So sánh tỷ lệ sai sót trong từ điển của GS. Nguyễn Lân và cuốn sách 'bắt lỗi'

Bài viết này dành riêng cho 'phần phê bình và khảo cứu Từ điển từ và ngữ Việt Nam' (trang 219 sách của ông Hoàng Tuấn Công).

Số lượng sai sót, nhầm lẫn ở từ điển của Giáo sư Nguyễn Lân

Đáng lẽ ông Hoàng Tuấn Công phải đưa ra nội dung Phương pháp luận tức là tổng thể những phương pháp nghiên cứu và vận dụng cho sách của ông và phải xếp ngay ở những trang đầu công trình. Nhưng nội dung này không có ở sách Hoàng Tuấn Công.

Tôi đành mạo muội rút ra một số tiêu chí sau khi đọc sách của ông:

Mỗi mục từ trong từ điển của Giáo sư Nguyễn Lân đều phải trải qua tất cả các khâu thẩm định sau của Hoàng Tuấn Công:

- Về nghĩa các yếu tố Hán – Việt.

- Là chính bản hay dị bản của một từ, một ngữ nào khác.

- Nghĩa đen, nghĩa bóng của từ, ngữ.

- Câu dùng để làm ví dụ minh họa có chuẩn không?

- So sánh với các cuốn từ điển khác trong và ngoài nước…

Chỉ cần phạm phải 1 trong 4 nội dung đầu là bị Hoàng Tuấn Công xếp vào loại: “SAI SÓT NHẦM LẪN”

Theo khảo cứu của Hoàng Tuấn Công, cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Lân có bao nhiêu sai sót, nhầm lẫn?

Thống kê từ vần A trang 227 đến vần Y ở trang 442 tôi nhặt ra được 532 mục từ (tôi đếm 3 lần nhưng vẫn có thể còn sót). Toàn bộ cuốn từ điển có 51.700 mục từ và ngữ. Sai sót chiếm tỷ lệ 1,03%.

Một cuốn từ điển tiếng Việt hơn 5 vạn mục từ có sai sót, nhầm lẫn 1%, có lớn đến mức như Hoàng Tuấn Công viết ở trang 225: “Từ điển của Giáo sư Nguyễn Lân biên soạn có quá nhiều sai sót, nhiều kiểu sai sót rất khó tin, khó có thể tưởng tượng lại do chính Giáo sư viết ra”…

Số lượng sai sót và nhầm lẫn trong sách của ông Hoàng Tuấn Công

Vì điều kiện thời gian, mặt khác trước mắt tôi cũng chỉ làm thí điểm các mục từ do Hoàng Tuấn Công khảo cứu từ vần A (trang 227) đến vần C (trang 273 sách Hoàng Tuấn Công) gồm 120 mục từ. Tôi thấy trong 120 mục từ này Hoàng Tuấn Công có những sai sót nhầm lẫn sau đây:

Mục từ "bát dật" (trang 236)

Sau khi phê phán sự giải thích sai của Giáo sư Nguyễn Lân dựa vào cuốn Hán Việt từ điển của Thiều Chửu, Hoàng Tuấn Công giải thích rằng: Dật: Hàng dật. Trong lễ định vua Thiên tử được bắt 64 người múa bài hát, mỗi hàng tám người gọi là múa bát dật.

Phần tham khảo Hoàng Tuấn Công dẫn ra từ Từ điển bách khoa Việt Nam cũng giải thích tương tự như thế.

Dựa vào hai nguồn tư liệu này Hoàng Tuấn Công còn giải thích sai to hơn.

Theo sách Minh Mệnh chính yếu, năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) mỗi khi Hoàng đế (Minh Mệnh) kể lại công đức của tiên đế, Ngài luôn than khóc. Khi quần thần xin Ngài bớt thương tâm cho thuận lẽ biến dịch. Hoàng đế bảo: “Trẫm vẫn biết thương xót thái quá sẽ khiến thân thể hao mòn là vượt quá lễ nghi, không thấu xiết tang sự để mang tội bất hiếu, song thương nhớ là mối tình sâu không thể nguôi được”.

Cho nên phải 10 năm sau (Minh Mệnh thứ 10) mới có việc định ra múa bát dật chứ không phải vào năm Minh Mệnh nguyên niên (1820).

Múa bát dật theo Từ điển phổ thông Trung Quốc: dật là xếp hàng mà múa hát chứ không phải như giải thích: dật: hàng dật mà Hoàng Tuấn Công đã viết ở trên.

Bộ Lễ còn quy định: “Văn vũ thì dùng bát dật, chia thành 2 hàng tả hữu” (Văn vũ vũ sư các nhị nhân, vũ sinh lục thập tứ nhân, phân tả hữu nhị liệt). Không phải chia làm 8 hàng như Hoàng Tuấn Công viết.

Mục từ "bất chắc"

Giải thích của GS Nguyễn Lân: trgt không chắc nhưng cũng sẽ diễn ra

GS Nguyễn Lân chỉ có sai về chính tả giữa trắcchắc.

Hoàng Tuấn Công sai sót nhầm lẫn ở mục từ này thế nào?

