Sở thuế vụ Mỹ 'sờ gáy' Facebook

Sở Thuế vụ Mỹ cho rằng mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã trốn thuế lên đến 9 tỷ USD bằng cách chuyển lợi nhuận sang nước có thuế thấp.

Tận dụng ưu đãi thuế từ các "thiên đường thuế" mà Facebook và hàng loạt đại gia công nghệ Mỹ đang né thuế trong suốt nhiều năm.

Theo đó, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đã đưa việc trốn thuế của Facebook ra tòa án San Francisco với cáo buộc, mạng xã hội này đã chuyển khoảng 9 tỷ USD lợi nhuận sang một công ty con tại Ailen.

Thời gian dự kiến đợt kiện tụng này có thể mất từ 3-4 tuần, rất có thể những quản lý lớn của Facebook như Giám đốc phần cứng Andrew Bosworth và Giám đốc công nghệ Mike Schroepfer sẽ được gọi ra làm chứng tại đợt xét xử này.

IRS lập luận rằng, trong một giao dịch với công ty con tại Ailen vào năm 2010, Facebook đã cố ý hạ thấp tài sản trí tuệ của mình trong khi đang xây dựng các hoạt động trên toàn cầu, đây là động thái phổ biến của các công ty đa quốc gia của Mỹ.

Việc Facebook lựa chọn Ailen bởi đây là quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn Mỹ, như vậy doanh nghiệp sẽ giảm lượng lớn hóa đơn thuế.

Theo thỏa thuận, các công ty con của Facebook sẽ trả tiền bản quyền cho công ty mẹ ở Mỹ để sử dụng nhãn hiệu, người dùng và công nghệ nền tảng của công ty. Từ năm 2010 đến 2016, Facebook Ireland đã trả cho Facebook Mỹ hơn 14 tỷ USD tiền bản quyền và các khoản thanh toán chia sẻ chi phí.

Chiến lược sử dụng 2 công ty với một thỏa thuận nhượng quyền như thế được gọi là “Double Dutch”, “Double Irish”, hoặc “Dutch Sandwich”, hoàn toàn hợp pháp và rất phổ biến trong các công ty như Starbucks, Google, Facebook, Apple, Microsoft, Ikea và Amazon suốt nhiều năm qua.

Trả lời trước cáo buộc của IRS, phát ngôn viên Facebook, Bertie Thomson cho rằng họ nên định giá công nghệ thậm chí thấp hơn: “Vụ kiện nhắm tới những giao dịch diễn ra từ năm 2010, khi đó Facebook không có doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động, hoạt động kinh doanh quốc tế còn non trẻ. Trong suốt lịch sử của Facebook, chúng tôi đã làm việc với IRS và tuân thủ tất cả các luật thuế hiện hành", Thomson nói.

"Chúng tôi mong muốn trình bày trường hợp của chúng tôi tại tòa án và chấm dứt tranh chấp kéo dài nhiều năm này"- Thomson nói thêm.

Việc chuyển lợi nhuận sang các nước có thuế thấp là một thông lệ thường xuyên của các công ty quốc tế và quyết định của thẩm phán trong trường hợp này được coi là một hồi chuông cảnh báo cho chiến thuật đó sẽ trở nên kém hiệu quả.

Facebook là công ty bán quảng cáo trực tuyến lớn thứ hai thế giới chỉ sau Google. Số người dùng hàng tháng của mạng xã hội này đã tăng 8% lên 2,5 tỷ trong quý IV, trong khi 2,9 tỷ người đã sử dụng một trong các ứng dụng của Faecbook như Facebook, WhatsApp, Instagram hoặc Messenger mỗi tháng.

Nếu IRS thắng thế, Facebook sẽ phải đối mặt với khoản nợ thuế liên bang bổ sung lên tới 9 tỷ USD, cộng với tiền lãi và bất kỳ hình phạt nào.

Ailen không tính thuế trên phí nhượng quyền các tài sản sở hữu trí tuệ trong vòng 15 năm đầu tiên hoặc vòng đời hữu ích của tài sản, tín dụng thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng lên tới 25%, hoàn toàn phù hợp với mô hình hoạt động của các công ty công nghệ.

Bởi những cơ chế này, G20 đang xem xét 2 hướng giải quyết để “vá lỗ hổng” trong các quy định thuế. Một giao dịch sẽ được đánh thuế dựa trên nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ ngay cả khi các công ty không có văn phòng ở đó.

Việc “né thuế” của các công ty đa quốc gia Mỹ đã là chuyện như “cơm bữa”. Theo phân tích của Công ty tư vấn tài chính Standard & Poor’s, trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, thuế suất thực tế (tỷ lệ thuế đóng trên lợi nhuận) chi trả tại Mỹ của 500 công ty có giá trị cao nhất là 27%.

Tuy nhiên, Apple chỉ đóng thuế bằng 17% lợi nhuận, Alphabet (công ty mẹ của Google) trả 16%, Amazon trả 13%. Con số này ở Facebook thậm chí còn thấp hơn, chỉ vỏn vẹn 3,8%. The Guardian nhận định: “Các đại gia công nghệ lớn đang định hình lại xã hội và nền kinh tế toàn cầu, nhưng những đóng góp ít ỏi của họ chưa đủ để giúp các chính phủ thích nghi”.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/so-thue-vu-my-so-gay-facebook-166999.html