Sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp

Đã xảy ra không ít trường hợp DN Việt Nam bị đánh cắp kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường quốc tế, nhưng việc bảo hộ sở hữu trí tuệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong bối cảnh hiện nay, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho DN Việt Nam là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của quá trình hội nhập. Đây cũng chính là nội dung được quan tâm nhiều nhất trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Vì thế, Nghị quyết 01 của Chính phủ định hướng chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế -xã hội năm 2019 đã khẳng định: “Phát triển mạnh DN khoa học công nghệ, đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ” như là một trong những nội dung cấu thành thiết yếu.

Mặt khác, các DN khởi nghiệp nếu chú trọng đến sở hữu trí tuệ sẽ là công cụ rất tích cực trong việc tạo ra giải pháp mới, áp dụng những ý tưởng chưa có ở Việt Nam. Tuy vậy, nhiều DN, nhất là DN mới khởi nghiệp vẫn chưa thể quan tâm đúng mức đến sở hữu trí tuệ, hoặc chưa có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để có thể thực hiện đúng và đủ về sở hữu trí tuệ. Thế nên, những vụ kiện tụng tốn kém để lấy lại các thương hiệu của nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, thuốc lá Vinataba… vẫn chưa là bài học đắt giá cho nhiều DN. Thực tế cũng cho thấy, chỉ có một số ít trường đại học có quan tâm về sở hữu trí tuệ đã đưa một số môn về sở hữu trí tuệ, một số chủ đề về sở hữu trí tuệ vào trong quá trình đào tạo. Vì thế, những bạn trẻ muốn khởi nghiệp khó có thể có được đủ kiến thức để khai thác và ứng dụng vào thực tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với mục tiêu tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đã vạch rõ các nhiệm vụ rất cụ thể, trong đó khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, các DN nhất là DN khởi nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Bên cạnh đó, các DN khởi nghiệp nên tìm đến các trung tâm hỗ trợ, “vườn ươm” khởi nghiệp để được hỗ trợ tư vấn và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ

Bình Nam

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/so-huu-tri-tue-voi-khoi-nghiep-110523-110523.html