Sợ 'virus Vũ Hán', người Vĩnh Phúc bị kỳ thị từ nhà nghỉ tới cả bệnh viện

Nỗi sợ hãi 'đại dịch virus Vũ Hán' đã khiến nhiều người Việt trở nên thận trọng quá mức, thậm chí tạo làn sóng kỳ thị với Vĩnh Phúc - nơi có 1 xã đang bị cách ly để đề phòng sự lây lan của Covid-19.

Ngày 12/2, Chính phủ quyết định chính thức cách ly xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc do số ca nhiễm Covid-19 lên đến 11 người.

Khoanh vùng nguy cơ để cách ly, cũng có nghĩa là những những nguy cơ lây lan tiềm ẩn về căn bệnh do Covid-19 gây ra đã được hạn chế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không yên tâm, lo sợ thái quá, dẫn đến kì thị với người dân Vĩnh Phúc.

Cách Vĩnh Phúc 40 km, một khách sạn tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã trưng ra tấm bảng không nhận khách Vĩnh Phúc.

Tấm ảnh được đăng tải lên các trang mạng xã hội, gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng. Hầu hết người dân Việt Nam nói chung và người Vĩnh phúc nói riêng đều thấy tổn thương khi bị chính người Việt kì thị xa lánh, bởi vậy, khách sạn trên cũng thu về không ít "gạch đá" từ cộng đồng mạng.

 Hình ảnh khách sạn tại Trần Duy Hưng treo biển không tiếp khách Vĩnh Phúc.

Hình ảnh khách sạn tại Trần Duy Hưng treo biển không tiếp khách Vĩnh Phúc.

Khi hình ảnh này được đăng tải, đã có hàng trăm tài khoản cá nhân chia sẻ, đồng thời kêu gọi nhau “ném đá”, tẩy chay, đánh giá một sao khách sạn trên. Theo đó là hàng loạt bình luận cùng quan điểm cho rằng, hiện tại, một số bộ phận người Việt đã kì thị người dân Vĩnh Phúc quá đà khi gọi đó là "ổ dịch" hay "Vũ Hán thu nhỏ" và cho rằng dù không ở Vĩnh Phúc nhưng là người gốc Vĩnh Phúc cũng mặc nhiên ..."mắc bệnh".

Không chỉ những người dân làm ăn buôn bán, tiếp xúc với hàng ngàn khách hàng có suy nghĩ "phòng bị kĩ lưỡng" mà ngay đến cả tổ trưởng tổ dân phố cũng dặn dò kĩ lưỡng các thành viên trong tổ dân phố mình.

Chị Ánh Nguyệt (Dịch Vọng) cho biết từ sáng sớm, tổ trưởng tổ dân phố đã đến gõ cửa từng nhà để nhắc nhở về phòng chống dịch Covid-19, cùng với đó là nhắc nhở tất cả mọi người không tiếp xúc với khu Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và cả những người đi-về 2 vùng trên: "Tôi nghe mà sợ, đến diễn thuyết một bài dài trước cửa nhà chúng tôi. Tra hỏi xem quê quán của tôi ở đâu và "hỏi thăm" xem lịch trình gần đây của chúng tôi đi những nơi nào. Khi nghe tôi trả lời quê ở Nam Định và từ tết chưa đi đâu khỏi Hà Nội thì cô tổ trưởng mới yên tâm ra về."

Tổ trưởng tổ dân phố Dịch Vọng đến tận nhà từng gia đình nhắc nhở không tiếp xúc với những ai có liên quan đến khu Vĩnh Phúc.

Trước đó, cộng đồng mạng được dịp hoang mang khi báo cáo của TYT xã Điện Thắng Bắc (Thị xã ĐIện Bàn - Quảng Nam) dùng từ "4 đối tượng" để chỉ 4 người đến từ huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc tạm trú ở Quảng Nam.

Sau khi văn bản này được đăng tải lên một vài diễn đàn trên facebook, cách dùng từ "đối tượng" để chỉ 4 người từ Vĩnh Phúc trong văn bản này trở nên thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người đồng quan điểm với TYT xã và cho rằng làm như vậy là cẩn trọng để đề phòng dịch bệnh. Trong khi đó, một số người lên tiếng bày tỏ việc dùng từ "đối tượng" là chưa phù hợp.

Văn bản của TYT xã dùng từ "đối tượng" để chỉ 4 người đến từ tỉnh Vĩnh Phúc.

Mới đây, một tài khoản mạng xã hội facebook cũng đã đăng dòng trạng thái khá bức xúc khi một bệnh viện mang danh "Bệnh viện quốc tế" khá lớn ở Hà Nội đã từ chối một ca đẻ, chỉ vì thai phụ đến từ tỉnh Vĩnh Phúc. Được biết, thai phụ này đã có hợp đồng sinh con trọn gói tại đây, nhưng vẫn bị bệnh viện từ chối phũ phàng, khiến dư luận phẫn nộ.

Tài khoản này cho biết, thai phụ được 'chỉ định mổ cấp cứu", nhưng đến phút cuối, bị đuổi về vì "là người Vĩnh Phúc".

Cũng liên quan đến câu chuyện kỳ thị người Vĩnh Phúc, tài khoản Nguyễn Minh Phương chia sẻ: "Em đây Vĩnh Phúc mà đến đứa công ty không dám cầm tờ tiền từ túi của em. Ra ngân hàng, nhân viên đang hướng dẫn nhiệt tình thấy ghi Vĩnh Phúc cũng tự "lặn" luôn."

Thậm chí có một tài khoản không phải người dân Vĩnh Phúc cũng thấy chạnh lòng thay cho họ khi được người khác yêu cầu chăng biển "cấm người Vĩnh Phúc": "Sao mọi người lại có thể hoang mang đến mức đó chứ, nhà em vẫn dùng khẩu trang vải lâu nay và vẫn rửa tay sạch sẽ, hàng xóm lại sang nói sợ lây cho khách hàng vì em không treo biển "không tiếp người Vĩnh Phúc."

Vẫn biết mọi người đang thực hiện phòng bệnh cho chính mình cũng là cho xã hội, tuy nhiên, chỉ từ một lời nói đến hành vi "phòng hộ" quá đà của vài người vô tình dẫn đến sự miệt thị chính đồng bào của chúng ta thay vì thông cảm, giúp đỡ họ trong giai đoạn khó khăn này.

Có rất nhiều cách hành xử khéo léo trong giao tiếp để tránh gây tổn thương, tránh dồn người khác vào tuyệt vọng. Hi vọng rằng mỗi người sẽ nhìn nhận sự việc một cách công bằng hơn với người dân Vĩnh Phúc, dù là người trong vòng cách ly hay người xa quê nơi đất khách, họ đều là những nạn nhân của dịch bệnh, những người đang cần sự giúp đỡ, động viên từ đồng bào.

Hương Giang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/so-virus-vu-han-nguoi-vinh-phuc-bi-ky-thi-tu-nha-nghi-toi-ca-benh-vien-494230.html