Ông viết đã khảo sát các sách từ điển có trong tay (tất cả 7 cuốn) trong đó có cả cuốn từ điển Đào Văn Tập … không thấy có từ “bất chắc”. Khổ quá, đã bảo sai chính tả rồi, sao lại còn tra chữ “bất chắc” ấy nữa, phải tra “bất trắc” chứ! Tôi đã tra chữ bất trắc trong cuốn từ điển Đào Văn Tập in ở Sài Gòn và xuất bản năm 1953, trang 19 trên 2 chữ bất trị, bất trung.

Hoàng Tuấn Công dẫn theo Huệ Thiên rằng: “Cho là không có chuyện in sai thì 2 tiếng bất chắc chẳng qua cũng chỉ là do ông Tú Mỡ “sáng tác” mà thôi. Nó đâu đã được mọi người chấp nhận mà đưa vào từ điển”.

Ông Hoàng Tuấn Công có thể cho biết ông Tú Mỡ sáng tác từ hồi nào?

Riêng tôi thấy từ năm 1931 (do căn cứ vào bài đề từ của cụ Phan Bội Châu) trong cuốn Hán Việt của Đào Duy Anh đã có mục từ “bất trắc”.

Đặc biệt trong tiểu thuyết “Dứt tình” của Trọng Phụng xuất bản năm 1934, nhà xuất bản Văn Học tái bản năm 2004 trang 23 có câu “ Đó là sự bất trắc của hạnh phúc”.

Như vậy, từ bất trắc đã xuất hiện trước thơ Tú Mỡ nhiều năm.

Ở mục từ "chuyển khẩu", theo giáo sư Nguyễn Lân: “chuyển khẩu đgt ( H: khẩu: miệng, hộ khẩu)”: Sang nước khác. Nhiều người Việt Nam từ Pháp đã chuyển khẩu về nước.

Hoàng Tuấn Công đọc đến đây thì than rằng: Thật khó tin cách giải nghĩa sai hoàn toàn này lại nằm trong một cuốn sách có tên từ điển từ và ngữ Việt Nam.

Thưa ông Hoàng Tuấn Công, thế là ông mới chỉ quen tai với hai từ “ xuất cảnh” và “nhập cảnh” (tiếng Anh là immigrate). Hiện nay có rất nhiều sự chuyển cư của người Việt từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại để sinh sống, sự việc ấy được dùng với từ TRANSMIGRATE, thì ông định chuyển ngữ từ này là gì?.

Thưa ông, Giáo sư Nguyễn Lân- tác giả của hai cuốn đại từ điển Pháp – Việt và Việt – Pháp được cơ quan văn hóa Pháp đánh giá cao. Cụ đã dịch TRANSMIGRATE là “chuyển khẩu” đấy.

Ông Hoàng Tuấn Công còn thắc mắc giáo sư Nguyễn Lân mô tả “bánh chưng nhân đường” ở vùng nào, dân tộc nào? Mời ông có dịp qua chơi Hải Phòng, tôi sẽ mời ông thưởng thức “bánh chưng chay nhân đường” rất sẵn ở các cửa hàng cơm chay.

Ông Hoàng Tuấn Công giải thích từ “ấp” trong chiêu dân lập ấp có một nghĩa nữa đồn điền của riêng một người. Tôi đã tra từ điển Trần Văn Chánh và Tân Hoa từ điển đều không có.

Về từ “cứu” Giáo sư Nguyễn Lân giải thích: cứu là chữa bệnh bằng cách đốt bột lá ngải cứu ở những điểm trên mặt da.

Ông Hoàng Tuấn Công đề nghị thay “những điểm trên mặt da” bằng “những huyệt vị nhất định”. Giải thích vậy còn làm khó người đọc gấp hàng chục lần vì những từ: huyệt, huyệt vị, huyệt máu…. do ông Hoàng Tuấn Công đề nghị người bình thường khó mà hiểu được.

Ngay từ điển phổ thông Trung Quốc còn chẳng dám giải thích theo cách đó cho dân của họ mà cũng viết tương tự cách giải thích của giáo sư Nguyễn Lân: cứu – trị liệu bằng cách đốt lá ngải trên một số bộ phận nào đó của cơ thể (thiêu chước thân thể mỗ nhất bộ phận đích trị liệu phương pháp).

Về mặt tỉ lệ sai sót nhầm lẫn qua khảo sát 120 mục từ thấy rằng có 5 trường hợp ông đã chữa đúng thành sai, sai thành sai to hơn, chiếm tỉ lệ hơn 4% trong khi đó Giáo sư Nguyễn Lân giải thích 51.700 mục từ sai có 1%. Như vậy tỉ lệ sai nhầm của ông Hoàng Tuấn Công gấp 4 lần của giáo sư Nguyễn Lân.

(Nếu có dịp tôi sẽ nghiên cứu nốt 400 mục từ còn lại trong sách của ông Hoàng Tuấn Công)

Lã Trọng Long

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/so-sanh-ty-le-sai-sot-trong-tu-dien-cua-gs-nguyen-lan-va-cuon-sach-bat-loi-post236854.info