Số hóa kênh thu học phí: tiện lợi phải song hành cùng hợp lý

Năm học 2023-2024, đa phần các trường học tại TPHCM đã triển khai hình thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Việc áp dụng phương thức thanh toán này giúp minh bạch trong công tác thu – chi tài chính, tránh tính trạng lạm thu. Tuy nhiên, nhiều phụ hynh cho rằng việc đóng học phí không dùng tiền mặt khiến họ phải tốn một khoản phụ phí khoảng 2.000-20.000 đồng/lần khi thanh toán qua những ứng dụng trung gian, kênh thu hộ.

‘Phụ phí’ cho mỗi lần đóng học phí

Hiện nay, việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt trên địa bàn TPHCM đã góp phần giảm áp lực xếp hàng, chờ thanh toán cho phụ huynh vào những thời điểm nộp học phí cho con.

Theo chị Thu Hoài, một phụ huynh của học sinh tại quận Gò Vấp (TPHCM), trước đây, sau khi tan làm, chị vưàđón con vừa tranh thủ đóng học phí. Có những ngày, nếu đến muộn, phòng tài chính hết giờ làm việc, đành phải quay trở lại vào hôm sau. Hoặc vào đợt cao điểm, phụ huynh sẽ đến xếp hàng chờ rất lâu để đóng học phí. Hình thức thu trực tiếp này gây tốn kém thời gian. Vì vậy, chị rất ủng hộ phương thức không dùng tiền mặt. Dù ở bấtcứ địa điểm nào, các phụ huynh đều có thể thực hiện các giao dịch thanh toán học phí.

Bên cạnh những mặt tiện lợi khi “số hóa” hình thức thanh toán học phí, nhiều phụ huynh cho rằng phương thức này vẫn còn một số bất cập như quy trình thực hiện còn rườm rà, khó thao tác, tốn phí sau mỗi lần giao dịch…

Có hai người con đang theo học tại hai trường khác nhau trên địa bàn quận Tân Phú, anh Trung Chiến cho biết dù trước đây từng rất ủng hộ việc đóng học phí không dùng tiền mặt nhưng sau đó lại cảm thấy phiền hà. Vì trường con của anh yêu cầu đóng học phí theo tháng, mỗi lần đóng đều tốn phí gần 9.000 đồng/lần. Như vậy, mỗi năm học, anh có thể tốn khoảng 81.000 đồng cho phí dịch vụ đóng.

Gia đình có hai người con đang trong độ tuổi đi học, khiến phí đóng tăng gấp đôi. Ngoài ra, mỗi trường có một kiểu đóng học phí khác nhau như app (ứng dụng) A, ngân hàng B, ví điện tử C… khiến anh Chiến phải choáng váng trước ‘ma trận’ thanh toán học phí trực tuyến.

Anh Trung Chiến, một phụ huynh học sinh tại quận Tân Phú (TPHCM), đang sử dụng một ứng dụng để thanh toán học phí trực tuyến. Ảnh: Minh Thảo

Gặp khó khăn khi nhiều lần chuyển khoản để nộp học phí cho con nhưng thất bại, chị Huyền, một phụ huynh học sinh tại quận Bình Thạnh, cho biết tổng cộng học phí của con là 990.000 đồng nên chị chỉ nhập số tiền này để chuyển đi. Thế nhưng, dù đúng số tiền nhưng số tài khoản nhưng hệ thống vẫn báo lỗi. Sau cả tuần tìm kiếm lỗi, chị mới phát hiện ra là chưa cộng thêm 2.000 đồng phụ phí đính kèm, dù ngân hàng đang dùng là miễn phí chuyển khoản.

Nữ phụ huynh này cho biết thêm, app chuyển tiền học phí mà trường con của chị đang sử dụng có nhiều hình thức chuyển khoản nhưng 100% đều tốn phí. Dù có nhiều phương tiện để thanh toán như qua chuyển khoản trực tiếp, Momo, Zalopay, thẻ ghi nợ… nhưng đều mất phí ít nhất 2.000 đồng/lần, nhiều nhất đến 19.943 đồng/lần giao dịch.

Kênh thanh toán đa dạng, chi phí tối giản

Ghi nhận tại Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp), để thuận tiện hơn cho phụ huynh, trường học này có bốn hình thức đóng tiền học phí là đóng tiền mặt trực tiếp hoặc sử dụng kênh thu hộ; cà thẻ tại máy Pos của một ngân hàng đặt trong trường. Ngoài ra, phụ huynh có thể chuyển khoản trực tiếp vào số tài khoản do trường cung cấp theo đúng cú pháp để tránh nhầm lẫn.

Ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết sở dĩ trường có nhiều kênh thu học phí như trên là do địa bàn đông người nhập cư, phần lớn buôn bán nhỏ, lao động chân tay… Nhiều phụ huynh không rành công nghệ nên nhà trường tạo ra nhiều hình thức thu học phí để hỗ trợ bằng mọi cách có thể.

Trước tình trạng một số phụ huynh than khó khi phải chuyển khoản đóng học phí, nói với KTSG Online, vị hiệu trưởng của một trường THCS ở khu vực ngoại thành TPHCM, cho biết những năm trước đây, trường có áp dụng hình thức thu phí bán tự động, nghĩa là phụ huynh nộp tiền chuyển khoản qua ngân hàng đến tài khoản nhà trường. Tuy nhiên, trường học có hơn 3.000 học sinh, nếu người chuyển tiền ghi không rõ nội dung hoặc sai cú pháp, thì sau này, việc rà soát sẽ rất vất vả. Do đó, năm học này, nhà trường khuyến khích phụ huynh thanh toán học phí không dùng tiền mặt mà dùng các kênh thu hộ.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho phụ huynh, trường hợp nào đến trường đóng tiền mặt, thủ quỹ vẫn nhận; sau đó chuyển khoản giúp và phí phát sinh nhà trường sẽ chịu, vị hiệu trưởng này cho biết thêm.

Ngành giáo dục TPHCM yêu cầu các trường học trên địa bàn phải đa dạng các kênh thanh toán học phí với mức phí thấp nhất hoặc không thu phí. Ảnh minh họa: Minh Thảo

Liên quan đến việc đóng học phí không thu tiền mặt, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có yêu cầu các trường học phải đa dạng hóa các kênh thanh toán, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian nào. Điều này giúp phụ huynh và học sinh có nhiều lựa chọn, thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác.

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các trường học phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán học phí có mức phí thấp nhất hoặc không thu phí để giới thiệu đến phụ huynh.

Các cơ sở giáo dục cũng thực hiện công khai về mức phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời hướng dẫn cách thức thực hiện trên bảng hướng dẫn của nhà trường, phiếu thông báo các khoản thu hàng tháng… để có thể lựa chọn theo nhu cầu. Đặc biệt, trường phải cung cấp đầy đủ thông tin các ngân hàng, đơn vị trung gian đang tham gia triển khai dịch vụ để phụ huynh an tâm khi sử dụng.

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-hoa-kenh-thu-hoc-phi-tien-loi-phai-song-hanh-cung-hop-ly/