Số nạn nhân thiệt mạng sau thảm họa sóng thần tại Indonesia vượt mốc 200 người

Cơ quan thảm họa của Indonesia cho biết 222 người đã chết và hàng trăm người khác bị thương sau khi thảm họa sóng thần và núi lửa xảy ra ở các khu vực quanh eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Sumatra và Java vào tối thứ Bảy (22/12).

"222 người đã chết, 843 người khác bị thương và 28 người vẫn còn mất tích", phát ngôn viên của cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia - ông Sutopo Purwo Nugroho, cho biết vào tối Chủ nhật.

"Con số này được dự đoán sẽ tăng lên vì không phải tất cả các nạn nhân đã được sơ tán thành công, không phải tất cả các trung tâm y tế đều báo cáo số lượng nạn nhân và không phải tất cả các địa điểm đều có dữ liệu đầy đủ".

Ông Nugroho cho biết tất cả các nạn nhân đều là công dân Indonesia và hiện chưa cónạn nhân nào là người nước ngoài. Các nạn nhân tập trung tại 4 quận huyện Pandeglang, Serang, South Lampung và Tanggamus.

Nhà cửa và cảnh vật hai bên đường tan hoang sau thảm họa. Ảnh: AFP

Nhà cửa và cảnh vật hai bên đường tan hoang sau thảm họa. Ảnh: AFP

Hàng trăm tòa nhà đã bị sóng thần phá hủy sau khi núi lửa Anak Krakatou phun trào vào khoảng 21h30 tối ngày hôm 22/12.

Trước đó vào hôm Chủ nhật, các đội tìm kiếm và cứu hộ đang lùng sục những đống đổ nát để tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt.

Nhà chức trách Indonesia cho biết cơn sóng thần có thể đã được kích hoạt bởi một trận lở đất dưới đáy biển sau vụ phun trào của núi lửa Anak Krakatau.

Nhiều đoạn video được đăng lên mạng xã hội cho thấy nhiều cư dân địa phương đã hoảng loạn cầm theo đèn pin và sơ tán lên các vùng đất cao hơn.

Thi thể một nạn nhân được tìm thấy trong đống đổ nát. Ảnh: AFP

Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố đây không phải là sóng thần, thay vào đó là một đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi công chúng không quá hoảng sợ.

Ông Nugroho sau đó đã xin lỗi về sai lầm này trên Twitter, nói rằng vì không có trận động đất nên rất khó để xác định nguyên nhân của vụ việc từ sớm.

Con sóng đổ bộ các khu vực của bờ biển quanh eo biển Sunda, gây thiệt hại nặng nề nhất ở quận Pandeglang, nằm tại phía tây của đảo Java.

Các thiết bị hạng nặng đang được vận chuyển đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa để giúp tìm kiếm các nạn nhân, các địa điểm trú ẩn và nhà bếp công cộng đang được thiết lập cho người dân.

Trong khi đó, những người bị thương đã được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Đã có tổng cộng 222 người thiệt mạng. Ảnh: CNA

Các cảnh quay trên truyền hình cho thấy nhiều con đường bị chặn bởi các mảnh vụn từ nhiều ngôi nhà bị hư hỏng, những chiếc xe ô tô bị lật và cây đổ rạp xuống đường. Nhà chức trách cảnh báo người dân và khách du lịch ở các khu vực quanh eo biển Sunda tránh xa các bãi biển và cảnh báo hiện tượng thủy triều cao vẫn diễn ra cho đến ngày 25/12.

"Xin hãy tránh xa những bãi biển quanh eo biển Sunda. Những người đã sơ tán, xin đừng quay trở lại", ông Rahmat Triyono - người đứng đầu cơ quan khí tượng Indonesia, cho biết.

Tổng thống Joko Widodo đăng tải trên Twitter rằng ông đã "ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan thực hiện ngay các bước ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm các nạn nhân và chăm sóc những người bị thương".

Ông bày tỏ "nỗi buồn sâu sắc đối với các nạn nhân sóng thần tại Pandeglang, Serang và South Lampung".

Huy Vũ

Theo CNA

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/so-nan-nhan-thiet-mang-sau-tham-hoa-song-than-tai-indonesia-vuot-moc-200-nguoi-135330.html