Sóc Sơn khai phá tiềm năng của sản phẩm OCOP

Huyện Sóc Sơn hiện có hơn 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 4.500ha đất lâm nghiệp; 112 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động nhiều ngành nghề, loại hình; 3.447 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2 làng nghề truyền thống...

Đây là tiềm năng lớn để huyện phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm nước xì dầu 2S đậu đen - ngưu bàng của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Hoàng Sơn

Để phát huy tiềm năng, lợi thế này vào triển khai Chương trình OCOP, từ năm 2020 đến nay, huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 500 lượt cán bộ xã, thị trấn, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ chi phí tư vấn hồ sơ minh chứng, thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm và các chương trình marketing sản phẩm. Các chủ thể có sản phẩm cũng được huyện kết nối tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, như: www.socsonshop và fanpage “SS.Shoping”… Nhờ đó, đến quý I-2024, huyện Sóc Sơn đã xây dựng được 125 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện Sóc Sơn đã khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Một số sản phẩm OCOP 4 sao có doanh thu tăng trung bình 20%/năm so với trước đó và có sản phẩm tăng tới 50-70%, như: Tranh gạo Vân Quân, giò chả Chín Tráng Tân Dân, mật ong hoa rừng Cô Nụ Phù Linh... Không những vậy, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện còn tạo việc làm cho gần 300 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, thấy được hiệu quả của Chương trình OCOP, ngay từ đầu năm 2024, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có sản phẩm mới đã đăng ký tham gia. Phòng Kinh tế huyện đã hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ 50 chủ thể thay đổi tư duy sản xuất, cách thức phát triển sản phẩm trong tình hình mới. Đặc biệt, Phòng Kinh tế huyện đã hỗ trợ Hợp tác xã Dược liệu Hòa Phát (xã Xuân Giang) và Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (xã Bắc Sơn) hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP chất lượng cao, như: Trà ướp sen, trà thảo mộc, trà ướp hoa, trà hoa vàng Hakoda và nước xì dầu 2S đậu đen - ngưu bàng.

“Qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi đánh giá những sản phẩm trên có nguồn gốc thiên nhiên, vùng nguyên liệu trồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, được chuyên gia Nhật Bản và các viện nghiên cứu ở Việt Nam đánh giá cao về chất lượng, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP 5 sao mang thương hiệu Sóc Sơn”, bà Hoàng Thị Hà thông tin.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, để phát triển 200 sản phẩm OCOP vào năm 2025 và xây dựng được Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, huyện Sóc Sơn đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, người dân và các chủ thể. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội và các sở, ngành của thành phố đưa sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, tuần hàng xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Huyện cũng phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại điện tử và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…, từ đó tạo động lực, thu hút các chủ thể đồng hành cùng Chương trình OCOP của huyện.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/soc-son-khai-pha-tiem-nang-cua-san-pham-ocop-665080.html