Số vaccine COVAX gửi cho Anh trong tháng 6 gấp đôi toàn bộ châu Phi

Nhiều nước giàu mua tích trữ vaccine từ cơ chế COVAX khiến các nước nghèo gặp thêm khó khăn trong việc tiếp cận và triển khai tiêm chủng cho người dân.

Vào cuối tháng 6, cơ chế COVAX đã gửi khoảng 530.000 liều vaccine tới Anh - nhiều hơn gấp đôi số lượng được gửi trong cùng tháng tới toàn bộ châu Phi.

Các quốc gia giàu có khác như Qatar, Bahrain và Saudi Arabia gần đây cũng nhận thêm lô vaccine thông qua COVAX, mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và nhiều nguồn khác để mua mặt hàng này.

Bất chấp đã có một lượng lớn vaccine, nhiều nước giàu có vẫn tiếp tục khai thác nguồn vaccine từ cơ chế COVAX giữa lúc hàng tỷ người ở nước nghèo chưa được tiêm chủng, AP đưa tin.

Kết quả là các quốc gia nghèo đang rơi vào tình trạng mà cơ chế COVAX được lập ra để tránh khỏi: phụ thuộc vào khoản quyên góp của nước giàu và “xếp hàng" cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch.

Tình thế càng trở nên khó khăn khi nhiều nước phát triển không muốn quyên góp thêm vaccine vì bận tiêm mũi tăng cường cho người dân của họ.

Người phụ nữ tiêm vaccine AstraZeneca ở Nairobi, Kenya. Ảnh: AP.

Các nước giàu đang cố gắng thu lợi

Giới chức Anh xác nhận nước này đã nhận được khoảng 539.000 liều vaccine vào cuối tháng 6 và có các lựa chọn để mua thêm 27 triệu mũi thông qua COVAX.

Trong khi đó, Venezuela vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vaccine nào từ cơ chế COVAX. Haiti nhận được ít hơn một nửa so với những gì họ được phân bổ, Syria khoảng 1/10.

Một số quan chức cho biết thêm nhiều lô vaccine thậm chí không được gửi đi vì các quốc gia nghèo khác chưa có kế hoạch phân phối chúng.

Giữa lúc vấp phải nhiều tranh cãi, Anh giải thích COVAX là cơ chế để tất cả quốc gia có được vaccine, không chỉ những nước cần được viện trợ.

Tuy nhiên, ông Brook Baker, giáo sư tại Đại học Northeastern, nhận định thật vô lương tâm khi các nước giàu nhúng tay vào nguồn cung vaccine COVAX, giữa lúc hơn 90 quốc gia đang phát triển hầu như không được tiếp cận.

Mặc dù số lượng vaccine mà các nước giàu như Anh mua thông qua cơ chế này là tương đối ít, nhưng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu hạn chế như hiện nay, điều đó đồng nghĩa số lượng vaccine được gửi đến các nước nghèo sẽ giảm xuống.

Trước đó, vào tháng 4, nhà cung cấp lớn nhất của COVAX, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã ngừng chia sẻ vaccine để tập trung đối phó với tình hình dịch bệnh trong nước.

Nhiều nước nghèo khó tiếp cận sớm vaccine khi các nước giàu có mua tích trữ. Ảnh: AP.

Gần đây, COVAX - được điều hành bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh vaccine (Gavi) và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng vì Dịch bệnh (Cepi) - đã kêu gọi các quốc gia giàu có phân phối thêm vaccine viện trợ đến các nước nghèo thông qua hệ thống của COVAX, ông Baker nói.

Nhưng nỗ lực này gặp khó khăn khi một số quốc gia tập trung nhiều hơn vào lợi ích chính trị thông qua các cuộc giao dịch riêng.

“Các nước giàu đang cố gắng thu được lợi ích địa chính trị từ việc chia sẻ vaccine song phương”, ông Baker lưu ý thêm.

