Số hóa trong giao dịch thương mại: Chi phí 1, lợi nhuận 10

Hơn 70 ngàn doanh nghiệp (DN) rời thương trường 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của DN khủng khiếp đến mức nào. Vì vậy, theo giới chuyên gia kinh tế, 'số hóa' là yếu tố quan trọng để các DN vượt qua những khó khăn hiện nay.

“Số hóa” giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

“Số hóa” giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Tiện lợi, chi phí thấp

Đại dịch Covid-19 khiến cho tất cả các lĩnh vực kinh tế đều đình trệ. Các DN gặp khó khăn trong cả việc xuất khẩu cũng như nhập khẩu hàng hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng, xúc tiến thương mại trực tuyến là một trong những giải pháp để vực dậy cộng đồng DN trước những tác động của đại dịch.

Số liệu thống kê cho biết, 10 tháng năm 2020, đã có khoảng 100.000 lượt DN Việt Nam và nước ngoài tham gia kết nối giao thương trực tuyến với hàng trăm sản phẩm đặc trưng, đa dạng đến từ các tỉnh thành trong và ngoài nước. Việc giao thương trực tuyến đang được các DN coi là công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa.

Đứng ở vai trò cộng đồng DN, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí giảm đi rất nhiều lần so với trực tiếp, chi phí có thể chỉ bỏ ra một, nhưng hiệu quả lại cao gấp hàng chục lần.

“Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại online là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN. DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, theo đại diện VINASME, phương thức xúc tiến này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán.

Quan trọng vẫn là chất lượng sản phẩm

Trên thực tế, nắm được những lợi thế từ thương mại điện tử, không ít DN đã đẩy mạnh vào kênh kinh doanh này. “Không cần phải mất những chi phí vận chuyển và đi lại, giao thương và ký kết online, hiệu quả lớn hơn nhiều lần so với việc phải trực tiếp trao đổi với nhau”, đại diện một DN xuất nhập khẩu chia sẻ.

Cũng khẳng định vai trò của việc kết nối trực tuyến cũng như những ưu điểm của nền kinh tế số, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB, Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại, tiếp cận đối tác… là giải pháp quan trọng để DN có thể gặt hái thành công, vượt qua những khó khăn cũng như rào cản do Covid-19 gây ra. Đây cũng là giải pháp ưu việt để các DN phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Tuy nhiên, kể cả bằng giải pháp nào, sản phẩm của DN cũng cần phải đảm bảo chất lượng, giá thành tốt, vì quan trọng nhất vẫn là chữ tín”, ông Toản nhấn mạnh..

Đồng thời vị này cũng cho rằng, nếu DN chuẩn hóa, số hóa tất cả các kênh thì khả năng “bao vây” những kênh tiếp cận của các đối tác nhập khẩu sẽ rất lớn.” Chúng tôi coi những DN được chuyển đổi số giống như trên bệ phóng, nếu bệ phóng tốt sẽ giúp DN xuất khẩu trực tuyến có kết quả cao, nhanh và thậm chí là tối ưu hiệu quả”, ông Toản nói.

Cũng khẳng định những điểm mạnh của việc xúc tiến thương mại trực tuyến, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua đơn vị liên tiếp thực hiện đa dạng nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ và đồng hành cùng DN nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.

Tuy nhiên, theo vị này, vấn đề quan trọng là các DN vẫn cần phải nỗ lực tự thân, tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, giá hấp dẫn để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm “đối thủ” trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Và tất nhiên, điều này cần đến vai trò quan trọng của nhà quản lý trong việc kết nối chuyên gia thiết kế và marketing trong và ngoài nước để cùng doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu, thông điệp truyền thông tạo đòn bẩy, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu”.

10 tháng năm 2020, đã có khoảng 100.000 lượt DN Việt Nam và nước ngoài tham gia kết nối giao thương trực tuyến với hàng trăm sản phẩm đặc trưng, đa dạng đến từ các tỉnh thành trong và ngoài nước. Việc giao thương trực tuyến đang được các DN coi là công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/so-hoa-trong-giao-dich-thuong-mai-chi-phi-1-loi-nhuan-10-522860.html