'Sổ tay chiến sĩ' - cẩm nang bổ ích của bộ đội

'Sổ tay chiến sĩ' do Tổng cục Chính trị xuất bản và được cấp phát cho chiến sĩ mới nhập ngũ. Với nội dung phong phú, được in sẵn, thống nhất theo quy định, bên cạnh việc phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện, sinh hoạt, cuốn sổ còn như một cẩm nang gắn bó với chiến sĩ và lưu lại những kỷ niệm đẹp trong thời gian quân ngũ.

Thượng tá LÊ XUÂN ĐÔNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Thông tin 575 (Quân khu 5):

Cuốn cẩm nang bổ ích với bộ đội

Hiện nay, ở Lữ đoàn Thông tin 575, 100% chiến sĩ được cấp “Sổ tay chiến sĩ”. Cuốn sổ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho bộ đội, như: Giới thiệu cơ bản về truyền thống vẻ vang, những mốc son lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 10 lời thề, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân của quân nhân, bài hát theo quy định trong quân đội và một số nội dung nhận thức quan trọng khác…

Với đặc thù của đơn vị thông tin, hầu hết chiến sĩ sử dụng sổ như một cuốn cẩm nang mang theo bên mình. Không ít công việc đã hoàn thành, công việc chưa hoàn thành đều được chiến sĩ ghi chép tỉ mỉ để rút kinh nghiệm. Điều đặc biệt, nhiều câu chuyện hay về Bác, những nội dung trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chiến sĩ ghi chép cẩn thận cùng với các mốc mục tiêu phấn đấu cụ thể, chi tiết.

Những lá thư quê nhà, những dòng ghi chép trong cuốn sổ luôn được học viên của Học viện Quân y chia sẻ với nhau.

Bên cạnh đó, bộ đội còn sử dụng cuốn sổ để ghi chép về truyền thống, nhiệm vụ của đơn vị, nội dung nhận thức về chính trị, quân sự, kiến thức chuyên môn theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều chiến sĩ còn ghi địa chỉ, số điện thoại gia đình, người thân, kỷ niệm với bạn bè thành từng khung riêng, rồi các bài hát, bài thơ yêu thích, kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian quân ngũ kèm theo từng mốc thời gian cụ thể... Quá trình sinh hoạt cùng phân đội, tôi còn được chiến sĩ chia sẻ không ít bài tản văn, câu chuyện trong huấn luyện, bắn đạn thật rất tình cảm và dí dỏm.

Từ thực tiễn, tôi cho rằng cuốn sổ rất thiết thực đối với bộ đội, cùng với đó, do kích thước nhỏ gọn nên thuận tiện quản lý, sử dụng, ghi chép, góp phần phục vụ và nâng cao hiệu quả huấn luyện, rèn luyện, sinh hoạt của bộ đội.

VŨ QUANG THÁI (ghi)

----------------------------

Trung tá ĐẶNG TRẦN VĂN, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh):

Góp phần hình thành thói quen tỉ mỉ, ngăn nắp

Thời gian qua, từng chiến sĩ ở Lữ đoàn 96 đã phát huy tốt tác dụng của “Sổ tay chiến sĩ”. Sau khi sổ được cấp phát đến tay bộ đội, cán bộ trung đội, đại đội chủ động hướng dẫn chiến sĩ cách sử dụng khoa học, hiệu quả.

Những nội dung cơ bản được chiến sĩ ghi trong cuốn sổ thường là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị hằng tháng; các quy định của đơn vị về xây dựng nền nếp chính quy hoặc nội dung cơ bản của Phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động lớn của quân đội, thanh niên; công việc làm tốt hoặc chưa hoàn thành cần thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều chiến sĩ còn ghi chép những kỷ niệm sâu sắc về tình đồng chí, đồng đội trong thời gian quân ngũ… Ở đơn vị chúng tôi, mỗi trang viết đều được chiến sĩ ghi chép cẩn thận, sử dụng thường xuyên như cuốn cẩm nang thân thiết hằng ngày. Cuốn sổ còn giúp chiến sĩ nhận biết mình đã làm được việc gì tốt, việc gì chưa tốt, cần khắc phục…

Hằng tuần, cán bộ đơn vị kiểm tra “Sổ tay chiến sĩ”, tiếp tục định hướng việc ghi chép nội dung, rút kinh nghiệm sử dụng sổ tay hợp lý, hiệu quả. Đây cũng là cách rèn luyện tính tự giác, tỉ mỉ cho bộ đội; đồng thời hình thành thói quen xây dựng kế hoạch phấn đấu hoàn thành từng công việc cụ thể trong thời gian nhất định.

HOÀNG ĐÌNH THÀNH (ghi)

-----------------------

Thiếu tá NGUYỄN DUY THIỆN, Chính trị viên Tiểu đoàn Tăng 1, Lữ đoàn 206 (Quân khu 4):

Hiệu quả trong công tác tự giáo dục

“Sổ tay chiến sĩ” trở thành cẩm nang bổ ích trong công tác tự giáo dục của bộ đội. Sau những giờ tập luyện trên thao trường, chiến sĩ tập trung sinh hoạt theo tổ, lúc đó, sổ tay được sử dụng ghi chép cẩn thận và rút kinh nghiệm về quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cuốn sổ còn là nơi lưu lại những vần thơ, mẩu chuyện theo nội dung đơn vị đề ra hoặc được chiến sĩ trao đổi, sưu tầm.

Hằng tháng, trên cơ sở đơn vị chỉ đạo nội dung, trung đội, đại đội tổ chức kiểm tra hoạt động ghi chép “Sổ tay chiến sĩ”, qua đó định hướng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho bộ đội. Tại Tiểu đoàn Tăng 1, đơn vị đan xen, lồng ghép hoạt động ghi chép sổ tay với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện mô hình “Kíp xe gương mẫu”. Mặt khác, cán bộ từng bộ phận luôn bám sát bộ đội, chia sẻ tâm tư, tình cảm của chiến sĩ, góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong đơn vị ngày một trưởng thành.

HOÀNG HOA LÊ (ghi)

---------------------------

Binh nhất VÕ TIỂU CƯỜNG, Học viên Trung tâm huấn luyện 456, Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải quân):

Tiện lợi và hữu ích

Từ khi được cấp “Sổ tay chiến sĩ”, tôi luôn giữ gìn, ghi chép theo đúng quy định. Sổ tiện lợi ở chỗ các thông tin cung cấp đầy đủ, phù hợp với chiến sĩ, kích thước sổ gọn, phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự. Những nội dung được in trong sổ gắn với sinh hoạt học tập, là kiến thức căn bản nhất đối với chiến sĩ. Hơn nữa, phần ghi chép dung lượng số trang vừa đủ, dễ ghi chú kiến thức cần nhớ cho bản thân. Tất cả nội dung ghi chép phục vụ đắc lực cho việc học tập, rèn luyện trong suốt thời gian làm nhiệm vụ. Không những vậy, cuốn sổ còn là kỷ niệm về những ngày sống và học tập trong quân đội của cá nhân tôi.

VŨ VĂN HƯỞNG (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/so-tay-chien-si-cam-nang-bo-ich-cua-bo-doi-552528