Gần đây, Canada đã bị chỉ trích vì nhận các lô hàng COVAX đến nỗi nước này phải tuyên bố sẽ không yêu cầu các lô hàng bổ sung.

Các khoản quyên góp không đủ

Theo AP, khoản viện trợ nhận được từ các nước giàu vẫn còn khá khiêm tốn so với những gì mà họ cam kết.

Tiến sĩ Christian Happi, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nigeria, cho biết khoản quyên góp từ nước giàu vừa không đủ vừa không đáng tin cậy.

“Đặc biệt là khi họ không chỉ khai thác hầu hết nguồn cung vaccine trên thế giới mà còn chuyển sang tiêm chủng cho trẻ em và xem xét việc tiêm nhắc lại”, ông nhấn mạnh.

Ông Happi kêu gọi châu Phi, nơi mới chỉ có 1,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, tăng cường sản xuất vaccine của riêng mình thay vì dựa vào COVAX.

“Chúng tôi không thể chỉ ngồi đợi họ đưa ra giải pháp”, ông nói.

Trong cuộc họp vào cuối tháng 6, giới chức y tế COVAX thừa nhận họ đã không đạt được sự phân phối công bằng. Nhưng họ vẫn quyết định không ngăn chặn việc các nước tài trợ tự mua nguồn cung cấp.

Một trong số lý do được đưa ra là rủi ro tiềm tàng đối với bảng cân đối kế toán của tổ chức. Trong năm 2020, chỉ riêng nước Anh đã trao hơn 860 triệu USD cho COVAX.

Nếu không có sự tham gia của các nước giàu vào COVAX, Gavi cho biết “sẽ rất khó để đảm bảo các giao dịch với một số nhà sản xuất”.

Bản ghi từ cuộc họp từ tháng 6 cũng cho thấy Gavi đã sửa đổi kế hoạch ban đầu của COVAX để chia đều vaccine giữa các nước giàu và nghèo, đồng thời đề xuất các nước nghèo sẽ nhận được khoảng 75% liều vaccine Covid-19 trong tương lai.

Một nhân viên y tế đang tiêm vaccine Moderna tại Bệnh viện Saint Damien ở Port-au-Prince, Haiti. Ảnh: AP.

Việc quyên góp vaccine càng trở nên phức tạp hơn khi nó trở thành một yếu tố trong cuộc đua chính trị.

Trung Quốc đã xuất khẩu 770 triệu liều vaccine và tuần trước công bố mục tiêu gửi 2 tỷ liều đến các nơi trên thế giới vào cuối năm - đúng bằng số lượng kế hoạch ban đầu của COVAX.

Theo AP, trên thực tế, con số này còn vượt xa so với số vaccine đang được viện trợ hiện nay. Anh mới chỉ giao 4,7 triệu liều trong số 30 triệu đã cam kết, và Liên minh châu Âu viện trợ 55 triệu liều khác thông qua COVAX.

Strive Masiyiwa, đặc phái viên của Liên minh châu Phi về mua sắm vaccine Covid-19, chia sẻ: “Nếu các nước tài trợ không đưa ra thêm, người dân chúng tôi sẽ tiếp tục chết”.

Cho đến nay, Mỹ đã viện trợ 111 triệu liều vaccine, ít hơn một nửa so với những gì Mỹ cam kết trước đó.

Hôm 11/4, một số nhà lập pháp nước này còn tranh luận có nên nắm bắt cơ hội ngoại giao thông qua những liều vaccine được viện trợ ra nước ngoài.

“Tôi nghĩ chúng ta nên cung cấp vaccine khắp Trung Đông, nhưng tôi cũng nghĩ rằng chúng ta nên gắn cờ Mỹ trên mỗi lọ thuốc”, Hạ nghị sĩ Juan Vargas cho biết.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-vaccine-covax-gui-cho-anh-trong-thang-6-gap-doi-toan-bo-chau-phi-post1251178.html