Sở hữu súng ở Mỹ và những 'quả bom hẹn giờ'

Liên tiếp trong sáng 19/5 (giờ Việt Nam - tức tối 18/5 theo giờ địa phương) đã xảy ra hai vụ xả súng trường học lần lượt tại bang Texas và bang Georgia của Mỹ, khiến ít nhất 11 học sinh thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Đây đã là lần thứ 22 kể từ đầu năm nay, nước Mỹ chìm trong bầu không khí tang thương bởi bạo lực súng đạn học đường.

Cảnh sát được huy động tới hiện trường vụ xả súng ở Georgia, Mỹ đêm 18/5. Ảnh: WFTV/TTXVN

Theo giới chuyên gia, việc dễ dàng sở hữu súng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và cảm giác bị cô lập ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại của Mỹ có thể biến người ta thành "những quả bom hẹn giờ".

Chỉ trong 10 năm qua, nước Mỹ đã chứng kiến 4 vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước này. Năm 2007, một sinh viên tại trường đại học Công nghệ Virginia đã dùng súng giết chết 32 người. Năm 2012, một kẻ bị rối loạn tâm thần đã cướp đi sinh mạng của 28 người trong vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, trong số các nạn nhân có 20 trẻ em. Tiếp đó, năm 2016, một đối tượng đã nã súng sát hại 49 người tại một hộp đêm cho người đồng tính nam ở Orlando. Và gần đây nhất là vụ xả súng tại Las Vegas hồi tháng 10/2017, khiến gần 60 người thiệt mạng và 500 người bị thương.

Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng/326 triệu người, tỷ lệ tử vong do súng đạn tại Mỹ theo đó cũng rất cao. Số liệu thống kê của Gun Violence Archive cho thấy tính từ 1/1/2018 đến nay, nước Mỹ chứng kiến 21.925 vụ bạo lực liên quan tới súng, trong đó có 102 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi sinh mạng của 5.440 người. Tỷ lệ các vụ xả súng tại các trường học với thủ phạm là học sinh, sinh viên ở mức cao. Người ta không khỏi rùng mình khi biết rằng đối tượng đứng sau vụ xả súng tại trường trung học Santa Fe ở bang Texas sáng 19/5, khiến 10 người thiệt mạng và 10 người bị thương, mới chỉ 17 tuổi.

Bạo lực súng đạn học đường ỏ Mỹ cũng là vấn đề được nói tới nhiều. Chưa đầy 2 tháng trước, học sinh, sinh viên trên toàn nước Mỹ đã tham gia các hoạt động như March For Our Lives" (Tuần hành vì sinh mạng của chúng ta), "NeverAgain" (Không bao giờ nữa) hay "Enough" (Thế là quá đủ)... yêu cầu thắt chặt kiểm soát súng đạn, sau những thảm kịch đẫm máu như vụ xả súng tháng 2 vừa qua tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida khiến 17 người thiệt mạng. Nhiều địa phương của Mỹ đã siết chặt các quy định sở hữu súng, nhiều trường học đã áp dụng biện pháp nâng cao an ninh..., song có vẻ một giải pháp kiên quyết và tổng thể trên quy mô toàn nước Mỹ để chấm dứt nạn xả súng học đường thì vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và Quốc hội xem việc sở hữu súng là một trong những quyền cơ bản của con người. Những người cực đoan cho rằng nước Mỹ là nơi nguy hiểm rình rập và việc mang theo súng phòng vệ là điều cần thiết để bảo toàn mạng sống cho bản thân. Các vụ bắn giết càng nhiều, số lượng súng đạn bán ra cũng theo đó mà tăng lên. Ở nhiều bang, việc mua súng dễ như mua một món đồ chơi. Chỉ cần trên 21 tuổi, có địa chỉ rõ ràng, không cần kiểm tra sức khỏe tâm thần là có thể dễ dàng sở hữu ngay một khẩu súng ngắn. Trong khi đó, độ tuổi được sở hữu các loại súng trường chỉ là 18. Và ngành công nghiệp vũ khí tại Mỹ hàng năm không ngừng tung ra các mẫu mã mới, mang về lợi nhuận khổng lồ ước tính đạt doanh thu hàng trăm tỉ USD, đủ cho các ông chủ chi tiền lobby để các bộ luật về hạn chế hay cấm súng đạn không được thông qua...

Trong ngày Black Friday 24/11/2017, nước Mỹ đã chứng kiến cột mốc kỷ lục mới khi có hơn 200.000 yêu cầu kiểm tra lý lịch để mua súng được gửi đến văn phòng Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI), chưa tính tới các giao dịch cá nhân riêng lẻ. Con số này ở thời điểm cùng kỳ năm 2016 là 185.713 và năm 2015 là 185.345 - đều là những kỷ lục về số lượng yêu cầu mua súng được thực hiện chỉ trong 1 ngày.

