Số phận những khẩu súng cối lớn nhất mà Liên Xô từng chế tạo?

Sau khi Mỹ tiến hành thử nghiệm khẩu pháo bắn đạn hạt nhân T-131 (M65), Liên Xô đã ngay lập tức trả lời bằng khẩu pháo cối tự hành 2B1 Oka, có cỡ nòng 420mm và có thể bắn đầu đạn hạt nhân.

Sau khi thế chiến hai kết thúc, thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh Lạnh, với sự chạy đua vũ trang điên cuồng, được dẫn đầu bởi hai cường quốc Liên Xô và Mỹ. Lúc này cả hai đều tích cực phát triển vũ khí hạt nhân, và coi đó là vũ khí thông thường sử dụng trên chiến trường.

Sau khi thế chiến hai kết thúc, thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh Lạnh, với sự chạy đua vũ trang điên cuồng, được dẫn đầu bởi hai cường quốc Liên Xô và Mỹ. Lúc này cả hai đều tích cực phát triển vũ khí hạt nhân, và coi đó là vũ khí thông thường sử dụng trên chiến trường.

Bị cuốn vào cuộc đua này, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô liên tục cho ra đời nhiều loại vũ khí mới. Chúng thường được tạo ra để đáp lại các hành động của Mỹ và các đồng minh. Việc Liên Xô chế tạo ra các loại pháo cỡ lớn, để bắn đạn hạt nhân, là một phản ứng đặc biệt, đối với những phát triển và thử nghiệm của Mỹ.

Vào mùa xuân năm 1953, tại một bãi thử ở bang Nevada, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công pháo nguyên tử T-131 (M65), biệt danh “Atomic Annie”, có cỡ nòng 280 mm, được phát triển dựa trên mẫu phảo thử nghiệm pháo 240. Mỹ đã sản xuất 20 khẩu T-131 và được đánh mã số M65.

Các cuộc thử nghiệm pháo hạt nhân đầu tiên của Mỹ, đã được Liên Xô chú ý. Pháo M65 của Mỹ, có thể bắn đầu đạn hạt nhân với tầm bắn từ 25-28 km, đã gây ấn tượng với quân đội Liên Xô. Phản ứng hợp lý là Liên Xô phát triển các hệ thống pháo có sức mạnh tương tự.

Vào tháng 11/1955, một Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã được ban hành, trong đó khởi động công việc chế tạo pháo bắn đạn hạt nhân gồm súng cối tự hành 420 mm và pháo tự hành 406 mm Condenser-2P.

Hai doanh nghiệp quốc phòng lớn nhất của Liên Xô được giao nhiệm vụ phát triển súng cối 420 mm. Các kỹ sư Phòng thiết kế của nhà máy Leningrad Kirov, nơi phát triển xe tăng hạng nặng KV, chịu trách nhiệm chế tạo khung xe. Cục Cơ khí Thiết kế Đặc biệt Kolomna chịu trách nhiệm phần pháo.

Thời gian phát triển loại cối 420mm bắt đầu từ năm 1955 đến năm 1957. Năm 1957, bốn khẩu cối tự hành 420 mm Oka đã được lắp ráp; cũng trong năm đó, những khẩu Oka đã được giới thiệu trước công chúng tại Lễ duyệt binh truyền thống vào ngày 7/11 tại Moscow.

Dự án này được tiếp tục ở Liên Xô cho đến năm 1960, sau đó, trên cơ sở quyết định của chính phủ, dự án chế tạo súng cối 420mm chính thức dừng lại, do sự ra đời của các tên lửa chiến thuật.

Khi phát triển súng cối Oka, các nhà thiết kế Liên Xô đã phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn, khi phát triển một loại súng cối có cỡ nòng siêu lớn, có thể bắn đi quả đạn nặng 750 kg ở khoảng cách lên tới 45 km, đặc biệt là phải bắn được đạn hạt nhân chiến thuật.

Các nhà thiết kế đã giải quyết tốt các khó khăn đặt ra, súng cối tự hành 420mm 2B1 Oka có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 45 km, bằng cách sử dụng đạn cối tăng tầm. Tầm bắn bình thường của cối là 25 km.

Đầu đạn hạt nhân RDS-41 đã được phát triển riêng cho 2B1 Oka; khối lượng của đầu đạn hạt nhân này là 650 kg, sơ tốc đầu nòng đạt tới 720 m/s. Sức công phá của đạn, ước tính vào khoảng 14 kt.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin cho biết, ngoài đầu đạn chuyên dùng RDS-41, khẩu cối 420mm này còn sử dụng một đầu đạn cỡ nhỏ RDS-9, vốn được tạo ra cho ngư lôi 533 mm T-5 của Liên Xô, có thể được sử dụng như một đầu đạn pháo.

