Số phận 10.000 nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên sẽ đi về đâu nếu phi hạt nhân hóa?

Triều Tiên đang trên con đường phi hạt nhân hóa sau khi tuyên bố sẽ phá hủy địa điểm thử nghiệm hạt nhân của mình trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Mỹ vào tháng 6.

Tuy nhiên, trong khi bước đột phá của Bình Nhưỡng làm tăng kỳ vọng về hòa bình trên khắp Đông Bắc Á nói riêng, thế giới nói chung, mục tiêu phi hạt nhân hóa sẽ mất rất nhiều thời gian so với dự kiến. Nguyên nhân chủ yếu là bởi vì tương lai của các nhà khoa học Triều Tiên - nền tảng trí óc đứng sau những nghiên cứu, phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, tên lửa.

Các chuyên gia ở Hàn Quốc và các nước khác nói rằng việc "phá hủy trí thông minh" liên quan đến gần 10.000 nhà khoa học - bao gồm 200 lãnh đạo cốt lõi, 2.000 chuyên gia và 6.000 kỹ thuật viên sẽ xảy ra cùng với sự sụp đổ của địa điểm thử nghiệm tại Punggye-ri, dự kiến diễn ra từ ngày 23-25/5.

Triều Tiên có khoảng 10.000 nhà khoa học hạt nhân. Ảnh: Korea Times

Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Triều Tiên vào tháng 5 và gặp Chủ tịch Kim Jong-un để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh, Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng chuyển các nhà khoa học hạt nhân ra nước ngoài, hủy bỏ dữ liệu chương trình vũ khí hạt nhân để đảm bảo thực hiện phi hạt nhân hóa.

Chính quyền Tổng thống Trump nhấn mạnh vào một "sự tháo dỡ vĩnh viễn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (PVID)", lo ngại rằng nếu vẫn còn các nhà khoa học, Bình Nhưỡng có thể khởi động lại chương trình hạt nhân.

Hôm nay (14/5), Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Triều Tiên phải "vĩnh viễn tháo dỡ vũ khí hạt nhân của mình hoặc di chuyển các chất thải hạt nhân đến nước thứ 3". Seoul và Washington muốn Bình Nhưỡng loại bỏ chất thải hạt nhân như là một phần của thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Cả Mỹ và Hàn Quốc đều muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo. Ảnh: Getty

Các nhà phân tích đánh giá Bình Nhưỡng có thể tận dụng những nỗ lực để thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Nếu các nhà khoa học chủ chốt vẫn còn ở trong nước, chuyên gia lo ngại chính phủ ông Kim Jong-un có thể khởi động lại chương trình hạt nhân của nếu không thu được đủ nguồn vốn từ nước ngoài.

Ông Chung Sung-jang, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hàn Quốc tại Học viện Sejong cho biết: “Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, vấn đề chính có lẽ là việc giải quyết vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa, uranium và các thành phần hóa học khác cần thiết cho chương trình hạt nhân”.

Lịch sử cho thấy việc kiểm soát các công nghệ hạt nhân đòi hỏi phải đảm bảo rằng các nhà khoa học liên quan không sử dụng chuyên môn của họ để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt một lần nữa.

Đạo luật Nunn-Lugar, một chương trình hợp tác dựa trên Đạo luật giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô năm 1991, đã tìm được việc làm mới cho 58.000 nhà khoa học vũ khí cũ và tạo ra khoảng 580 công việc công nghệ cao, hòa bình cho các nhà khoa học hạt nhân từ Liên Xô.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Korea Times)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/so-phan-10000-nha-khoa-hoc-hat-nhan-trieu-tien-se-di-ve-dau-neu-phi-hat-nhan-hoa-a229475.html