Sốc: Hàng không Pakistan có phi công chưa thi đỗ đại học

Trong số 16 phi công Pakistan bị đình chỉ vì dùng giấy phép lái máy bay giả mạo năm 2019, có tới 5 phi công thậm chí còn chưa thi đỗ đại học.

PIA là gì?

Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) là hãng hàng không quốc gia của nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan. PIA được thành lập vào năm 1955, khi Orient Airways - một hãng hàng không tư nhân tại địa phương, được Chính phủ Pakistan quốc hữu hóa và sáp nhập với các hãng hàng không khác để thành lập nên hãng hàng không quốc tế của nước này.

Hãng Hàng không quốc tế Pakistan bị phát hiện có hàng chục phi công và thành viên phi hành đoàn sử dụng bằng giả (Ảnh: Thời báo Ấn Độ)

Với các điểm đến tại 20 quốc gia, phi đội máy bay của PIA gồm 33 chiếc, trong đó phải kể tới ATR-42, Airbus 320, Airbus 330 và Boeing B777,... Trong khi không bay tới Hoa Kỳ, hãng hàng không này có 3 điểm đến tại Vương quốc Anh, bao gồm Birmingham, London và Manchester. Thông tin từ trang historyofpia cho hay, các điểm đến tại châu Á và Thái Bình Dương được vận hành bởi hãng này bao gồm Bangkok, Bắc Kinh, Kabul và Kuala Lumpur.

"Tiền sử" phi công chưa thi đỗ đại học

Trong quá trình điều tra vụ tai nạn rơi máy bay Airbus320 ngày 22/5 ở TP Karachi làm 97 người thiệt mạng, các nhà chức trách đã phát hiện ra một số lượng lớn phi công dùng bằng lái máy bay giả để hành nghề.

Theo lời Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan xác nhận ngày 24/6 vừa qua, có tới 262 người trong tổng số 860 phi công ở nước này đã sử dụng giấy phép lái máy bay giả mạo. Cụ thể, họ dùng tiền thuê người thi hộ trong các cuộc thi sát hạch để cấp bằng lái máy bay. Bộ trưởng Khan cho biết, hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) đã đình chỉ toàn bộ số phi công dùng bằng giả ngay khi sự việc bị phát giác.

Trước đó, hồi tháng 1/2019, chính quyền Pakistan đã đình chỉ tất cả 16 phi công và 65 thành viên phi hành đoàn của các hãng hàng không trong nước vì sử dụng bằng giả.

5 phi công Pakistan bị phát hiện chưa thi đỗ đại học.

Vụ kiện bằng giả bắt đầu từ tháng 1/2018 và được cho là một trong những vụ bê bối bằng giả lớn nhất trên thế giới bị phanh phui. Các nhà điều tra phải mất gần một năm để chứng thực bằng cấp của các nhân viên hàng không và cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự bất hợp tác của chính các đối tượng bị tố cáo. Các trường đại học cũng chậm chạp trong việc xác minh độ tin cậy của những tấm bằng.

Kết quả điều tra cho thấy, trong số 16 phi công bị đình chỉ, 5 phi công thậm chí còn chưa vượt qua kỳ thi vào đại học. Theo thời báo Ấn Độ, 5 phi công này còn không đủ điều kiện để lái xe buýt, chứ chưa nói tới lái máy bay.

Bê bối phi công Pakistan dùng bằng giả tưởng chừng đã lắng xuống, nhưng mới đây lại dấy lên sau vụ tai nạn rơi máy bay Airbus320 hồi tháng 5 năm nay. Theo CNN, Pakistan hiện có khoảng 850 phi công đang làm việc cho các hãng hàng không nội địa, trong đó có phi công của PIA và các phi công người nước ngoài.

Tính riêng PIA, hiện có tổng cộng trên 14.000 nhân viên làm việc cho hãng với phi đội gồm hơn 30 máy bay. Cho đến nay, PIA đã vướng phải 10 vụ tai nạn lớn, trong đó có vụ va chạm máy bay trực thăng của quân đội Pakistan năm 2015 tại một thung lũng hẻo lánh gần thành phố Gilgit khiến 8 người thiệt mạng.

Tháng 12/2016, máy bay ATR-42 của PIA gặp sự cố trên đường từ Chitral đến Islamabad, cướp đi sinh mạng của tất cả 48 hành khách và phi hành đoàn, bao gồm cả ca sĩ kiêm nhà truyền giáo Junaid Jamshed.

Gần đây nhất, tháng 5/2020, một chiếc Airbus A320 của PIA gặp nạn gần sân bay Karachi trong khi sắp hoàn tất hành trình từ thành phố Lahore. Tổng cộng có 91 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đã lên máy bay, trong đó chỉ có 2 người may mắn sống sót.

Quốc Bảo

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/soc-hang-khong-pakistan-co-phi-cong-chua-thi-do-dai-hoc-a328898.html