Sổ liên lạc điện tử: Ưu điểm thì ít, bất cập thì nhiều

Thay cho sổ liên lạc truyền thống, sổ liên lạc điện tử (LLĐT) được nhiều nhà trường chọn sử dụng gần đây để kết nối với phụ huynh như một phương pháp mới để phát huy sự nhanh nhạy, hiệu quả. Thế nhưng khi thực hiện triển khai thì đã lộ rõ không ít những yếu điểm, những vấn đề cần phải bàn.

Sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) là cổng thông tin kết nối phụ huynh - nhà trường - giáo viên qua tin nhắn và Internet nhằm tạo ra sự tương tác hiệu quả trong công tác giáo dục học sinh. Với sổ liên lạc này, các trường có thể thông báo đến phụ huynh nhanh nhất các vấn đề như: Thông tin về lớp học, về điểm số, tình trạng sức khỏe học sinh và phụ huynh cũng có thể gửi ý kiến phản hồi tới nhà trường, giáo viên.

Tuy vậy, khi đưa vào áp dụng thì hình thức liên lạc hiện đại này cũng đã bộc lộ không ít bất cập.

Thu tiền thì liên tục, miễn phí thì nhát gừng

Đó là 2 mặt của hiện tượng sử dụng ứng dụng sổ LLĐT tại Hà Nội đang khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Theo một cuộc thăm dò của báo Lao Động, chị N.T - phụ huynh Trường Tiểu học Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Trước kia, nhà trường sử dụng sổ LLĐT với hình thức thông báo qua tin nhắn SMS 40.000 đồng/tháng thì ngày nào chị cũng có 1 tin nhắn thông báo từ chuyện bài vở của con đến việc đồng phục, đổi giờ học, nghỉ học...

Giờ đây, khi chuyển sang hình thức sổ liên lạc do sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cung cấp thì cả tuần thậm chí đến chục ngày chị mới nhận được 1 tin nhắn. Học sinh phải chuẩn bị 1 cuốn sổ để ghi bài tập hay lời nhắn chuyển cho phụ huynh.

“Chúng tôi thấy vô cùng bất tiện bởi cả hai hình thức của sổ LLĐT đều gây khó cho phụ huynh. Hình thức nộp tiền nhận thông tin qua SMS thì quá đắt, tính ra khoảng 1.000 đồng/tin nhắn. Tính riêng lẻ từng học sinh đã thấy cao chứ chưa nói đến một trường với hàng nghìn học sinh thì con số lợi nhuận thu được là khá lớn.

Còn với hình thức vào website “Sổ liên lạc điện tử” miễn phí của Sở GDĐT Hà Nội cung cấp thì không tiện dụng vì phải tự truy cập trên ứng dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính, nhà trường cũng không thường xuyên cập nhật thông tin mới” - chị N.T chia sẻ.

Chung bức xúc, chị N.T.X.T (phụ huynh Trường Tiểu học N.T.Y, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay dù vẫn ký vào đơn đăng ký sử dụng dịch vụ SMS nhưng khá bức xúc vì khoản thu sổ LLĐT. Năm học 2017-2018, nhà trường đưa ra xin ý kiến phụ huynh mức thu 40.000 đồng/tháng với cam kết ngày nào cũng có tin nhắn.

Nhà trường cũng ghi rõ mức thu này được chi 70% cho công ty cung cấp dịch vụ, 30% bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, tài vụ và các nhân viên phục vụ khác, 5.000 đồng/tháng cho giáo viên chủ nhiệm.

“Hiện nay, có nhiều hình thức liên lạc, chia sẻ thông tin miễn phí hoặc kết hợp với các dịch vụ thuê bao Internet khác như ứng dụng Messenger, Zalo, Viber, Skype... Phụ huynh hầu hết đều sử dụng một trong các tính năng này thường xuyên và rất thuận tiện.

Tại sao lại cứ phải là SMS thu phí hay truy cập ứng dụng của Sở. Việc thu phí không phù hợp, trích % khiến phụ huynh có suy nghĩ nhà trường kinh doanh trên chính “cầu nối” giữa nhà trường và gia đình” - chị T chia sẻ.

Còn chị Việt Anh (Khu tập thể ĐH Hà Nội) lại than thở rằng dù chấp nhận đóng tiền phí SMS nhưng thông tin chị nhận được không như mong muốn. Chị muốn biết kết quả học tập và rèn luyện trên lớp của con nhưng thông tin nhà trường gửi về lại vô cùng hạn chế, tin tức chỉ xoay quanh mấy việc nhắc mặc đồng phục, bài tập, nộp tiền...

Một số bất cập sổ liên lạc điện tử

Thứ nhất, muốn nhắn tin điểm cho học sinh thì giáo viên phải cập nhập điểm kịp thời.

Nhiều giáo viên chấm bài xong chưa nhập điểm nên việc gửi tin nhắn đến phụ huynh rất muộn.

Điểm tổng kết thì cuối kì họp phụ huynh, các thầy cô giáo đều thông báo trong cuộc họp nên rõ ràng điều này không cần thiết.

Đó là chưa nói bây giờ nhiều trường mắc bệnh thành tích nên điểm kiểm tra cao chót vót làm phụ huynh ảo tưởng.

