Số tiền cần có để ra sống riêng tại các quốc gia khác nhau

Nếu dành 30% thu nhập tháng để thuê nhà, người Mỹ cần kiếm tối thiểu 3.000 USD/tháng. Trong khi đó, ở Việt Nam, khi có 7 triệu đồng, người trẻ có thể cân nhắc chuyển ra riêng.

"Quy tắc 30%" được nhiều người trên khắp thế giới áp dụng cho việc thuê nhà. Theo đó, một cá nhân không nên tiêu tốn quá 1/3 thu nhập hàng tháng để chi trả cho nơi ở.

Các hướng dẫn của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ cũng đề xuất quy tắc nêu trên, coi đây như một tiêu chuẩn về khả năng chi trả của người thuê nhà.

Vậy, nếu áp dụng quy tắc 30%, người trẻ ở một số quốc gia cần có thu nhập ra sao để có thể ở riêng, sinh hoạt độc lập với gia đình?

Mỹ

Theo số liệu từ Earnest vào tháng 11/2021, giá thuê nhà trung bình tại Mỹ là 1.249 USD/tháng (tương đương hơn 29 triệu đồng).

Tại một số bang như California hoặc Hawaii, mức chi phí này còn lên đến 1.900 USD/tháng (tương đương hơn 44 triệu đồng).

Như vậy, để có thể chuyển ra ở riêng, người trẻ tại Mỹ cần có thu nhập tháng tối thiểu 3.000-3.500 USD (tương đương 70-82 triệu đồng).

Tây Ban Nha

Tại Tây Ban Nha, số liệu vào tháng 12/2021 của Epdata cho thấy giá thuê nhà trung bình rơi vào khoảng 674 euro/tháng (tương đương 16 triệu đồng).

Tại một số vùng ngoại ô, thành phố nhỏ, mức giá thuê thông thường ở mức 336 euro/tháng (tương đương gần 8 triệu đồng). Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng thuê căn hộ tại thủ đô Madrid hay các đô thị lớn như Barcelona, giá thuê nhà trung bình lên đến 800 euro/căn/tháng (tương đương gần 19 triệu đồng).

Do đó, nếu có ý định sống riêng so với gia đình và đảm bảo sinh hoạt thoải mái, người trẻ xứ sở bò tót cần có thu nhập tháng tối thiểu 1.500-2.000 euro (tương đương 35-47 triệu đồng).

 Nhiều người áp dụng quy tắc 30% khi thuê nhà, sinh sống độc lập với gia đình.

Nhiều người áp dụng quy tắc 30% khi thuê nhà, sinh sống độc lập với gia đình.

Nhật Bản

Xứ sở hoa anh đào nằm trong danh sách những đất nước có chi phí thuê nhà đắt đỏ nhất thế giới.

Theo Japan-guide, giá thuê nhà tại các quận đắc địa tại Tokyo lên tới 100.000 yen (tương đương 17 triệu đồng) cho một căn hộ rộng 20-40 m2.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn thuê căn hộ cùng diện tích ở khu vực ngoại thành, người trẻ chỉ cần chi trả 50.000-70.000 yen (tương đương 8-12 triệu đồng).

Như vậy, đối với người trẻ Nhật Bản, để chi trả cho một cuộc sống độc lập thoải mái, họ phải kiếm ít nhất 150.000-300.000 yen/tháng (tương đương 26-52 triệu đồng).

Việt Nam

Trong khi đó, tại Việt Nam, chi phí thuê nhà trọ ở một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM được đánh giá là khá rẻ so với thế giới.

Thông thường, người trẻ cần chi trả khoảng 2 triệu đồng đã có thể thuê một căn phòng trọ chất lượng trung bình thấp. Tuy nhiên, nếu mong muốn thuê căn hộ nhỏ với nội thất, mức giá trung bình dao động 5-8 triệu đồng.

Từ đó, nếu áp dụng quy tắc 30%, người trẻ Việt Nam cần có thu nhập tháng tối thiểu 7-25 triệu đồng để thuê nhà riêng và cân đối chi tiêu phù hợp.

Việt Nam được đánh giá có mức chi phí thuê nhà khá thấp so với thế giới.

Quy tắc 30% được nhiều người áp dụng khi thuê nhà. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng phương châm này mang nhiều bất cập.

Thứ nhất, quy tắc không tính đến lạm phát, trì trệ thu nhập hoặc giá thuê nhà tăng.

Thứ 2, quy tắc không được cá nhân hóa cho hoàn cảnh của từng người.

Ví dụ, quy tắc không tính đến khoản vay sinh viên hoặc khoản nợ thẻ tín dụng mà nhiều người trẻ phải gánh; cũng không xem xét số tiền họ kiếm được, mức thuế phải trả, mục tiêu tài chính hoặc khả năng chi trả của thị trường bất động sản địa phương.

Cuốn sách "All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan" của tác giả Elizabeth Warren giới thiệu một quy tắc chi tiêu được cho là tối ưu hơn: 50/30/20.

Quy tắc này cho thấy cá nhân cần chia nhỏ tổng thu nhập sau thuế theo tỷ lệ phần trăm như sau:

- 50% chi phí thiết yếu: Những khoản tiền duy trì sinh hoạt như thuê nhà, ăn uống, điện nước, đi lại,...

- 20% mục tiêu tài chính: Tiết kiệm tiền cho mục tiêu cụ thể như trả nợ, kết hôn, mua nhà, đầu tư; hoặc tích lũy quỹ dự phòng khẩn cấp.

- 30% tiêu dùng cá nhân: Các khoản chi phục vụ nhu cầu giải trí, học tập, mua sắm, xã giao,...

Như vậy, theo quy tắc trên, tiền nhà nằm trong khoản 50% chi phí thiết yếu.

Ví dụ, thu nhập của của bạn là 10 triệu đồng, bạn có thể dành 5 triệu đồng cho việc thuê nhà, ăn uống, điện nước và đi lại.

Từ đây, bạn có thể cân nhắc xem mình nên chi bao nhiêu % của 5 triệu đồng cho việc thuê nhà.

Đỗ Minh

Ảnh minh họa: Pexels.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-tien-can-co-de-ra-song-rieng-tai-cac-quoc-gia-khac-nhau-post1337932.html