Do cỡ nòng lớn và đầu đạn quá nặng, nên tốc độ bắn của súng cối tự hành 2B1 là rất chậm; tốc độ bắn là 5 phút mới được một viên. Tốc độ bắn tối đa là 12 viên/giờ. Tuy nhiên với trọng lượng đầu đạn quá lớn, nếu một viên đạn trúng vào mục tiêu, cũng có thể phá hủy hoàn toàn mục tiêu.

Một đặc điểm thú vị của việc bố trí pháo là trong thân pháo tự hành, chỉ có chỗ cho lái xe; còn 7 pháo thủ còn lại, được vận chuyển riêng trong một chiếc xe bọc thép chở quân, hoặc xe tải.

Bản thân 2B1 Oka đã thực sự gây kinh ngạc cho phương Tây ngay trong cuộc duyệt binh đầu tiên ở Moscow vào tháng 11/1957. Chỉ riêng phần pháo đã nặng khoảng 55 tấn, sử dụng khung gầm đặc biệt, dành cho xe tăng hạng nặng T-10M. Chiều dài tổng thể của 2B1 là 20 mét, chiều rộng 3 mét và chiều cao là 5,7 mét.

Mặc dù có động cơ đặc biệt từ xe tăng T-10M, với công suất 750 mã lực. Nhưng tốc độ tối đa của cối tự hành 2B1 không vượt quá 30 km/h trên đường cao tốc; thậm chí với xích xe, chỉ có thể di chuyển được trên quãng đường 20-35 km, sau đó cần được thay thế.

Súng cối tự hành 2B1 Oka có xạ giới tầm từ +50 đến +75 độ và không thiết kế máy hướng, cho nên việc chuyển hướng tới mục tiêu, được thực hiện bằng cách quay cả xe.

Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu các thiết bị hãm lùi trên bệ pháo là nguyên nhân dẫn đến súng cối Oka có độ giật rất lớn; sau mỗi phát bắn, toàn bộ khẩu cối bị lùi về sau khoảng năm mét.

Nhưng thật không may, "Oka" đã xuất hiện không đúng lúc. Không phải là do khẩu cối quá nặng hay thiếu bộ phận giảm giật, mà bởi sự phát triển nhanh chóng của tên lửa. Khi đó nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev là người “cuồng” tên lửa, nên ông tập trung nhiều nguồn lực vào phát triển loại vũ khí mới này.

Năm 1961, chỉ 4 năm sau sự xuất hiện của lực lượng pháo hạt nhân đặc biệt, tại lễ duyệt binh năm 1957, hệ thống tên lửa chiến thuật 2K6 Luna thế hệ thứ hai đã được sử dụng. Chính với sự xuất hiện của tổ hợp này, các chuyên gia liên tưởng đến sự suy tàn của pháo hạt nhân.

Tổ hợp tên lửa 2K6 Luna vận hành đơn giản, chi phí thấp hơn và là loại hỏa lực mới cho lục quân. Với khối lượng bệ phóng 15,5 tấn so với 55 tấn của súng cối 420 mm, 2K6 có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 45 km. bằng cách sử dụng nhiều loại tên lửa.

Trong một thời gian, Liên Xô vẫn ấp ủ ý tưởng chế tạo và phát triển đạn pháo hạt nhân, dùng cho súng cối 240 mm M-240 và pháo 203 mm B-4 (B-4M), nhưng sự phát triển nhanh chóng của tên lửa chiến thuật, đã ngăn chặn các kế hoạch này. Phiên bản tiếp theo của tên lửa Luna-M, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 70 km, bỏ xa bất kỳ hệ thống pháo binh nào.

Vào tháng 5/1961, sáu đơn vị pháo hạt nhân của Liên Xô có sức mạnh đặc biệt, đã tham gia lần cuối cùng trong một cuộc duyệt binh ở Moscow trên Quảng trường Đỏ. Cùng năm đó, vào tháng 7, trung đoàn pháo binh số 2 của RVGK bị giải tán, trong đó có tất cả bốn khẩu súng cối nguyên tử Oka.

Dàn cối tự hành của Nga ở thời điểm hiện tại - dù không còn súng cối hạt nhân, sức mạnh vẫn cực kỳ đáng gờm. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/so-phan-nhung-khau-sung-coi-lon-nhat-ma-lien-xo-tung-che-tao-1557061.html