'Số phận' trên 31.000 thẻ BHYT phải điều chuyển tại Bệnh viện Thống Nhất sẽ ra sao?

Ngay sau khi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có công văn yêu cầu đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình (mã thẻ GD) đang đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu tại Bệnh viện (BV) Thống Nhất phải đổi sang cơ sở KCB khác theo quy định trước ngày 31/3 tới đây, BV Thống Nhất đã nhận được hàng loạt cuộc điện thoại gọi tới từ người dân bày tỏ sự băn khoăn.

Sáng 10/3, tiếp xúc với báo chí, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV này khẳng định: “Vẫn tạo mọi điều kiện cho bệnh nhân diện này nếu cơ sở tuyến dưới được điều chuyển về chưa đáp ứng được yêu cầu chữa trị”.

Lo lắng vì chuyển từ tuyến Trung ương về địa phương

Theo ông Lê Đình Thanh, sau khi nhận được thông báo trên, có rất nhiều người dân thắc mắc và phản ứng. Nguyên nhân cũng dễ hiểu vì trong số hơn 31.000 thẻ KCB diện này có nhiều bệnh nhân mang nhiều bệnh mạn tính, phải vào BV thường xuyên, đã quen thầy, quen thuốc...

Tuy nhiên BV khẳng định việc điều chuyển này nằm trong quy định của BHXH và các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác nhằm điều tiết cân đối các mã thẻ theo quy định nên BV có nhiệm vụ thực thi.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại BV Thống Nhất cũng đã có công văn với một số đề xuất gửi tới cơ quan BHXH Việt Nam và BHYT TP HCM nhằm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân được chữa trị ở nơi mới phải phù hợp, đạt yêu cầu.

Trong trường hợp, nơi mới của việc điều tiết này làm bệnh nhân không ưng ý trong chất lượng KCB, bệnh nhân vẫn có thể yêu cầu được chuyển tuyến lên tuyến trên; BV Thống Nhất cũng sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc theo diện chuyển tuyến.

Theo quy định mới áp dụng, sẽ có 31.337 người phải đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT sang cơ sở khám bệnh khác trước ngày 25/3 tới. Sau thời gian trên, những trường hợp chưa đổi sang cơ sở KCB khác thì cơ quan BHXH sẽ thực hiện đổi về cơ sở KCB BHYT tuyến quận, huyện nơi cư trú của người tham gia.

Cũng theo ông Thanh, câu hỏi BV nhận được nhiều nhất là người dân có mã thẻ “GD” có tiếp tục được KCB bằng thẻ BHYT tại BV Thống Nhất nữa hay không. Hiện BV chỉ biết trả lời là đối với những người có thẻ mã “GD” sẽ không tiếp tục được KCB BHYT ban đầu tại BV Thống Nhất nữa. Tuy nhiên, các thẻ KCB khác mã “GD” vẫn được đăng ký KCB tại BV Thống Nhất.

Trước mắt, với những người có thẻ BHYT có mã GD phải điều chuyển đi thì BV Thống Nhất cũng có một đề xuất, cơ quan BHXH nên để họ tiếp tục được sử dụng thẻ KCB này đến hết thời hạn đăng ký ban đầu, sẽ đỡ vất vả hơn cho người dân. Nhưng mong muốn này còn tùy thuộc vào quyết định của đơn vị BHYT và BHXH Việt Nam chứ không phụ thuộc vào quyết định của BV Thống Nhất.

Bệnh nhân tới khám bệnh tại khu vực tiếp nhận bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thống Nhất sáng 10/3.

Tuyến nào cũng được hưởng một phác đồ điều trị như nhau

Theo ông Thanh, một số bệnh nhân có mã GD đang được điều trị nhiều năm (bệnh mạn tính) tại BV Thống Nhất buộc phải chuyển đi thì cũng là điều trăn trở cho bệnh nhân nên BV sẽ có 3 giải pháp: Một là bệnh nhân vẫn cứ về cơ sở KCB tuyến dưới theo sự điều tiết. Nếu như nhận thấy việc điều trị tại nơi mới không đạt yêu cầu thì có thể xin chuyển tuyến lên BV Thống Nhất và BV vẫn hết sức tạo điều kiện.

Bằng cách thiết lập một cổng riêng với bệnh nhân diện này để khi tới BV tránh thủ tục rườm rà, mất thời gian. BV Thống Nhất sẽ lại tiếp tục KCB theo đúng quy định với trường hợp bệnh nhân diện chuyển tuyến. Thứ hai nếu đối tượng chuyển lên theo diện cấp cứu, BV vẫn tiếp nhận và KCB theo diện cấp cứu.

Thứ 3, dù BV Thống Nhất là nơi chuyên điều trị cho các bệnh nhân diện cán bộ Trung và Cao cấp, nhưng bệnh nhân diện đối tượng bình thường, khi vào BV cũng vẫn được đối xử, chăm sóc sức khỏe như nhau, không có sự phân biệt.

Việc điều tiết thẻ BHYT khi được công bố, theo ông Thanh là đã có sự rà soát, tham chiếu để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở KCB hoạt động. Những người làm công tác chính sách cũng rất trăn trở khi mà phải thực hiện việc điều tiết như trên.

Phải dựa trên thực tế để các thẻ BHYT phải được phân bố cho các cơ sở KCB hợp lý. Thông thường, các cơ sở y tế phải dựa trên thực lực của mình để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu vượt quá khả năng thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn để người dân được hưởng những điều kiện điều trị tốt nhất.

Qua việc điều chuyển này, BV Thống Nhất cũng mong muốn các BV tuyến dưới khi được tiếp nhận bệnh nhân diện này về thì căn cứ vào các điều kiện của mình để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Có thể tham khảo các phác đồ theo quy định của Bộ Y tế khi điều trị bệnh để đưa ra phác đồ tốt nhất cho người dân.

Việc KCB nên được kê đơn, kê toa để việc điều trị hợp lý nhất. Ngoài ra, nếu cơ sở tuyến dưới không điều trị được bệnh mạn tính (nằm trong danh mục hơn 40 bệnh mạn tính) được chuyển tuyến (hưởng trong 1 năm) thì bệnh nhân chỉ cần làm giấy xin chuyển tuyến tới cơ sở KCB mà mình mong muốn để được hưởng quyền lợi chăm sóc bệnh mạn tính đó trong 1 năm tại nơi chuyển tuyến.

Kể cả về BV Thống Nhất. Đây có thể coi là giải pháp linh hoạt nhất theo ông Thanh để mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị cho bệnh nhân.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/so-phan-tren-31-000-the-bao-hiem-y-te-phai-dieu-chuyen-tai-benh-vien-thong-nhat-se-ra-sao-633453/