Sổ hồng và quyền lợi người dân

Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi nhiều 'sổ hồng' rồi quyết định tạm dừng việc 'thu hồi sổ hồng' đã cấp cho các hộ dân tại một số dự án nhà ở bán cho khách hàng, do các dự án chung cư này bị chuyển đổi công năng và nâng tầng sai quy hoạch. Lỗi ở đâu thì rồi hạ hồi phân giải, nhưng người dân bị ảnh hưởng đầu tiên.

Tuy nhiên, việc thu hồi “sổ hồng” như vậy cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, mà cụ thể là Sở Tài nguyên - Môi trường.

Một số dự án có “sổ hồng” bị thu hồi là khu nhà ở Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông); Dự án nhà ở CT6 Kiến Hưng - Hà Đông; Dự án nhà ở CT5 xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Lý do thu hồi được Sở TNMT Hà Nội nêu rõ là do trong quá trình Sở TNMT thẩm định hồ sơ và cấp sổ có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Mà theo quy định của pháp luật, Sở này hoàn toàn có quyền thu hồi “sổ hồng” sau khi phát hiện ra sai phạm thông qua quá trình thanh kiểm tra.

Theo Luật Đất đai 2013, khi người dân đã được cấp “sổ đỏ”- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất- thì đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp. Thế nên từ trước tới nay, khi người dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đồng nghĩa với việc họ là chủ sở hữu của căn nhà ấy và họ được pháp luật bảo hộ các quyền lợi ích hợp pháp của họ trước pháp luật. Tóm lại từ trước tới nay những giao dịch liên quan đến bất động sản nếu cứ có “sổ đỏ” tức là chắc ăn 100% về quyền sở hữu, không có gì phải bàn cãi.

Đặc biệt với các dự án bất động sản, “sổ đỏ” lại càng bảo đảm vì để được cấp, chủ đầu tư phải hoàn thành mọi hồ sơ pháp lý, nghĩa vụ thuế... Nếu dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, chắc chắn không được khởi công, xây dựng. Nếu dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chắc chắn không được cấp “sổ đỏ”. Thế nhưng dự án Mường Thanh với hàng ngàn căn hộ, ở ngay Thủ đô, người dân đã vào ở, đã được cấp “sổ hồng” về cất trong tủ thế mà lại vướng sai phạm như nâng tầng, chuyển đổi công năng... thế mới là điều đáng nói và khó chấp nhận.

Hàng loạt những câu hỏi đặt ra cần cơ quan chức năng giải thích trước khi ban hành một quyết định thu hồi. Thứ nhất, dự án sai về giấy phép xây dựng, tại sao cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp sổ hồng? Trách nhiệm thuộc về ai? Xử lý thế nào? Thứ hai, tại sao một dự án quy mô hàng ngàn căn hộ xây sai phép mà không ai biết, không can thiệp ngay từ khi đang thi công rồi xử phạt theo quy định, thông báo cho tất cả mọi người được biết để tránh mua nhầm mà vẫn để dự án xây dựng hoàn thành, hoàn công, cấp giấy? Những đơn vị nào có trách nhiệm trong việc này? Xử lý thế nào chưa thấy nói nhưng người mua nhà lại phải chịu hậu quả đầu tiên, sao lại có chuyện vô lý như thế.

Như vậy không thể tùy tiện thu hồi “sổ hồng” của dân khi lỗi không thuộc về họ. Việc thu hồi đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, đó là dự án được cấp “sổ hồng” vẫn không an toàn, vẫn có thể bị thu hồi. Điều đó sẽ khiến người mua nhà bất an, nghi ngờ, ảnh hưởng đến các chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng nói riêng, và thị trường nói chung.

Vậy giải quyết vấn đề này thế nào, làm thế nào để dân không bị thiệt khi họ không mắc lỗi gì? Theo luật sư Trương Anh Tú- Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội)- có hai phương án khả thi để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Phương án thứ nhất, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tức là chủ đầu tư phải trả lại tiền cho người mua nhà. Sau đó người mua nhà có thể sử dụng số tiền đó để mua nhà khác. Phương án thứ hai, chủ đầu tư phải trả cho người mua nhà một căn hộ có giá trị tương đương tại tòa nhà họ đã mua. Tóm lại, cấp sổ hay thu hồi sổ cũng phải đảm bảo quy định của pháp luật chứ không thể chủ đầu tư sai, cơ quan chức năng có lỗi mà dân lại phải chịu.

Về vấn đề này, ông Mai Văn Phấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Bộ TNMT cho biết: Bộ TNMT đã yêu cầu Sở TNMT Hà Nội dừng ngay việc thu hồi “sổ hồng” chung cư Mường Thanh để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã họp với Tổng cục, yêu cầu xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm mà không giám sát thì cũng phải xử lý, không để người dân là nạn nhân được.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/so-hong-va-quyen-loi-nguoi-dan-tintuc442606