Sở hữu vật, hay vật sở hữu?

Vào năm 1859, có 450 hành khách đã mãi mãi nằm lại biển sâu sau khi con tàu chở vàng Royal Charter từ Úc về Anh chìm ở ngoài khơi biển Bắc xứ Wales do sự cố. Điều làm tấn thảm kịch trở nên đáng chú ý hơn rất nhiều thảm họa hàng hải khác là lý do khiến nhiều người chìm nhanh hơn khi con tàu gặp nạn: hông họ quá nặng vì đeo những bọc vàng.

Nhà văn Trần Văn Tuấn: Không viết vì sự ám ảnh

Tại sao con người bị ám ảnh bởi đồ vật

Đấy chỉ là một trong những ví dụ cho thấy sự ám ảnh của con người, đôi khi là ám ảnh đến phi lý, với tài sản. Những chủ sở hữu xe hơi vẫn bị giết và bị thương nặng mỗi năm khi đang nỗ lực bảo vệ chiếc xe của mình trước kẻ cướp. Suy nghĩ logic thì lựa chọn đó quá mạo hiểm để đánh đổi, nhưng trong tiềm thức chúng ta vẫn vang lên những lời thúc giục: cần phải bảo vệ những gì thuộc sở hữu của mình bằng mọi giá.

Tất nhiên, chủ nghĩa vật chất và khát khao tài sản là những động lực mạnh mẽ. Hầu hết chúng ta đều đồng ý với câu nói được gán cho nữ diễn viên nổi tiếng Mae West: "Tôi đã từng giàu có nghèo có, và tin tôi đi, giàu vẫn tốt hơn". Thường là ngay cả khi có một mức sống thoải mái, phong lưu, chúng ta sẽ không dừng lại và vẫn muốn sở hữu nhiều hơn. Tại sao?

Cách duy nhất để thoát khỏi vòng lặp tuyệt vọng ấy, có thể là hơi sáo rỗng, nhưng không còn lựa chọn nào khác: ngừng quy đổi tài sản thành thước đo địa vị và thành công

Điều đáng chú ý là chúng ta thường có xu hướng muốn thể hiện sự giàu có thông qua những gì mình sở hữu. Vào năm 1899, nhà kinh tế học Thorsten Veblen đã khám phá ra rằng thìa bạc chính là biểu tượng của vị trí xã hội ưu tú. Ông nghĩ ra một thuật ngữ là "tiêu dùng phô trương" (conspicuous consumption) để mô tả việc người ta sẵn sàng mua những món hàng với giá cực kỳ đắt đỏ, dù chức năng cũng chỉ tương đương với món hàng rẻ hơn, để thể hiện địa vị của họ. Một hành vi bắt nguồn từ sinh học tiến hóa.

Hầu hết các loài động vật đều phải cạnh tranh để sinh sản. Tuy nhiên, việc giao tranh trực tiếp với các đối thủ mang đến nguy cơ chấn thương và tử vong cao. Chiến lược thay thế chính là "quảng cáo" cho bản thân để thuyết phục những bạn tình tiềm năng rằng mình là kẻ xứng đáng được giao phối hơn. Những đặc điểm "tiếp thị" thường là bộ lông sặc sỡ, gạc sừng to khỏe, các hành vi phô trương hoặc nghi thức tán tỉnh phức tạp. Do sự phân chia thứ bậc trong giành quyền sinh sản, những con đực thường có ngoại hình thu hút và hành vi phức tạp hơn con cái để thông báo địa vị của chúng, thứ địa vị đi kèm những ưu thế về di truyền.

Các đặc điểm phô trương tốn kém dường như là chỉ dấu đáng tin cậy của những phẩm chất đáng mong muốn khác. Lấy ví dụ một con công đực: Bộ đuôi sặc sỡ của nó là phần phụ lố bịch đến nỗi vào năm 1860 Darwin đã phải thốt lên: Phải nhìn thấy lông vũ ở đuôi con công khiến tôi phát ốm.

Lý do giải thích cơn buồn nôn của Darwin là việc bộ đuôi ấy hoàn toàn thừa thãi và chẳng giúp ích gì cho sự sinh tồn. Nó quá nặng, đòi hỏi nhiều năng lượng để mang theo mình, cồng kềnh và không được sắp xếp hợp lý để di chuyển. Tuy nhiên, bộ lông đẹp cũng là chỉ dấu cho thấy gen miễn dịch tốt: con công mang được thứ phiền toái này hẳn là đáng tin cậy để duy trì nòi giống.

