Số phận 'long đong' nhưng 'có hậu' của chiến đấu cơ Tejas

Đơn đặt hàng lớn đầu tiên máy bay chiến đấu Tejas của Nhà nước Ấn Độ được coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong việc đạt được khả năng tự chủ trong sản xuất quốc phòng, và giải quyết vấn đề lâu dài về số lượng phi cơ chiến đấu.

Long đong chiến đấu cơ bản địa Ấn Độ Tejas

Đầu những năm 1980, Không quân Ấn Độ (IAF) có nhu cầu về một máy bay chiến đấu với hai mục đích chính - thay thế các máy bay chiến đấu MiG-21 do Liên Xô sản xuất, vốn là trụ cột của IAF từ những năm 1970, đã cũ; và đẩy mạnh sự tiến bộ toàn diện của ngành hàng không vũ trụ nội địa của nước nhà. Sáng kiến “tự lực cánh sinh” không chỉ đơn giản là sản xuất máy bay, mà còn là việc xây dựng một ngành công nghiệp địa phương có khả năng tạo ra các sản phẩm hiện đại mang tính thương mại cho thị trường toàn cầu. Tejas là máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) một động cơ, một người lái thuộc thế hệ thứ tư, được phát triển bởi Hindustan Aeronautics Limited (HAL) với các sứ mệnh đó.

Được khởi động phát triển từ năm 1983 nhưng mãi tới năm 2001, Tejas mới cất cánh lần đầu tiên, và tới tận tháng 1/2015, Tejas vẫn chưa chính thức đi vào trang bị, trong khi thông thường trên thế giới, kể từ khi cất cánh thử nghiệm tới khi biên chế chính thức chỉ từ 5-6 năm. Sự ra đời của Tejas là thành công nổi bật nỗ lực chế tạo máy bay chiến đấu của Ấn Độ, bắt đầu từ những năm 1950. Năm 1961, chiếc HF-24 Marut, được thiết kế bởi Kurt Tank - kỹ sư hàng không người Đức - người đã chế tạo máy bay Luftwaffe trong Thế chiến II, lần đầu tiên cất cánh.

Chiến đấu cơ nội địa Ấn Độ Tejas; Nguồn: wikipedia.org

Chiến đấu cơ nội địa Ấn Độ Tejas; Nguồn: wikipedia.org

Mặc dù Tejas thường được coi là sản phẩm của HAL, trách nhiệm phát triển nó thuộc về Cục Phát triển Hàng không (ADA) - một tập đoàn quốc gia gồm hơn 100 phòng thí nghiệm quốc phòng, tổ chức công nghiệp, và học viện với HAL là nhà thầu chính. Mục tiêu “tự lực cánh sinh” của chính phủ đối với LCA bao gồm ba hệ thống phức tạp và thách thức nhất - hệ thống điều khiển bay bằng dây, radar xung doppler đa chế độ và động cơ phản lực cánh quạt đốt cháy sau. Được thiết kế và chế tạo tại Ấn Độ, nhưng chiến đấu cơ Tejas sử dụng động cơ F404-GE-IN20 của Mỹ.

Việc xác định mục tiêu dự án bắt đầu vào tháng 10/1987 với tư vấn kỹ thuật của Hãng hàng không Dassault-Breguet (Pháp). Dassault-Breguet đã hỗ trợ thiết kế và tích hợp hệ thống máy bay, đã cử 30 kỹ sư hàng đầu đến Ấn Độ để làm cố vấn kỹ thuật, với hợp đồng kinh phí 100 triệu USD (tương đương 790 triệu USD năm 2019); giai đoạn này được hoàn thành vào tháng 9/1988. Năm 2003, LCA mới chính thức được Thủ tướng Vajpayee đặt tên là “Tejas”.

Nguyên mẫu đầu tiên của LCA chỉ bay sau khi dự án bắt đầu 18 năm vì lý do chính là Ấn Độ muốn phát triển động cơ phản lực của mình - điều mà cho đến nay, họ vẫn chưa thể làm được; trong những năm 1970-1980, đặc biệt là sau các vụ thử hạt nhân tại Pokhran năm 1974, Ấn Độ đã bị cuốn vào một môi trường từ chối công nghệ - Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã từ chối Ấn Độ tiếp cận bất kỳ “công nghệ nhạy cảm” nào. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi Ấn Độ tiến hành các vụ thử hạt nhân vào tháng 5/1998.

Chiếc Tejas dành cho Không quân Hải quân Ấn Độ; Nguồn: wikipedia.org

Tejas có cấu hình cánh tam giác không đuôi với một bộ ổn định dọc duy nhất. Rìa đầu cánh có độ quét 50 độ, mép dẫn đầu của cánh ngoài có độ quét 62,5 độ và mép sau có độ quét về phía trước 4 độ. Tejas được tích hợp các công nghệ như ổn định tĩnh, hệ thống điều khiển bay fly-by-wire, radar đa chế độ, radar điều khiển hỏa lực Hybrid MMR, hệ thống điện tử hàng không tích hợp và cấu trúc vật liệu composite; tốc độ bay tối đa Mach 1,6-1,8, bán kính chiến đấu 500km, trần bay 15.000m; có thể mang 3,5 tấn vũ khí - 8 giá treo cho phép mang theo nhiều loại tên lửa khác nhau, từ tên lửa dẫn hướng bằng laser có tầm xa 500km cho đến tên lửa R-73 tầm ngắn, và pháo 23mm.