Thứ hai, hiệu quả của việc sử dụng sổ liên lạc điện tử không tốt.

Nhiều phụ huynh đăng kí sổ liên lạc điện tử nhưng không quản lí được điện thoại của mình nên bị con cái chặn các cuộc liên lạc.

Cá biệt có trường hợp, học sinh còn dùng số này vào máy mình thì rõ ràng sổ liên lạc điện tử là vô tác dụng.

Thứ ba, những việc quan trọng mà phụ huynh cần liên lạc với nhà trường thì sổ liên lạc điện tử lại không thực hiện được.

Chẳng hạn, có vụ việc học sinh đánh nhau, bỏ học vào quán xá, quấy phá trong giờ học cần phải gọi điện ngay cho phụ huynh chứ đâu phải là lại ngồi vào máy tính nhắn tin.

Nhiều giáo viên còn bảo với tiền này, phụ huynh mà nạp thẻ cho thầy cô giáo gọi cho gia đình thì tốt hơn, không những thế giá còn rẻ khá nhiều.

Vì thế nên tôi thấy triển khai sổ liên lạc điện tử thì lợi nhuận mang lại cho các nhà mạng là vô cùng lớn còn việc lợi cho phụ huynh học sinh thì rất hạn chế.

Không kiểm soát được giá trị thực

Các dịch vụ thu tiền đang hướng vào mảnh đất màu mỡ, lãnh địa dễ thuyết phục là trường học. Trong khi chúng ta đang siết chặt các khoản lạm thu thì tiền dịch vụ sổ LLĐT dường như đang được “thả nổi”. Phụ huynh không thể kiểm soát giá trị thực của khoản tiền này đến đâu.

Thông tin sở GDĐT Hà Nội đã hoàn thiện và cho triển khai hệ thống phần mềm sổ LLĐT miễn phí áp dụng từ năm học 2018-2019 khiến nhiều phụ huynh vui mừng khi “thoát” lạm thu công khai nhưng hiệu quả lại đang chưa được như kỳ vọng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Cường - Phó Chánh văn phòng sở GDĐT Hà Nội - giải thích: Sổ LLĐT miễn phí trên môi trường website và môi trường ứng dụng điện thoại thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn. Phần mềm này được liên thông với các nội dung đánh giá và nhập điểm của các phần mềm sổ điểm điện tử và quản lý kết quả giáo dục.

“Thông tin cung cấp qua ứng dụng của sở GDĐT là hoàn toàn miễn phí. Về tính thuận tiện, ứng dụng này chưa thể so với sổ LLĐT dùng SMS vì phải yêu cầu môi trường website và ứng dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet. Tuy nhiên, dự kiến học kỳ 2 chúng tôi sẽ hoàn thiện phần thông tin qua SMS để bổ trợ thêm đầy đủ các tính năng” - ông Cường nói.

Phó Chánh văn phòng sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết, việc triển khai sổ LLĐT qua hệ thống nhắn tin SMS không nằm trong chủ trương chỉ đạo của sở và sở cũng không “cấm” điều này, tuy nhiên không khuyến khích. Trường nào triển khai phải trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh.

Không thay thế được vai trò của cha mẹ

Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cho rằng, dù có tiện ích tới đâu, LLĐT cũng không thể thay thế được hoàn toàn vai trò của bố mẹ, thầy cô trong việc quản lý và giáo dục trẻ. Việc các bậc phụ huynh thường xuyên được cập nhật thông tin về con mình qua LLĐT cũng gây ra áp lực cho cả cha mẹ và học sinh. Ở một góc độ nào đó, LLĐT phù hợp hơn với các gia đình có con học khá giỏi nhưng chưa hẳn đã có tác dụng tích cực với những gia đình có con học yếu kém. Việc lúc nào cũng có cảm giác bị theo dõi, bị “tố” tội sẽ tạo cho trẻ tâm lý ngày càng lì lợm, bất cần. Do đó, trước khi áp dụng LLĐT, các trường cần quan tâm, chú ý đến tâm lý, thái độ của học sinh. Việc sử dụng LLĐT cũng nên có liều lượng vừa phải và tùy đối tượng. Bên cạnh đó, LLĐT dù giao tiếp rất nhanh, dễ dàng nhưng nếu ỷ lại vào hình thức liên lạc này, cha mẹ sẽ có ít cơ hội được gặp trực tiếp thầy cô, ít cơ hội được trao đổi thông tin với phụ huynh khác nên không có cơ hội nắm bắt đầy đủ sự phát triển tâm sinh lý, các mối quan hệ ở trường của trẻ.

Quản lý học sinh bằng LLĐT là điều cần thiết, nhưng vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, các phụ huynh thay vì đặt niềm tin hoàn toàn vào một hình thức quản lý hiện đại nào đó thì hãy thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, để LLĐT thật sự có hiệu quả, các trường cũng nên cân nhắc, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giáo dục một cách phù hợp, tránh tình trạng đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

Quốc Tiệp (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/so-lien-lac-dien-tu-uu-diem-thi-it-bat-cap-thi-nhieu-a407319.html