Số kỳ lân khởi nghiệp trong lĩnh vực AI vượt qua thương mại điện tử

Với 115 startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên), trí tuệ nhân tạo (AI) vượt qua thương mại điện tử để lọt vào nhóm 3 lĩnh vực có số kỳ lân nhiều nhất thế giới trong năm 2023, theo báo cáo Chỉ số kỳ lân toàn cầu Hurun (Hurun Global Unicorn Index) của Viện Nghiên cứu Hurun, công bố hôm 9-4.

Theo Chỉ số kỳ lân toàn cầu Hurun, OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, có giá trị tăng nhanh nhất, tăng 14 bậc, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng kỳ lân toàn cầu, với mức định giá 100 tỉ đô la. Ảnh: CoinPage

Báo cáo cho biết, tính đến cuối năm 2023, thế giới có tổng cộng 1.453 kỳ lân, cao nhất từ trước đến nay. Tổng giá trị của các kỳ lân đạt 5.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương GDP của Nhật Bản.

Mỹ dẫn đầu với 703 kỳ lân, tiếp đó là Trung Quốc (340) và Ấn Độ (67). Năm ngoái, Trung Quốc có thêm 24 kỳ lân mới, chủ yếu trong các lĩnh vực AI, bán dẫn và năng lượng mới. Số lượng kỳ lân mới của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, nơi tạo ra thêm 37 kỳ lân vào năm ngoái. Riêng tại Ấn Độ, tổng số kỳ lân vào cuối năm ngoái là 67, giảm 1 so với cuối năm 2023. Công ty công nghệ giáo dục Byju’s của Ấn Độ, được định giá hơn 22 tỉ đô la một năm trước, bị loại khỏi danh sách kỳ lân, có nghĩa là hiện tại công ty có giá trị chưa đến 1 tỉ đô la.

“Hệ sinh thái khởi nghiệp của Ấn Độ đã chậm lại, với số lượng kỳ lân lần đầu tiên giảm kể từ khi ra mắt Chỉ số kỳ lân toàn cầu Hurun”, báo cáo cho biết.

Theo Anas Rahman Junaid, Trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun India, số kỳ lân không tăng chủ yếu là do thiếu đầu tư vào các startup ở Ấn Độ bất chấp mức cao kỷ lục gần đây của thị trường chứng khoán trong nước. Nhưng ông lưu ý, có hơn 100 kỳ lân ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, do các doanh nhân công nghệ của Ấn Độ sáng lập.

5 thành phố có số kỳ lân cao nhất lần lượt là San Francisco (190 kỳ lân), New York (133), Bắc Kinh (78), Thượng Hải (65) và London (46).

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hurun, 2 lĩnh vực tạo ra nhiều kỳ lân nhất là công nghệ tài chính (fintech) với 185 kỳ lân, và phần mềm dưới dạng dịch vụ nơi có 139 kỳ lân.

Một điểm đáng chú ý là AI đã vượt qua thương mại điện tử để trở thành một trong ba lĩnh vực có số kỳ lân hàng đầu. Tính đến cuối năm ngoái, thế giới có 115 kỳ lân AI.

“Mỹ chiếm một nửa số kỳ lân toàn cầu, dẫn đầu là phần mềm dưới dạng dịch vụ, fintech và AI. Trung Quốc chiếm 1/4, dẫn đầu là AI, bán dẫn và năng lượng mới, trong khi phần còn lại của thế giới chiếm 1/4 còn lại, dẫn đầu là fintech và thương mại điện tử”, Rupert Hoogewerf người sáng lập Viện Nghiên cứu Hurun nói.

Hoogewerf nhấn mạnh năm 2023 là năm của AI, với OpenAI của Mỹ dẫn đầu. Tại Trung Quốc, Moonshot AI và MiniMax là 2 kỳ lân đang dẫn đầu trong việc đổi mới các sản phẩm giống ChatGPT của OpenAI.

Wang Peng, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh cho rằng, sự gia tăng số kỳ lân ở Trung Quốc phản ánh sự năng động và sức mạnh công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông nhận định, các kỳ lân Trung Quốc sẽ tiếp tục tỏa sáng trong các lĩnh vực bao gồm AI, năng lượng mới và công nghệ sinh học, tạo động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

10 kỳ lân lớn nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Chỉ số kỳ lân toàn cầu Hurun. Ảnh: Hurun India

Theo Chỉ số kỳ lân toàn cầu Hurun, với trị giá 220 tỉ đô la Mỹ, Công ty công nghệ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh và là chủ sở hữu TikTok, vẫn là kỳ lân lớn nhất thế giới, tiếp theo là Công ty công nghệ tên lửa và vệ tinh SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk, được định giá 180 tỉ đô la.

OpenAI, nhà phát triển ChatGPT, có giá trị tăng nhanh nhất, tăng 14 bậc, lên vị trí thứ 3 với mức định giá 100 tỉ đô la. Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group, đơn vị liên kết của Alibaba, đứng ở vị trí thứ 4. Đứng ở vị trị thứ 5 về mức định giá là nền tảng mua sắm thời trang nhanh Shein của Trung Quốc

Các kỳ lân hàng đầu khác của Trung Quốc gồm Công ty công nghệ tài chính WeBank, do Tencent hậu thuẫn, đứng ở vị ở vị trí thứ 10,

Các nhà đầu tư có nhiều kỳ lân nhất trong danh mục đầu tư bao gồm Công ty đầu tư Tiger Global Management của Mỹ, Tập đoàn công nghệ SoftBank Group của Nhật Bản và Công ty đầu tư mạo hiểm HongShan, trước đây có tên gọi là Sequoia Capital China. Các nhà đầu tư này lần lượt có cổ phần ở 205, 169 và 125 kỳ lân.

SCMP, Global Times, Business Today

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-ky-lan-khoi-nghiep-trong-linh-vuc-ai-vuot-qua-thuong-mai-dien-tu/