Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc tự ý cấp phép biểu diễn dù tác giả không đồng ý

Sở VHTTDL Vĩnh Phúc sẽ chịu trách nhiệm liên đới khi cấp phép cho chương trình 'Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu VN' sử dụng bài 'Sống như những đóa hoa'.

Ngày 13/6/2019, Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019” cho Cty CP XNK ô tô Ngọc Minh (văn bản số 551) gồm hai tiết mục: “Sống như những đóa hoa” của Tạ Quang Thắng và “Thương hiệu Việt Nam” của Phạm Đăng Lương.

Sau khi biết thông tin, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng đã lên tiếng, khẳng định anh không tham gia biểu diễn ở chương trình này cũng như không đồng ý để “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” được sử dụng ca khúc của mình.

Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc tự ý cấp phép biểu diễn ca khúc "Sống như những đóa hoa" tại chương trình "Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019"

Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc tự ý cấp phép biểu diễn ca khúc "Sống như những đóa hoa" tại chương trình "Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019"

Ca sĩ – nhạc sĩ Tạ Quang Thắng cho biết: “Tôi xin đính chính là tôi không tham gia hát ở show đấy. Chỉ có người gửi email xin phép sử dụng bài hát tôi sáng tác nhưng quản lý của tôi cũng đã trả lời là không đồng ý rồi”.

Theo Bộ phận pháp chế của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), trước đây, muốn được cấp phép biểu diễn, đơn vị tổ chức phải gửi kèm theo hồ sơ xin cấp phép văn bản thỏa thuận với người đang nắm quyền sở hữu bài hát. Tuy nhiên, theo Nghị định 142 mới đây, yêu cầu này không còn, rất dễ dẫn đến hệ lụy không mong muốn.

Trong trường hợp của Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc, dù hồ sơ của đơn vị tổ chức gửi lên không kèm theo thỏa thuận với tác giả ca khúc nhưng Sở vẫn cấp phép biểu diễn cho chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019”, như vậy là vi phạm quyền và ý nguyện của tác giả.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc trong vụ việc này, Bộ phận pháp chế của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết: “Bài hát là tài sản riêng của tác giả, không phải của cơ quan cấp phép. Nếu các cơ quan quản lý tự động cấp phép các tác phẩm của các tác giả (tài sản riêng), khi có hệ lụy xảy ra thì đơn vị cấp phép sẽ chịu trách nhiệm liên đới trước tòa”.

Nhạc sĩ Tạ Quang Thắng.

Bộ phận pháp chế của VCPMC cũng cho biết thêm, theo yêu cầu của các tác giả trong nước và quốc tế, VCPMC cũng đã ủy quyền cho luật sư soạn thảo văn bản và gửi tới các cơ quan quản lý, Cục Nghệ thuật biểu diễn, 63 Sở VH-TT, Sở VH-TT&DL cả nước: không được tùy tiện cấp phép khi chưa có ý kiến tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, vì đây là tài sản riêng của tác giả chứ không phải của Nhà nước mà cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực biểu diễn tùy tiện tự động cấp phép (chưa nói đến ca khúc đã bán độc quyền, người khác không được sử dụng). Trong trường hợp tác giả kiện, đơn vị cấp phép sẽ phải chịu trách nhiệm trước tòa.

Song, việc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền cũng không đạt hiệu quả, thời gian kéo dài, chi phí tốn kém. Trong số 8 vụ việc VCMPC khởi kiện ra Tòa án (tính riêng lĩnh vực biểu diễn) thời gian qua, đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử. Trong đó có những liveshow đình đám như Quang Hà "Trăm năm không quên" (Công ty Cổ phần Truyền thông Show Thăng Long Việt Nam), “Khánh Ly - Như một lời chia tay” (Công ty Cổ phần Bờ Biển Vàng), “Câu chuyện Bằng Kiều” (Công ty CP Truyền thông Max)...

Cũng theo thống kê của VCPMC, trong thời gian vừa qua, số lượng chương trình biểu diễn có hành vi xâm phạm quyền tác giả lên tới con số hàng trăm chương trình (chỉ tính riêng các chương trình quy mô lớn mà VCPMC phát hiện được). Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên thực tế thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn theo VCPMC là bởi tình trạng các vụ vi phạm xảy ra tràn lan, thách thức và hết sức tinh vi khiến cho việc xử lý, “hậu kiểm” chưa thể đáp ứng kịp thời và giải quyết dứt điểm.

“Thực tế cho thấy, dù có áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật, thì với thực trạng vi phạm về quyền tác giả hiện nay, các biện pháp xử lý vi phạm đều rất khó để ngăn ngừa hành vi xâm phạm, khó tác động kịp thời đến nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc; trường hợp vụ việc nếu được giải quyết xong và bên vi phạm đã bồi thường thiệt hại thì quyền tác giả cũng đã bị xâm phạm, hậu quả đã xảy ra và những tổn thương tinh thần của tác giả khó có thể bù đắp” – phía VCPMC bày tỏ.

Qua vụ việc của Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc tự ý cấp phép biểu diễn bài hát của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng, cũng như hàng loạt những vi phạm khác, VCPMC đề xuất Chính phủ, Bộ VH-TT&DL xem xét lại sự bất cập, hệ lụy và những thiệt hại đối với tác giả, người sáng tạo từ việc hủy bỏ quy định về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP (quy định hồ sơ xin cấp phép phải có văn bản thỏa thuận được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả - PV).

VCPMC cho rằng, cần thiết phải có quy định rõ, cụ thể về thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và giấy phép phê duyệt nội dung sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn tại Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn dưới các định dạng khác nhau./.

Thanh Vân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/so-vhttdl-vinh-phuc-tu-y-cap-phep-bieu-dien-du-tac-gia-khong-dong-y-932466.vov