Sơ kết chương trình phối hợp công tác 9 tháng đầu năm 2020

Ngày 28/9, tại Quảng Ninh, Liên đoàn Lao động 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết chương trình phối hợp công tác 9 tháng đầu năm 2020. Các đồng chí: Bùi Huyền Mai – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Trần Danh Chức – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh; Bùi Thị Ngọc - Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đồng chủ trì hội nghị.

Triển khai toàn diện các mặt công tác

Báo cáo sơ kết chương trình phối hợp công tác giữa Liên đoàn Lao động 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh từ đầu năm tới nay cho thấy, với sự tích cực, chủ động của từng đơn vị, công tác phối hợp giữa 03 đơn vị tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh 9 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid -19 bùng phát, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các cấp công đoàn 3 tỉnh, thành phố đã cùng cả hệ thống chính trị tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid 19; hỗ trợ, đồng hành cùng công nhân lao động, doanh nghiệp thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch LIên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh Trần Danh Chức và Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Bùi Thị Ngọc đồng chủ trì hội nghị

Chủ tịch LIên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh Trần Danh Chức và Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng Bùi Thị Ngọc đồng chủ trì hội nghị

Cùng đó, 3 đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP, Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động; phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động qua đó chấn chỉnh, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn chính sách pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Tháng Công nhân, Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2020 được các đơn vị triển khai với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Với chủ đề “Năm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở” các đơn vị đã tổ chức phát động, tổ chức tặng quà công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp công nhân lao động bị tai nạn nặng hoặc bị bệnh nghề nghiệp; phát động các phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, công tác, phấn đấu vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ; đặc biệt chỉ đạo, tổ chức tốt phong trào thi đua, các hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp

Bên cạnh việc đánh giá các kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, tại hội nghị, Liên đoàn Lao động 3 tỉnh, thành phố đã dành nhiều thời gian thảo luận về “Giải pháp nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, tổ chức Công đoàn Thủ đô luôn xác định đối thoại, thương lượng tập thể là biện pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tại các công đoàn cơ sở các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể đã được thực hiện theo quy định, hiện toàn Thành phố Hà Nội có 3.178 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 58%.

Đại biểu thảo luận về “Giải pháp nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”.

Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội là một trong hai công đoàn ngành địa phương trong cả nước ký kết được Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành. Một số công đoàn cấp trên cơ sở đã đại diện cho người lao động ở doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thương lượng thành công và ký kết được Thỏa ước lao động tập thể. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, Phó chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa cho rằng cần có cơ chế để công đoàn cơ sở độc lập hơn với người sử dụng lao động tại doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả và thực chất việc lấy ý kiến rộng rãi của người lao động đối với những yêu cầu đưa ra để thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Cùng đó, cần đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Đặc biệt, cần thương lượng và ký kết được thỏa ước lao động tập thể ngành nghề làm khung, làm cơ sở cho các doanh nghiệp chủ động ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đình Long – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho rằng một số bản thỏa ước vẫn còn mang tính hình thức, sao chép nội dung các điều khoản của Bộ luật Lao động, hoặc các quy định trong nội quy động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và công đoàn cơ sở chưa quan tâm thương lượng để sửa đổi, bổ sung, ký kết lại những bản đã hết thời hạn. Thực tế có khá nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các quy định có lợi hơn cho người lao động so với pháp luật nhưng không muốn đưa vào Thỏa ước lao động tập thể nhằm tránh sự ràng buộc của pháp luật. Để công tác đối thoại, thương lượng được hiệu quả, theo Phó chủ tịch Hoàng Đình Long trước hết phải từng bước làm thay đổi nhận thức và niềm tin của người sử dụng lao động và người lao động về tổ chức công đoàn. Có cơ chế hỗ trợ khuyến khích công đoàn cơ sở thực hiện các bước quy trình thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể theo Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổ chức nhiều hơn nữa các lớp đào tạo đội ngũ chuyên gia về thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể cho các địa phương.

Toàn cảnh hội nghị

Từ thực tiễn tại địa phương, đồng chí Đỗ Cao Thượng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh cho biết chưa có nhiều bản Thỏa ước lao động tập thể có nội dung thỏa thuận về vấn đề tiền lương, định mức lao động, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện lao động cao hơn, có lợi hơn cho người lao động. Việc công khai các bản Thỏa ước lao động tập thể cho người lao động biết chưa được quan tâm, không tổ chức thương lượng, không quy định thời gian có hiệu lực của Thỏa ước lao động tập thể không gửi Thỏa ước lao động đến các cơ quan theo quy định. Việc theo dõi, đánh giá, chấm điểm Thỏa ước lao động ở một số doanh nghiệp và cả công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thường xuyên, khoa học …Về giải pháp, Phó chủ tịch Đỗ Cao Thượng cho rằng cần phân công các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh theo dõi, đôn đốc các đơn vị về công tác Thỏa ước lao động tập thể, đồng thời Ủy ban kiểm tra, Ban Chính sách – Pháp luật cần tổ chức kiểm tra thực tế tại một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trần Danh Chức – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá cao ý nghĩa hội nghị sơ kết chương trình phối hợp công tác, chủ đề tham luận và tính thực tế, sâu sát của các tham luận tại hội nghị. Với việc gắn sơ kết hoạt động giữa 3 đơn vị với những chủ đề cụ thể như “Giải pháp nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp” là cách làm sáng tạo, thiết thực để 3 đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình mới, cách làm hay để các đơn vị học tập, giúp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, củng cố vững chắc vị trí của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, hệ thống chính trị.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh từ năm 2021, tổ chức của người lao động tại cơ sở được phép thành lập; tiền lương sẽ do người dử sụng và tổ chức đại diện người lao động tự thương lượng; nhiều quy định mới làm thay đổi căn bản quan hệ lao động; tổ chức công đoàn đang bước vào giai đoạn nửa nhiệm kỳ cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam với rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phải hoàn thành. Để thực hiện tốt các nội dung này, với vai trò là 3 địa phương lớn, đóng vai trò quan trọng của hoạt động công đoàn của vùng đồng bắc Bắc bộ, Liên đoàn Lao động Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cần phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, tiếp tục sáng tạo, tăng cường phối hợp, chỉ đạo, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đã đề ra, góp phần thiết thực vào thành công chung của toàn hệ thống Công đoàn Việt Nam.

P.V

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/so-ket-chuong-trinh-phoi-hop-cong-tac-9-thang-dau-nam-2020-113721.html