Số hóa sản xuất: Chuyển biến khá rõ nét

Bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ nhằm tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, ngành lao động cũng đang xây dựng, hoàn thiện chính sách phòng ngừa về tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đều bắt đầu hoạt động sản xuất trở lại sau quãng thời gian bị ngừng trệ. Tuy nhiên, chính điều này lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, từ những yếu tố về máy móc chưa được kiểm tra, kiểm soát tốt, từ đó có thể xảy ra các sự cố ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, yêu cầu đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các đơn hàng tồn đọng từ thời điểm dịch bệnh cũng khiến việc đảm bảo các yếu tố an toàn trong sản xuất chưa được kiểm tra kỹ lưỡng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào lĩnh vực khai thác và sản xuất nhằm tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, ngành lao động cũng đang xây dựng, hoàn thiện chính sách phòng ngừa về tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng mất an toàn lao động từ năm 2022 đến quý I/2023?

Ông Hà Tất Thắng: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm giờ làm, hoạt động sản xuất bị ngừng. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra. Lý do bởi, việc kiểm định, bảo dưỡng máy móc, thiết bị chưa được tuân thủ nghiêm túc. Thêm nữa, việc đào tạo cập nhật kiến thức về đảm bảo an toàn cho người lao động cũng chưa kịp thời.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, số người chết do tại nạn lao động tuy có giảm nhưng số vụ tai nạn lao động vẫn có chiều hướng tăng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng như cơ quan thanh kiểm tra không được chủ quan mà cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác an toàn vệ sinh lao động trong giai đoạn sau đại dịch phục hồi kinh tế, tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh.

BNEWS: Theo Cục trưởng, việc số hóa, áp dụng công nghệ vào lĩnh vực khai thác và sản xuất nhằm tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn lao động có ý nghĩa như thế nào?

Ông Hà Tất Thắng: Việc sử dụng công nghệ, trang thiết bị máy móc là nhu cầu thiết yếu hiện nay bởi khi thay thế sức người làm việc trong môi trường nặng nhọc và độc hại sẽ giúp giảm đáng kể các mối nguy hiểm, giảm căng thẳng, áp lực tăng ca đối với người lao động. Bên cạnh đó, viêc số hóa công nghệ trong môi trường làm việc còn hỗ trợ người quản lý có sự điều hành và tổ chức quy trình làm viêc đồng bộ tốt hơn.

Chẳng hạn, những đổi mới về công nghệ, trang thiết bị ở những ngành như khai thác khoáng sản và xây dựng cũng đang trong quá trình chuyển biến khá rõ nét. Ngành khai thác than đã áp dụng một số công nghệ mới như sử dụng máy khai thác, khấu than hay giàn trống thủy lực, giàn chống bằng thép để chống đỡ cải thiện điều kiện an toàn hơn cho công nhân; sử dụng phương pháp đo khí tự động giúp quan sát để sớm phát hiện đồng thời ngăn ngừa những nguy cơ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, những ngành nghề có nguy cơ cao luôn tiềm ẩn các rủi ro không thể lường trước, đặc biệt là khi người lao động không được đào tạo ngành nghề phù hợp, không được huấn luyện về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cập nhật kiến thức, biện pháp làm việc an toàn thường xuyên rất dễ xảy ra các tai nạn lao động ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Vì vậy, cấp quản lý ở doanh nghiệp cần phải luôn quan tâm, có kế hoạch huấn luyện, đào tạo, thanh, kiểm tra và có biện pháp quản lý điều hành ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

Chính vì thế, để duy trì các phương thức làm việc truyền thống cũng như ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hiện nay, chúng ta cần xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính, thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động của doanh nghiệp. Giữa cơ quan quản lý nhà nước đến cơ quan quản lý trung gian với doanh nghiệp và người lao động cần có những quy trình đồng bộ mới đem lại hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu tai nạn lao động. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

BNEWS: Thưa ông, những chính sách mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được triển khai như thế nào? Và đã tác động đến người lao động và doanh nghiệp ra sao?

Ông Hà Tất Thắng: Trong hệ thống chính sách về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là từ khi có Luật về an toàn vệ sinh lao động năm 2015, chúng tôi đã đề xuất với cơ quan thẩm quyền và Quốc hội cũng đã ban hành các chính sách phòng ngừa về tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp phòng ngừa.

Luật an toàn vệ sinh lao động có Điều 55 và 56 đưa ra mức hỗ trợ phòng ngừa về hoạt động an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, được trích từ phần thu của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không quá 10 %.

Mức hỗ trợ này giúp doanh nghiệp trong công tác phòng ngừa, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động không làm được nghề nghiệp cũ.

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ những người bị tai nạn lao động hoặc gia đình họ có khoản bồi thường, trợ cấp nhất định để trang trải cho cuộc sống. Hay nếu không may mắc bệnh nghề nghiệp, người lao động sẽ được hưởng chính sách này về lâu dài.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hoàn thiện xây dựng dự thảo về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện dành cho đối tượng không có quan hệ lao động dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm nay. Những người lao động không có quan hệ lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng mọi chính sách như người lao động bình thường.

BNEWS: Vậy ngành đã đưa ra những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hà Tất Thắng: Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và thông tư phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, ngành cũng đang xây dựng Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho hơn 30 triệu lao động không quan hệ lao động để giúp người lao động đều được hưởng các chế độ về phòng ngừa tại nạn nghề nghiệp cũng như trợ cấp.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cấp địa phương phải tăng cường, bố trí ngân sách hỗ trợ và triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn.

Mặt khác, hỗ trợ người sử dụng lao động thấu hiểu trách nhiệm đối với người lao động. Hàng năm, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch bảo hộ vệ sinh, an toàn lao động, bố trí kinh phí, nguồn lực và tổ chức đối thoại ba bên giữa người sử dụng lao động, công đoàn và các bộ phận y tế, đại diện người lao động để những biện pháp để cải thiện môi trường điều kiện làm việc cho người lao động tốt hơn...

Đối với người lao động, họ cần được giáo dục hiểu biết nhiều hơn về công tác an toàn, vệ sinh lao động để bảo vệ cho sức khỏe, tính mạng bản thân và gia đình của chính người lao động đó.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!./.

Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/so-hoa-san-xuat-chuyen-bien-kha-ro-net/291114.html