Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 ước bằng 14 năm thực hiện

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hết năm 2019, nếu 'cán mốc' 200 nghìn người mới tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, thì đây sẽ là con số bằng cả 14 năm qua thực hiện.

BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động. Ảnh minh họa

BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động. Ảnh minh họa

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh

Bộ LĐTB&XH đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 450 nghìn người (tăng 200 nghìn người so với năm 2018).

Theo Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) Phạm Trường Giang, đi hết chặng đường 6 tháng đầu năm 2019, đã có 129 nghìn người mới tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH) tự nguyện lên trên 400 nghìn người.

Đáng chú ý, chất lượng tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng khác với các năm trước rất nhiều, có xu hướng trẻ hóa.

“Trước đây, bình quân độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện hầu hết qua tuổi 50, nhưng hiện nay, trong số 129 nghìn người tham gia mới, bình quân độ tuổi tham gia là từ 38 tuổi. Điều này thể hiện sự bền vững. Đặc biệt, nữ tham gia BHXH tự nguyện nhiều gấp đôi nam giới, chiếm 62% và nam chiếm 38%”, ông Giang thông tin.

Từ những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, quyết tâm có thêm 200 nghìn người mới tham gia BHXH tự nguyện là hoàn toàn khả thi và nếu “cán mốc” thì đây là con số bằng cả 14 năm qua thực hiện.

Để đạt được mục tiêu, những tháng còn lại của năm 2019, Bộ LĐTB&XH sẽ tập trung thực hiện một loạt giải pháp như tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH để vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện, đa dạng hóa hình thức, mở rộng phạm vi đối tượng và phù hợp với tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền…

Cùng với đó, triển khai thí điểm gói BHXH ngắn hạn linh hoạt với người tham gia BHXH tự nguyện, tiếp tục khuyến khích các cơ quan tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Về phía cơ quan BHXH cần phấn đấu hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính để việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH được thuận lợi hơn…

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho hay, mục tiêu và định hướng nhân văn đảm bảo An sinh xã hội cho người dân, Luật BHXH đã thiết kế một số quy định nhằm tạo thuận lợi tốt cho người lao động tham gia loại hình BHXH tự nguyện như không khống chế tuổi trần của người tham gia; có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia; linh hoạt trong phương thức đóng và mức đóng...

Tham gia BHXH tự nguyện được lợi gì?

Theo khoản 4 điều 2 Luật BHXH 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Người dân tham gia BHXH TN được hưởng lương hưu; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện là 27.800.000 đồng).

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện cũng quy định rõ, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BXHX đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BXHX còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Mức đóng cho hình thức này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BXHX tự nguyện theo 1 trong 5 phương thức (đóng hàng năm, đóng 3 tháng 1 lần, đóng 6 tháng 1 lần, đóng 12 tháng 1 lần, đóng một lần cho nhiều năm) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Mức hỗ trợ người tham gia BXHX tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BXHX hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BXHX tự nguyện.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Trần Kiên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/so-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-nam-2019-uoc-bang-14-nam-thuc-hien_t114c1159n151642