Số phận chiếc thúng chai Đà Nẵng

Trong đời sống gắn với biển khơi ở Đà Nẵng, thuyền thúng (thúng chai) đặc biệt gắn bó với ngư dân. Nhưng khi UBND thành phố Đà Nẵng quyết định xả bản, giảm số lượng phương tiện nghề cá công suất nhỏ thì những chiếc thúng chai sẽ đi về đâu?

Xả bản là một từ trong ngành hàng hải, khai thác thủy hải sản, dùng để miêu tả trạng thái tháo dỡ một phương tiện thủy khi không còn sử dụng. Cuối tháng 7-2016, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 4991/QĐ-UBND ban hành Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020.

Ngư dân Nguyễn Hoàng Long bên chiếc thúng chai của mình

Ngư dân Nguyễn Hoàng Long bên chiếc thúng chai của mình

Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn thành phố sẽ không còn thuyền thúng gắn máy hoạt động ven bờ; số lượng tàu vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20CV, sức chở tối đa 0,5 tấn trở xuống còn khoảng 150 tàu.

Chủ trương này đã gây nhiều xáo trộn với bà con ngư dân. Bởi nhẽ, sau khi xả bản tàu, thuyền công suất nhỏ, tuy được hỗ trợ bằng tiền để chuyển đổi ngành nghề, nhưng ngư dân hoàn toàn không biết làm gì, bởi bao năm qua chỉ biết gắn bó với biển khơi. Sau hơn 2 năm thực hiện, chính quyền Đà Nẵng nhận thấy sự bất cập nên đã tạm dừng thực hiện việc xả bản. Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã tạm dừng chủ trương xả bản, chờ đến khi có chỉ đạo mới.

Ngư dân Nguyễn Hoàng Long (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) năm nay 50 tuổi thì có hơn 30 năm lăn lộn khắp các ngư trường. Thời trai trẻ, ông gắn với những chuyến biển trên những con tàu công suất lớn ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Khi có chút tuổi, ông lui về gần bờ hơn, để bớt những tháng ngày đằng đẵng xa gia đình, cũng để vừa với sức mình hơn. Thế rồi ông mua một chiếc thúng chai, loanh quanh ở vịnh Đà Nẵng đánh cá, bắt ghẹ, bắt tôm cho vợ con chạy chợ.

Một năm làm việc của ông Long chia làm 2 mùa. Mùa bắt ghẹ từ tháng 1 âm lịch đến tháng 6 âm lịch, mùa đánh cá từ tháng 6 âm lịch đến cuối năm. Mỗi ngày trung bình ông kiếm được khoảng 400 nghìn đồng. “Cả gia đình tôi phụ thuộc vào cái thúng chai này. Giờ bỏ biển, biết lấy gì ăn?”, ông Long thở dài.

Ông Long kể, ông là người không ký nhận tiền hỗ trợ, dù tới 20 triệu đồng, một số tiền lớn với ngư dân. Ông bảo, tiền bao nhiêu rồi cũng ăn hết, nhưng cái quan trọng là khi xả bản thúng chai, thì ông không còn gì ra biển, nhớ lắm!

Tiền bạc để lo cho cuộc sống gia đình ai cũng cần, nhưng với những ngư dân như ông Long, điều quan trọng là được gần gũi biển khơi, gắn bó với cái nghề mà họ theo đuổi gần cả cuộc đời. Đến nỗi từng có ngư dân nói rằng, chỉ cần bước ra khỏi cái thuyền là thấy nhớ biển. Ở xóm chài của ông Long, những ngư dân có suy nghĩ giống ông rất nhiều. Họ sẵn sàng không nhận tiền hỗ trợ xả bản thúng chai, vì nhớ nghề, vì quen với việc biển. Bàn tay quen chèo thì không thể đi phụ hồ hay chạy xe ôm..., làm gì cũng lóng ngóng.

Khi thực hiện đề án xả bản tàu nhỏ, thuyền thúng, một bộ phận ngư dân Đà Nẵng không có khả năng làm được việc gì khác. Họ thất nghiệp ngay trong làng chài của mình.