Với loài người, tài sản chính là đuôi công. Những người giàu có hơn có khả năng sống lâu hơn, sinh ra nhiều con cái hơn và được chuẩn bị tốt hơn để đối chọi với nghịch cảnh. Tiếng còi xe trong những chiếc xe cũ trở nên gắt gỏng hơn. Những người ăn diện sang trọng dễ tạo thiện cảm và thu hút hơn, cũng như thu hút bạn tình trong thế giới loài vật vậy.

Ngoài những chỉ dấu hấp dẫn về di truyền, có một lý do cá nhân khác thúc đẩy mãnh liệt ám ảnh giàu có, theo Adam Smith, cha đẻ của Kinh tế học hiện đại. Ông đã viết những dòng này từ năm 1759: "Người giàu ăn mừng sự giàu có của mình, bởi anh ta thấy rằng chúng (của cải) giúp anh ta thu hút sự chú ý của thế giới một cách tự nhiên".

Sự giàu có vật chất không chỉ giúp cuộc sống thoải mái hơn, mà còn mang lại cảm giác thỏa mãn vì sự ngưỡng mộ của người khác. Mua hàng xa xỉ đem lại cảm giác vui vẻ và hài lòng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang uống rượu đắt tiền, cảm giác ngon miệng thậm chí còn được khuếch đại bởi hệ thống định giá trong não bộ, so với việc uống đúng loại rượu đó nhưng với một cái giá mua rẻ hơn.

Quan trọng hơn cả, chúng ta là những gì chúng ta sở hữu. Hơn 100 năm sau thời Adam Smith, William James đã định nghĩa bản thân chúng ta không chỉ được cấu thành từ thể xác và tâm trí, mà còn bao gồm cả những gì chúng ta có thể áp đặt quyền sở hữu.

Điều này sẽ là nền tảng cho khái niệm "cái tôi mở rộng" được phát triển bởi Giáo sư marketing người Mỹ Russell Belk, người lập luận vào năm 1988 rằng chúng ta vận dụng quyền sở hữu và tài sản ngay từ khi còn nhỏ như một phương tiện để hình thành bản sắc và thiết lập địa vị.

Có lẽ đây là lý do tại sao từ 'Mine!' (Của tôi!) là một trong những từ phổ biến nhất được trẻ em mới chập chững sử dụng, và 80% các cuộc xung đột trong vườn trẻ là để... tranh giành đồ chơi!

Cùng với tuổi tác, chúng ta phát triển các cách giải quyết tài sản tinh vi hơn, nhưng mối liên hệ với tài sản như một phần danh tính mở rộng vẫn còn đó. Ví dụ một trong những hiện tượng tâm lý mạnh mẽ nhất trong kinh tế học hành vi là hiệu ứng sở hữu, được công bố lần đầu năm 1991 bởi Richard Thaler, Daniel Kahneman và Jack Knetsch.

Có nhiều phiên bản khác nhau của hiệu ứng này trong đời sống, nhưng có lẽ cụ thể nhất là hiện tượng chúng ta hầu như định giá mọi vật (một cốc cà phê chẳng hạn) tương đương nhau cho đến khi một người sở hữu nó, trong đó người chủ sở hữu luôn nghĩ rằng chiếc cốc của mình có giá trị hơn giá mà người mua tiềm năng sẵn sàng trả.

Điều thú vị là hiệu ứng này sẽ rõ ràng hơn trong các nền văn hóa khuyến khích tính độc lập hơn là những nơi khuyến khích các cá nhân dựa vào nhau. Một lần nữa, điều này phù hợp với khái niệm "cái tôi mở rộng", nơi chúng ta được xác định bởi những gì chúng ta sở hữu độc quyền.

Chỉ là phương tiện

Có một câu thoại cũ trong bộ phim kinh điển Fight Club: "Những thứ bạn sở hữu cuối cùng lại sở hữu bạn". Chủ nghĩa bái vật rốt cục chỉ là cái bẫy tâm lý. Cho dù bạn mua bao nhiêu, sở hữu bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu, căn bệnh này dường như sẽ không biến mất. Bất chấp việc bạn có thể phải làm nhiều hơn, chấp nhận rủi ro hơn, và từ bỏ đi nhiều phần quan trọng trong cuộc sống của mình.

Tài sản và tiền bạc, về bản chất, hoàn toàn trung tính. Nó là những thứ trung gian phổ biến để truyền tải trải nghiệm. Bạn kiếm tiền bằng cách tạo ra một trải nghiệm cho người khác, và trả tiền cho người khác, mua về một đồ vật hoặc một dịch vụ, rốt cục cũng là mua về những trải nghiệm.

