Số lượng rùa lên bãi biển đẻ trứng tại Việt Nam giảm hơn 22 lần

Theo kết quả nghiên cứu do IUCN và Viện Nghiên cứu Môi trường biển (IMER), số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10 nghìn cá thể mỗi năm (những năm 1980) xuống còn 450 cá thể (năm 2019), giảm hơn 22 lần.

Chiều 19/10, tại Đà Nẵng, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo quốc gia về “Bảo tồn rùa biển tại Việt Nam” trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn bãi đẻ rùa biển có sự tham gia của cộng đồng và giảm đánh bắt không chủ ý tại Việt Nam”.

Tại Việt Nam, có 5 loài rùa biển được biết đến bao gồm: Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng và Rùa da. Tất cả các loài này đều được liệt kê trong Sách đỏ IUCN và thuộc danh sách những loài động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm cân được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Bộ TN&MT.

Theo kết quả nghiên cứu do IUCN và Viện Nghiên cứu Môi trường biển (IMER), số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10 nghìn cá thể mỗi năm (những năm 1980) xuống còn 450 cá thể (năm 2019), giảm hơn 22 lần.

Hầu hết số lượng rùa lên đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (425 cá thể/năm) và hầu hết là Vích. Cũng theo một khảo sát do IUCN thực hiện năm 2017, tại vùng biển các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung, 2 trong số 5 loài rùa trên là Đồi mồi và Rùa da đã được xác nhận biến mất.

Theo ông Jake Brunner, đại diện IUCN tại Việt Nam, một trong những lý do dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng rùa biển là do khai thác quá tải các bãi đẻ của rùa, đánh bắt và buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm làm từ rùa, gây mất sinh cảnh, nguồn thức ăn của rùa, chất lượng môi trường suy giảm...

“Rạn san hô và thảm cỏ biển tại các vùng biển ở Việt Nam đang bị suy thoái nhanh, thậm chí tại cả các khu bảo tồn biển. Xu hướng này sẽ ngày càng trầm trọng hơn do tốc độ phát triển kinh tế và dân số tăng nhanh tại các khu vực đảo”, ông Jake nói.

Hội thảo cập nhật hiện trạng bảo tồn rùa biển, thảo luận những quy định và chính sách để thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn rùa biển, cũng như kế hoạch thành lập mạng lưới cứu hộ bảo tồn rùa biển và sinh vật biển có vú tại Việt Nam

Hội thảo cập nhật hiện trạng bảo tồn rùa biển, thảo luận những quy định và chính sách để thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn rùa biển, cũng như kế hoạch thành lập mạng lưới cứu hộ bảo tồn rùa biển và sinh vật biển có vú tại Việt Nam

Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc UNEP (2018), đến 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa, RTN sẽ gây nguy hiểm cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào RTN hoặc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch Hành động Bảo tồn rùa biển Việt Nam (MTCAP) giai đoạn 2016 – 2025 nhằm bảo tồn, bảo vệ hiệu quả các quần thể rùa biển và nơi sinh sống của chúng tại Việt Nam.

“Nhiều hoạt động đã được các địa phương tiến hành nhằm giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển, thiết lập các khu bảo vệ và nơi sinh của rùa biển cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn rùa biển. Trong năm 2019, một trong những thành quả mà MTCAP đã đạt được đó là Vườn Quốc gia Côn Đảo đã được chấp thuận trở thành thành viên Mạng lưới các khu bảo tồn rùa biển IOSEA”.

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/so-luong-rua-len-bai-bien-de-trung-tai-viet-nam-giam-hon-22-lan-1477088.tpo