Tejas là loại nhỏ nhất và nhẹ nhất trong các loại máy bay chiến đấu siêu thanh đương đại có độ linh hoạt trên không rất cao và giúp nó rất hiệu quả trong các cuộc không chiến, có thể tiến hành các nhiệm vụ trên biển xa, kể cả tấn công các căn cứ hải quân và không quân ven bờ của đối phương. Theo Tạp chí Jane’s Defence Weekly tháng 7/2016, Tejas có thể sánh ngang với F-16 Block 52 của Mỹ và JAS-39 Gripen của Thụy Điển. Nhiều khả năng, trong tương lai Ấn Độ sẽ cung cấp loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ này cho các khách hàng đối tác nước ngoài có nhu cầu.

Được lựa chọn

Năm 2019, IAF có kế hoạch sỡ hữu 324 chiếc Tejas với một số biến thể. Lô 40 chiếc Mark 1 (Mk-1) đầu tiên bao gồm 16 chiếc đã được chuyển giao vào đầu năm 2019. Việc bàn giao lô thứ hai gồm 16 máy bay bắt đầu vào cuối năm 2019 và dẫn đến việc hình thành phi đội Tejas thứ hai - Phi đội số 18 - tại Sulur, ngày 27/5/2020. Theo thông tin mới nhất, sau khi hoàn thành các bài thử nghiệm với cường độ cao, hôm 13/1/2021, IAF chính thức ký hợp đồng trị giá 5,5 tỷ USD để mua 83 chiến đấu cơ Tejas, gồm 73 chiếc Tejas Mk-1A và 10 chiếc phiên bản huấn luyện Tejas Mk-1.

Tejas được cho “ngang tài” với JAS-39 Gripen của Thụy Điển; Nguồn: wikipedia.org.

Theo truyền thông Ấn Độ, phiên bản Tejas Mk-1A có tổng cộng 43 cải tiến, nâng cấp vượt trội hoàn toàn so với phiên bản đầu tiên. Một trong số đó là hệ thống radar quét mảng điện tử chủ động (AESA, có khả năng theo dõi 16 mục tiêu cùng lúc ở các chế độ không đối không, không đối đất và không đối biển), khả năng tiếp liệu trên không được cải biến, có thêm khả năng tấn công bằng tên lửa ngoài tầm nhìn (BVR) và tác chiến điện tử (EW), gây nhiễu đối phương. Tuy nhiên Ấn Độ cũng dự tính phải tới năm 2022 phiên bản Mk-1A của chiến đấu cơ Tejas mới chính thức được thử nghiệm.

Các tên lửa ngoài tầm nhìn như tên lửa Derby đã được tích hợp trên chiếc Tejas hiện tại. Tên lửa BVR do bản địa phát triển (ASTRA Mk-1) sẽ được tích hợp trên Mk-1A, mang lại lợi thế cho Tejas so với các đối thủ cùng phân khúc như JF-17 (liên doanh Trung Quốc-Pakistan) trong chiến tranh BVR. Với sự ra đời của thiết bị gây nhiễu tự bảo vệ (SPJ) và radar AESA, khả năng sống sót của Mk-1A càng được nâng cao.

IAF cũng đang xem xét mua sắm thế hệ tiếp theo của Tejas, được gọi là Tejas Mk-2. Đáng nói, ADA và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) Ấn Độ đang làm việc với HAL để phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có tên gọi là Máy bay Chiến đấu hạng Trung Tiên tiến (Advanced Medium Combat Fighter Aircraft - AMCA).

Đơn đặt hàng Tejas lớn đầu tiên của Nhà nước Ấn Độ đã được ca ngợi là một sự kiện mang tính bước ngoặt - về việc đạt được khả năng tự chủ trong sản xuất quốc phòng, và cũng để giải quyết vấn đề lâu dài là cạn kiệt số lượng phi cơ chiến đấu. Tejas sẽ tạo ra một động lực lớn cho ngành hàng không trong nước vì nó liên quan đến sự hợp tác sâu rộng giữa ngành công nghiệp tư nhân và HAL. Tổng cộng, khoảng 500 công ty Ấn Độ sẽ hợp tác với HAL trong thỏa thuận này cho 83 Tejas mới.

Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra một số câu hỏi - Tejas sẽ thực sự “bản địa” như thế nào, vì các thành phần chính được sản xuất từ nước ngoài? Bao lâu thì chúng có thể có trong trang bị IAF và làm thế nào để việc mua sắm máy bay đáp ứng yêu cầu sự độc lập chiến lược cũng như chiến lược phát triển của IAF?.

Theo Lê Ngọc/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/so-phan-long-dong-nhung-co-hau-cua-chien-dau-co-tejas/20210202085109202