Khi bạn mua thức ăn, bạn muốn trải nghiệm no đủ. Khi bạn mua bộ đồ công sở mới, bạn không chỉ mua vải để che thân, mà còn mua luôn các tín hiệu xã hội rằng mình là người biết đầu tư vào bản thân, và đáng tin cậy với các đồng nghiệp, chẳng hạn.

Ngay cả những thứ có tính vật chất quý giá như xe thể thao cao cấp hay vòng cổ kim cương, thì khi bạn mua chúng, bạn cũng mua luôn trải nghiệm về tốc độ, sức mạnh, và địa vị xã hội liên kết với chúng. Bạn mua trang sức cho "cái tôi mở rộng" của mình.

Nhận thức được điều này rất quan trọng. Ta hiểu rằng đồ vật, tiền bạc và tài sản nói chung là phương tiện để cung cấp trải nghiệm. Bản thân chúng không phải là trải nghiệm. Sự thành công của con người trong mối quan hệ với tài sản của mình sẽ được đo bằng những trải nghiệm tích cực của chúng ta, chứ không chỉ là số tài sản ta có.

Blogger nổi tiếng về triết lý và cách sống Mark Manson đã đề cập đến 3 "vòng lặp" trải nghiệm tiêu cực phổ biến trong mối quan hệ của con người với vật chất, cụ thể như sau:

Vòng lặp stress: Một số người kiếm tiền thông qua sự căng thẳng. Họ làm một công việc có áp lực lớn, hoặc đảm nhận một vai trò thường xuyên khiến họ rơi vào trạng thái bị chỉ trích hoặc đe dọa. Sau đó, họ để dành tiền kiếm được ném vào việc giảm căng thẳng do chính công việc gây ra.

Vòng lặp bản ngã: Một số người luôn cảm thấy cái tôi bị hạ thấp, hoặc vô dụng, không hạnh phúc. Những người này sau đó tìm cách loại bỏ sự bất an của họ bằng cách tiêu tiền vào những thứ mang tính biểu tượng hời hợt, tạm thời. Có thể là chiếc xe, bộ quần áo đắt tiền. Có thể là tấm bằng giả. Thậm chí là... sách vở, tạo cảm giác rằng mình có tri thức.

Vòng lặp đau đớn. Những người thậm chí đã phải chịu đau đớn về thể xác và tinh thần trong quá trình mưu sinh, hoặc đơn giản là họ bế tắc với cuộc sống, dù có kiếm được bao nhiêu tài sản đi chăng nữa. Họ có thể chi tiền để giảm các cơn đau này, vào các chất kích thích (rượu, ma túy).

Những người rơi vào "vòng lặp" này rất dễ trở thành nô lệ của chủ nghĩa bái vật. Họ coi tiền và tài sản là mục tiêu duy nhất và toàn bộ động lực của cuộc đời. Một khi điều này xảy ra, bạn không còn sở hữu tài sản của mình nữa. Chính tài sản đã sở hữu bạn.

Cách duy nhất để thoát khỏi vòng lặp tuyệt vọng ấy, có thể là hơi sáo rỗng, nhưng không còn lựa chọn nào khác: ngừng quy đổi tài sản thành thước đo địa vị và thành công. Chúng chỉ là phương tiện để chúng ta tích lũy các trải nghiệm tích cực, không gì hơn.

Một nghiên cứu của Giáo sư tâm lý Thomas Gilovich từ Đại học Cornell cho thấy rằng niềm vui của mua sắm tương đương với khi chúng ta đi du lịch. Nhưng nếu niềm vui mua sắm giảm dần theo thời gian, thì ký ức về những chuyến đi vẫn đem lại cảm giác hạnh phúc và đáng nhớ nhiều năm về sau. Kỷ niệm đẹp sẽ khó xuất hiện nếu chúng ta cố cưỡng đoạt nó bằng chủ nghĩa tiêu dùng: mua càng nhiều càng tốt và không hiểu mình muốn gì.

Nếu bạn có nhiều tài sản, đơn giản là bạn có nhiều lựa chọn để tiến hành các trải nghiệm hơn. Giá trị thực của chúng xuất hiện khi bạn hướng chúng đến những điều thật sự quan trọng với bạn, hỗ trợ bạn tạo ra một tổ ấm với các thành viên gia đình có mối liên kết chặt chẽ và yêu thương; một doanh nghiệp tạo ra giá trị cho cộng đồng; tăng cường sức khỏe và sự hài lòng về tinh thần; và những ký ức tốt đẹp.

Một cách ngắn gọn, đó là khi chúng ta nhìn xa hơn và thấy mình có giá trị hơn bản thân tài sản ta có.

Ban Cầm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/so-huu-vat-hay-vat-so-huu-570701/