Số phận hẩm hiu của hàng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

Quận Đống Đa (Hà Nội) đang đề nghị di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh, thay thế bằng các cây khác nhằm hạn chế mùi hương quá nồng, nằm trong dự án chỉnh trang đô thị. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối và băn khoăn.

Bởi trước đó, cũng chính trên phố này, đã có những hàng cây trồng rồi lại chết, lại thay, lại chuyển.

Hàng cây hoa sữa trước cửa nhà đã gắn bó với gia đình ông Phạm Văn Trụ, ở phố Nguyễn Chí Thanh hơn 20 năm qua. Tưới nước, chăm bẵm cho cây từ ngày mới trồng, tận hưởng cảnh quan và bóng mát, ông Trụ cảm thấy rất tiếc nuối nếu cây bị thay thế: "Bây giờ đang là mùa hoa sữa mà nhà tôi không ảnh hưởng gì cả, đóng cửa vào có vấn đề gì đâu. Đây, cây hoa sữa này từ năm 2000. 22 năm tồn tại trên đường này, nhiều dấu ấn lắm. Nếu mà trồng cây mới thì cũng phải mấy chục năm nữa, phát triển tốt thì mới được, nếu không thì không có bóng mát".

Mật độ dày đặc, khi nở rộ hàng cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh (Quận Đống Đa, TP. Hà Nội) tỏa ra mùi hương nồng nặc, gây khó chịu cho người dân

Mật độ dày đặc, khi nở rộ hàng cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh (Quận Đống Đa, TP. Hà Nội) tỏa ra mùi hương nồng nặc, gây khó chịu cho người dân

Tuy nhiên, không ít người lại cảm thấy phiền toái với mùi hương hoa sữa, đặc biệt là những người có bệnh lý đường hô hấp. Theo các nghiên cứu, phấn hoa có thể gây dị dứng, ho, hen suyễn, mẩn ngứa nếu ngửi quá nhiều.

Có người đồng tình với việc thay thế cây hoa sữa, có người không, tuy nhiên, nhiều người dân sống dọc phố Nguyễn Chí Thanh lo ngại sẽ còn nhiều lần thay đổi tiếp trong tương lai, khi tuyến phố này cũng từng thử nghiệm trồng cây phong lá đỏ rồi sau đó di dời:

"Các cây cũ tồn tại được rồi thì tốt nhất đừng nên đánh nó đi. Trồng cây mới có được như thế không? Hay lại cây sống, cây chết? Cây phong không sống được, về đây đổi màu hết, đang màu đỏ chuyển thành màu xanh, rồi dần dần rạc đi".

"Bây giờ trồng thưa ra, hoặc 2 cây bỏ đi 1 cây, thì chắc là cũng được. Trồng cây nào người ta phải nghiên cứu kỹ để đẹp và lâu dài. Cứ hơi tý rồi lại thay nên là cũng thấy tiếc".

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất di dời, thay thế cây hoa sữa xuất hiện tại Hà Nội. Hồi tháng 7/2019, thành phố đã di chuyển hàng loạt cây hoa sữa tại đường Trích Sài lên trồng tại bãi rác Nam Sơn, trước phản ảnh mùi hoa sữa khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng.

Ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, việc di dời, thay thế cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh cần cân nhắc kỹ lưỡng. Ông Cường từng cùng Công ty Công viên cây xanh có nhiều nghiên cứu, báo cáo về việc lựa chọn cây xanh trên đường phố Hà Nội, với đặc tính từng loại cây phù hợp với từng địa điểm. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng chỉ trồng cây theo kế hoạch, số lượng, tận dụng những cây ươm trồng có sẵn, dẫn đến thiếu quy hoạch, thống nhất.

"Không phải không phù hợp, mà mình đừng trồng dày đặc quá. Ví dụ tại Nguyễn Chí Thanh có khoảng 80-90 cây hoa sữa thì mình để lại chục cây xen kẽ nhau, trồng rải rác ra. Như là đường Nguyễn Du hay Quán Thánh, Pháp ngày xưa trồng rải rác, đi qua thấy thoang thoảng mùi thơm thôi chứ không phải sặc sụa như bây giờ.

Hiện nay có khoảng 60 loài cây có thể trồng được ở Hà Nội. Phố này trồng cây gì, vỉa hè to trồng cây gì, vỉa hè nhỏ trồng cây gì,… tất cả phải có quy hoạch", ông Cường nói.

Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu quận Đống Đa cần xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật.

Theo Sở này, việc di dời cây xanh là “vấn đề nhạy cảm, phức tạp, được dư luận quan tâm”, nên đề nghị UBND quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc trồng, thay thế cây hoa sữa bằng loại cây khác được người dân ủng hộ./.

Minh Hiếu/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/so-phan-ham-hiu-cua-hang-cay-tren-duong-nguyen-chi-thanh-ha-noi-post980471.vov