Số liệu lạm phát bị nghi ngờ, lãnh đạo Bộ KH-ĐT khẳng định 'đáng tin cậy'

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) Trần Quốc Phương khẳng định, số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam hoàn toàn đáng tin cậy

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm người dân

Tại Tọa đàm Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nói: “Kết quả kiểm soát lạm phát trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có dư luận cho rằng, kết quả làm tốt như vậy thì liệu có phải do câu chuyện số liệu của chúng ta hay không?. Tôi xin khẳng định một lần nữa số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy”.

Thứ trưởng Phương cũng nhấn mạnh, hiện nay người dân đã hiểu được rằng lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm của gia đình họ, đánh thẳng vào túi tiền của họ. Do vậy, người dân rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát, vì một khi lạm phát gia tăng, cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát ngày càng được đặt ở vị trí cao hơn.

Nhắc lại câu chuyện lịch sử, Thứ trưởng Phương cho biết, trong quá khứ, chúng ta cũng từng chứng kiến những lúc phải gánh chịu hậu quả của lạm phát cao như những năm 80, 90 của thế kỷ trước hay là giai đoạn 2008-2011. Hậu quả để lại rất nặng nề, tăng trưởng bị suy giảm, thậm chí là suy thoái, cho đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, rồi thất nghiệp, đói nghèo, kể cả việc phá hoại tài nguyên môi trường.

"Tất cả những hệ lụy đó có thể phân tích được do lạm phát gây ra và chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để khắc phục được hậu quả của nó", ông Phương nói.

Hài hòa chính sách để chống lạm phát

Lý giải về nguyên nhận gây lạm phát thời gian qua, Thứ trưởng Phương cho rằng, yếu tố lạm phát xuất phát từ Mỹ, châu Âu, tác động lan tỏa trên toàn cầu. Nhiều nước phải bung ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khóa, tiền tệ. Fed liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, Các giải pháp nêu trên khiến Việt Nam phải đối mặt với giảm sút về tăng trưởng kinh tế.

"Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới như: Cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…", vị lãnh đạo Bộ KH - ĐT nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm chống lạm phát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chỉ ra rằng, cần sự phối kết hợp trong các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

"Chúng ta phải luôn ý thức trong phối hợp giữa các chính sách vĩ mô khác nhau, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Hai chính sách này cần gắn kết với nhau. Nếu chúng ta làm cho tài khóa thâm hụt, Nhà nước phải tiếp tục ra thị trường vay mượn nhiều hơn thì lãi suất có thể tăng lên", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Phân tích thêm về điểm này, Thứ trưởng Chí cho biết, lãi suất tăng thì lãi suất trái phiếu Chính phủ phải tăng, điều này sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống lãi suất, vì lãi suất chính phủ là lãi suất nền. Cho nên dựa trên kinh nghiệm và kết quả thời gian vừa qua, cần hết sức lưu ý hài hòa các chính sách. Khi hài hòa được các chính sách thì Việt Nam sẽ đạt được các kết quả mong muốn, trong đó có việc kiểm soát lạm phát.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/so-lieu-lam-phat-bi-nghi-ngo-lanh-dao-bo-kh-dt-khang-dinh-dang-tin-cay-20180504224284904.htm