thực tế đang chứng minh rằng từ vai trò hỗ trợ kinh doanh trong những thập kỷ trước, kỷ nguyên mới với công nghệ số hiện đang trở thành yếu tốchính dẫn dắt xu hướng kinh doanh. Đó là sự ra đời và thành công ấn tượng của các hãng vận tải công nghệ như UBER, Grab, Go-Jek… hay sự trỗi dậy của công nghệ số đang xóa dần ranh giới giữa các công ty công nghệ tài chính(fintech) và mô hình ngân hàng cổ điển.

Tương tự, dự báo của giới chuyên gia công nghệ cho thấy rất nhiều ngành nghề kinh doanh truyền thống có thể sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Những cơ sở giáo dục truyền thống có thể bị các hình thức giáo dục trực tuyến cạnh tranh, hệ thống bán lẻ truyền thống cũng được dần thay bằng mua sắm online…

Vậy chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu, theoGS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John Von Neumann (ĐHQG TPHCM), ở tầm vĩ mô, chuyển đổi số trước hết phải bắt đầu từ xây dựng hạ tầng dữ liệu số. Thực tế cho thấy chỗ nào luôn luôn sử dụng dữ liệu thì thường đi đầu trong chuyển đổi dữ liệu số và triệt để số hóa hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh. Theo đó, những điển hình dẫn đầu về ứng dụng công nghệ số hiện nay là các ngành nghề như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, vận tải hàng không… Còn những lĩnh vực như y tế, nông nghiệp đang có vẻ bị “chậm chân”.

Tuy nhiên, nếu cho rằng y tế là lĩnh vực chuyên môn hẹp, phức tạp và vẫn cần rất nhiều sự can thiệp của nhân sự chuyên môn cao thì với ngành nông nghiệp, câu chuyện chuyển đổi số lại khả thi hơn và đang là vấn đề cấp thiết theo phân tích của nhà khoa học từ ĐHQG TPHCM. Do đó, nếu có được hệ thống dữ liệu số cho nền nông nghiệp quốc gia, nghĩa là có thể nắm được dữ liệu thị trường thì sẽ đánh giá được cung cầu để ứng phó phù hợp. Ngành nông nghiệp nhờ đó có thể điều chỉnh sản lượng và thời điểm gieo trồng - thu hoạch - chế biến để có được giá trị tối ưu.

Ở tầm vi mô, quá trình “chuyển đổi số” của DN phải bắt đầu từ hệ thống nhân lực. Về vấn đề này, GS. Hồ Tú Bảo cho rằng nên sử dụng các nhà phân tích đã được đào tạo những chuyên môn hẹp nhất định. Đó là những người không chỉ có kiến thức về phân tích các con số mà còn phải biết cách số hóa công tác chuyên môn.

Dẫu vậy, để dẫn dắt xu hướng chuyển đổi số cho DN, Thạc sĩ Đào Trung Thành, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Tư vấn Media Venture VN Group, cho rằng điều kiện tiên quyết là DN phải có văn hóa hợp tác và chấp nhận rủi ro cao. Tiếp đó là vai trò của người lãnh đạo với tầm nhìn và khả năng phối hợp các khu vực khác nhau trong DN.

Phương Hiền

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/so-hoa-doanh-nghiep-xu-huong-tat-yeu/347299.vgp