Ngoài việc chính quyền kiểm soát súng quá lỏng lẻo, còn hai yếu tố quan trọng khác mà các chuyên gia cho rằng đã góp phần đáng kể làm gia tăng các vụ xả súng hàng loạt trong những năm gần đây.

Yếu tố thứ nhất, đó là sự gia tăng mức độ cô lập đối với xã hội trong nước. Theo giới chuyên gia, nhiều người hiện nay - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đang dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết cho các phương tiện truyền thông xã hội, Internet và điện thoại thông minh. Điều này làm giảm đi sự tương tác giữa con người và con người, dẫn đến việc sức khỏe tinh thần bị giảm sút. Việc tự cô lập bản thân quá lâu sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn về tinh thần và kéo theo đó là việc thực hiện các hành vi bạo lực. Các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra sự gia tăng nghiêm trọng trong tỷ lệ trầm cảm ở những người trẻ tuổi. Báo cáo mới đây của công ty bảo hiểm hàng đầu của Mỹ Blue Cross Blue Shield cho thấy số người bị chẩn đoán trầm cảm đã tăng 33% trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2016.

Internet, người ta có thể ngay lập tức trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới nếu dính vào một vụ bê bối, cụ thể ở đây là việc phạm tội giết người hàng loạt. Giới chuyên gia cho rằng chỉ trong vòng vài giây sau khi cảnh sát công bố tên của kẻ giết người hàng loạt, cái tên này sẽ lập tức nổi tiếng trên toàn thế giới và đó chính là cách nhiều đối tượng tìm đến để xoa dịu cảm giác bị xã hội làm tổn thương.

Ông Christopher Galdieri, trợ lý giáo sư tại trường Cao đẳng Saint Anselm, cho biết: "Dường như các vụ xả súng hàng loạt đang trở nên phổ biến hơn, và mỗi vụ xả súng lại kéo theo lượng thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông theo cách mà bạn không thấy 25 năm về trước, khi chỉ có một kênh tin tức truyền hình cáp và ít người sử dụng Internet".

Trong khi đó, chuyên gia Darrell West thuộc Viện Brookings thì cho rằng sự nổi tiếng mau chóng này dường như càng khích lệ các đối tượng cực đoan hành động nhiều hơn và đây cũng chính là lý do một số kênh truyền thông đã bắt đầu ngừng công bố tên của thủ phạm trong các vụ án.

Ông Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch và Giám đốc chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu tổng thống và quốc hội Mỹ thì kêu gọi chính phủ mau chóng hành động để cải thiện tình hình: "Tất nhiên sẽ không có một giải pháp nào giải quyết được mọi sự cố liên quan tới việc kiểm soát súng, nhưng điều quan trọng cần phải thực hiện đó là cải thiện hệ thống kiểm tra lý lịch; cấp phép hoặc hạn chế đối với việc sở hữu các vũ khí có độ sát thương cao, mạnh mẽ hơn, cải thiện hệ thống giám sát sức khỏe tâm thần và loại bỏ triệt để khả năng những người rối loạn tinh thần được sở hữu súng, đồng thời đảm bảo an ninh tốt hơn tại các trường học".

Nhiều chuyên gia cũng nhất trí quan điểm rằng trong bối cảnh bạo lực súng đạn đang ngày một gia tăng, Chính phủ Mỹ lừng chừng, không đưa ra biện pháp giải quyết cụ thể nào.

Trong phát biểu từ Nhà Trắng sáng 19/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân các vụ xả súng trước đó cùng ngày. Ông thừa nhận bạo lực súng đạn là vấn đề "thâm ăn cố đế" trong xã hội Mỹ, đồng thời cam kết Chính phủ Mỹ sẽ "thực hiện mọi điều trong quyền hạn" để bảo vệ các sinh viên, các trường học và để không tái diễn các trường hợp đối tượng nào đó sử dụng vũ khí để đe dọa bản thân hay người khác.

Tuy nhiên, lời cam kết của "ông chủ" Nhà Trắng chưa đủ để thuyết phục dân chúng khi mới chỉ cách đây 2 tuần, ông đã thể hiện sự ủng hộ rõ rệt đối với Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA) khi cam kết không siết chặt các đạo luật kiểm soát súng đạn, thậm chí còn chỉ trích các đạo luật súng đạn nghiêm khắc tại các nước như Pháp và Anh, cho rằng các vụ tấn công có thể ngăn chặn được nếu người dân được trang bị vũ khí. Điều đó đồng nghĩa với "những quả bom hẹn giờ" của các vụ xả súng học đường sẽ còn phát nổ hôm nay, ngày mai hay xa hơn nữa ở nước Mỹ.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/so-huu-sung-o-my-va-nhung-qua-bom-hen-gio-20180519142808038.htm