Số hóa là giải pháp cho bài toán năng suất của Việt Nam

Nghiên cứu mới nhất của IMF cho thấy số hóa là giải pháp cho bài toán năng suất của Việt Nam và châu Á, nhưng khoảng cách số, khó khăn vốn lại là rào cản.

Báo cáo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở Châu Á để thúc đẩy năng suất do Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Đại học Kinh tế Quốc dân công bố ngày 10-1 cho thấy bức tranh toàn cầu với số đơn xin cấp bằng sáng chế công nghệ thương và chi tiêu mại điện tử và làm việc từ xa tăng mạnh trong thời gian đại dịch.

Con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất

Điểm đáng chú ý trong diễn biến này là châu Á hiện chiếm gần 60% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của thế giới...

Lễ công bố Báo cáo của IMF về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á để thúc đẩy năng suất".

Lễ công bố Báo cáo của IMF về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở châu Á để thúc đẩy năng suất".

Tuy nhiên, bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng giám đốc điều hành IMF nhận định, nghiên cứu này cũng cho thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á sau đại dịch đang dần mất đà do những yếu tố như điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, cầu xuất khẩu giảm, sự giảm tốc sâu và bất thường ở Trung Quốc khiến cho triển vọng kinh tế trở nên u ám.

Bất chấp những thách thức đó, đại diện IMF cho rằng, con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy năng suất của châu Á chính là dựa trên vị trí tiên phong của châu lục này: Số hóa.

Điều này là có cơ sở, khi tầng lớp dân số trẻ gia tăng ở Bangladesh, Indonesia và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ mới và trở thành tập khách hàng tiềm năng đáng kể cho kinh tế số.

Năm 2020, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng 40% – 50%, một tốc độ tăng vượt trội phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

“Sự tăng trưởng nhanh chóng này được thúc đẩy bởi xu hướng dịch chuyển khỏi phương thức thanh toán bằng tiền mặt và sự bùng nổ các phương thức thanh toán số thay thế, đặc biệt là thẻ trả trước và ví điện tử” - bà Antoinette Sayeh nói.

Dù vậy, khoảng cách số vẫn là vẫn đang kìm hãm quá tình cải thiện năng suất châu Á. Khả năng tiếp cận công nghệ số tiên tiến có sự không đồng đều lớn ngay trong mỗi quốc gia, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Ngoài ra, khó khăn về vốn cũng là một rào cản chính trong ứng dụng công nghệ. Vấn đền này đang xuất hiện ở gần 1/2 số doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng 1/3 số doanh nghiệp lớn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi của châu Á, theo một nghiên cứu mới của IMF.

Mức độ số hóa thấp và những khó khăn trong tiếp cận, áp dụng công nghệ mới đã khiến các doanh nghiệp này phải vật lộn để làm việc từ xa hay bán hàng trực tuyến trong thời gian đại dịch.

Tốc độ lan tỏa công nghệ chậm chạp giữa những doanh nghiệp tiên phong với những doanh nghiệp đi sau cũng làm sâu thêm khoảng cách công nghệ. Các hạn chế như sự khan hiếm lao động tinh thông công nghệ số, khả năng tiếp cận hạ tầng số không bình đẳng, các bất cập trong môi trường pháp lý (bao gồm cả việc thiếu vắng những quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) đang cản trở việc chia sẻ thông tin cũng như niềm tin vào áp dụng công nghệ.

Khoảng cách số cũng ngăn cản người lao động thụ hưởng đầy đủ lợi ích của việc tham gia nền kinh tế số và phát huy tối đa tiềm năng của mình.

IMF cho rằng rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất. Ảnh minh họa.

Ví dụ, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ thâm nhập Internet thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với chỉ 1/4 tổng dân số sử dụng Internet. Còn ở Việt Nam và Bangladesh, mặc dù chi phí truy cập Internet chỉ ở vừa phải, tốc độ kết nối Internet lại thường chậm.

Cải thiện môi trường pháp lý

Từ thực tiễn này, các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ số, rút ngắn khoảng cách số giữa các doanh nghiệp, các ngành và những người lao động sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất.

Tại lễ công bố, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom đánh giá, trong bối cảnh công nghệ hiện diện hầu hết các lĩnh vực, cần phải có lực lượng lao động thành thạo công nghệ, để làm được điều đó thì cần phải đào tạo.

Nhưng với số lượng lên đến hàng triệu người thì không có trường lớp nào đáp ứng được. Vì vậy, cần phải đào tạo online, các bài giảng, giáo trình sẽ được chia sẻ nhanh chóng.

Đồng tình, bà Antoinette Sayehcho rằng Việt Nam cần ưu tiên các cải cách gồm: Tăng cường hạ tầng số của quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và công nghệ; Nâng cao trình độ hiểu biết công nghệ số, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, khắc phục những hạn chế về nguồn vốn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt để giúp họ áp dụng công nghệ mới. Việc gia tăng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà phát minh giới thiệu sản phẩm mới của họ.

Tạo thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới thông qua đơn giản hóa các quy định quản lý nhà nước phù hợp với ngành công nghệ số đang phát triển, cải thiện môi trường pháp lý (trong đó có những quy định về bảo mật dữ liệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ) và tạo thuận lợi cho thương mại số.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-hoa-la-giai-phap-cho-bai-toan-nang-suat-cua-viet-nam-post716007.html