2. Đà Nẵng là vùng đất được hình thành trên cơ sở nhiều làng chài cổ như: Nam Ô, Thanh Khê, Xuân Hà, Nại Hiên, Mân Thái, Nam Thọ, Khuê Mỹ... Và, thúng chai đặc biệt gắn bó với đời sống ngư dân. Họ dùng thuyền thúng để di chuyển từ tàu này qua tàu khác, từ tàu lớn vào bờ, dùng để đi câu mực, bắt ghẹ, bắt tôm hùm bông...

Cuộc đời họ gắn bó với biển, khi trẻ vùng vẫy ở những vùng biển xa, về già thì quanh quẩn gần bờ, yếu quá rồi thì đan lưới, vá lưới... chứ người thực tâm muốn rời xa biển khơi thì hiếm lắm. Họ bỏ nghề biển vì những lý do chẳng đặng đừng. Khi xả bản tàu nhỏ, thuyền thúng, một bộ phận ngư dân Đà Nẵng không có khả năng làm được việc gì khác. Họ thất nghiệp ngay trong làng chài của mình. Đó là nguyên nhân khiến chính quyền Đà Nẵng phải tạm dừng thực hiện đề án để khởi sự một đề án mới ưu việt, khả thi hơn.

Những chiếc thúng chai không còn sử dụng trên bờ biển Đà Nẵng

Đề án xả bản tàu cá công suất nhỏ tạm dừng, thế nhưng tương lai của những chiếc thúng chai cũng không sáng sủa hơn. Nhiều người vẽ ra một hướng khác là xuất ngoại thúng chai cho các khu du lịch nước ngoài. Thực tế, thúng chai đã xuất ngoại thật, nhưng số lượng đâu có nhiều đủ để cứu lấy nghề đan thúng. Ai muốn biết chuyện này, cứ hỏi lão ngư Phan Liêm ở Thọ Quang, Sơn Trà là rõ nhất.

Gia đình lão ngư Phan Liêm gần như là gia đình duy nhất ở Đà Nẵng còn duy trì nghề đan thuyền thúng tre cho ngư dân đi biển. Chiếc thuyền thúng nhìn qua thì đơn giản, nhưng để làm cho hoàn thiện, không phải dễ. Dù chỉ có mấy công đoạn là chọn tre, chẻ tre, vót nan, đan thúng, uốn vành, phơi thúng, quét phân bò, quét dầu rái... nhưng để có một chiếc thuyền thúng tre hoàn chỉnh, đúng kỹ thuật không hề đơn giản.

Mỗi năm gia đình ông Phan Liêm có chừng chục hợp đồng đan thuyền thúng cho các resort tại Australia, Tây Ban Nha, Nhật... và một số hợp đồng trong nước, cộng thêm nhu cầu nhỏ giọt từ các tàu cá, ngư dân cũng tạm đủ việc lai rai cho ông Liêm cùng các con. “Những năm gần đây, bà con dùng thuyền thúng composite nhiều nên nhu cầu mua thúng chai giảm. Tôi làm để cố gắng giữ nghề, chứ thu nhập không bao nhiêu”, ông Liêm nói.

Những chiếc thúng chai vẫn sẽ hiện hữu bên cạnh những tàu cá lớn, nhưng trong tương lai xa, để mỗi chiều thấy chiếc thúng chai quẩy lắc dập dềnh theo nhịp sóng ở các bãi biển có lẽ sẽ rất khó. Nghề đan thúng chai chỉ còn vài người biết làm, chủ trương xả bản lúc tiến hành, lúc tạm dừng, thật khó để trả lời cho câu hỏi “những chiếc thúng chai sẽ đi về đâu?”.

Để làm được một chiếc thúng chai phải chọn loại tre mỡ già độ 60% trở lên, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông càng tốt, sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4-5 nắng. Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, độ bền càng tăng cao.

Đan xong rồi lận vành, đây là khâu quan trọng nhất, bởi nó đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, kỹ năng, vì một chiếc thúng rất to, khó có thể lận cho vành được tròn đều. Vành thúng phải chọn nan chẻ từ cây tre đực, cứng chắc. Khi lận vành thúng, phải đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm, làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng, thẩm mỹ.

Sau lận là dùng dây cước nức vành. Công đoạn tiếp theo là trét phân bò đều vào từng kẽ nan, phơi khô rồi quét dầu rái để chống thấm. Thông thường phải quét bên trong 3 nước, bên ngoài 3 nước thì chiếc thúng mới hoàn hảo.

Thanh Hiếu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/so-phan-chiec-thung-chai-da-nang-557404.html