Sổ tay: 'Phở Việt Sài Gòn' trên đất Trung Quốc

Ở Hàng Châu không có nhiều nhà hàng Việt giống như Thượng Hải hay Bắc Kinh, vì thế nhà hàng 'Phở Việt Sài Gòn' tạo nên điểm nhấn riêng. Câu chuyện của ông Dai Weiqiang (Đới Vỹ Cường) sau 13 năm làm quản lý cho khách sạn nổi tiếng Shangri-La ở Hàng Châu, đã tự mình kinh doanh bằng cách mở ra chuỗi 'Phở Việt Sài Gòn'.

Cơn sốt phở Việt cũng là một phần của hành trình đầy thú vị cho ông Đới tìm hiểu ẩm thực và văn hóa Việt Nam. Một trào lưu, lối sống mới đang xuất hiện ở Trung Quốc tạo đà cho doanh nghiệp của ông như chính lời Đới Vỹ Cường giải thích: “Các bạn trẻ Trung Quốc thì thích giữ dáng, ăn uống nhiều rau xanh, món nhẹ, thế nên phở Việt rất phù hợp với nhu cầu của giới trẻ thời này. Tôi tin rằng Phở Việt chắc chắn sẽ có tiềm năng lớn tại Đại lục trong tương lai”.

Không ít người đã nếm món phở khi đi du lịch sang Việt Nam hoặc các nước khác. Riêng khẩu vị của ông hợp với món phở “made in Saigon”. Và câu nói xuất phát tự đáy lòng ông: “Cả đời không quên món Phở Sài Gòn”. Câu nói này cứ luôn hiện lên trong suy nghĩ của ông sau khi ông xem một video của một nhà ẩm thực Hongkong gốc Triều Châu nổi tiếng họ Sái. Đây chính là động lực để ông bắt đầu tìm hiểu về món phở Việt.

Hai cuốn sách “Gia vị” và “Khải nguyên đường” chuyên về ẩm thực Việt Nam được ông Đới tìm hiểu kỹ từng chi tiết và coi như là cuốn chỉ nam cho những ngày đầu trước khi bắt tay vào xây dựng nhà hàng, đọc xong sách, ông nấu được tô phở Sài Gòn rất ngon (ảnh).

Cái tên Saigon Funyo, theo cách hiểu của ông chính là Phở Việt Sài Gòn; do trong tiếng Trung không có âm nào phát âm như chữ Phở của Việt Nam nên ông tạm đặt theo cách riêng của mình “Funyo”. Ông thích Sài Gòn vì thành phố này có nét giống với Thượng Hải: Sầm uất, đông đúc và phát triển. Cùng với một người bạn, ông Đới đã chọn Vô Tích (Wuxi) quê hương của mình để khai trương nhà hàng “Phở Việt Sài Gòn” đầu tiên.

Những lần du lịch qua Mỹ thấy món phở Việt Nam rất được yêu thích và bản thân ông bị quyến rũ bởi cái vị thanh đạm, tinh tế của nó. “Tình yêu” phở lớn từng ngày nên ông quyết định mở nhà hàng phở mà ông tin là thực khách Trung Quốc cũng sẽ yêu thích.

Để giữ được hương vị phở đúng kiểu Việt Nam, ông thuê hẳn bếp trưởng người Hongkong gốc Việt để đứng bếp và hướng dẫn các đầu bếp khác về vị phở, cách hầm xương, cách chọn sợi phở. Ông cũng cho đầu bếp Trung Quốc sang Việt Nam tập huấn dài ngày để trao đổi thêm kinh nghiệm. Quán của ông Đới còn giới thiệu văn hóa Việt Nam với khách hàng qua phiếu giảm giá đã được cách điệu hóa những tấm bưu thiếp về các địa danh nổi tiếng của Việt Nam.

Chuỗi nhà hàng “Phở Việt Sài Gòn” hiện đã có 9 chi nhánh ở một số thành phố lớn của Trung Quốc, với doanh thu trên 3 triệu USD/năm, phục vụ nhiều loại phở từ các vùng miền như Hà Nội, Đà Nẵng rồi cà phê sữa đá, bún thịt nướng.

Đặc biệt quán có món “Phở xe lửa” (nguyên văn “Phở nhà ga”) - cái tên ông Đới rất mê, đặt ra để liên tưởng đến cảnh người Việt ăn nhanh một tô phở rồi chạy lên tàu…

Một người Trung Quốc mê món phở Việt, kiên nhẫn học từ sách để nấu cho được, xong mở chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc để truyền bá văn hóa ẩm thực Việt thật đáng trân trọng.

Lê Miên Tường

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/so-tay-pho-viet-sai-gon-tren-dat-trung-quoc-d70703.html