Sóc Trăng công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Ngày 9/10, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề 'Tiềm năng và khát vọng'.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Nguồn: VGP.

Đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL

Tại Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 11 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 995 ngày 25/8/2023) cho ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Sóc Trăng trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Ngày 25/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995 phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%; có 80/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; Là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; Các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

"Đây là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về "phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đồng thời, gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, khắc phục những hạn chế chồng chéo với các quy hoạch trước đây", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định.

Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển như: Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, nông, lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, cảng cá, cảng biển, dịch vụ cảng biển, vận tải biển (nhất là sau khi có cảng Trần Đề); Có tiềm năng phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…). Đồng thời, tỉnh là một đầu mối giao thông quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. Nguồn: VGP.

Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Trong khi đó, mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tỉnh là đến năm 2030, phấn đấu đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Trong đó, đột phá phát triển về đầu tư kết cấu hạ tầng; Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực, để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát triển nguồn nhân lực, gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành tiềm năng, tạo đột phá phát triển. Tập trung thực hiện các phương án phát triển, gắn với 3 trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ - du lịch.

Phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt, cửa ngõ vùng ĐBSCL

Bên cạnh đó, quan tâm khai thác các ngành kinh tế tiềm năng khác như: Năng lượng, cảng biển, logistics, đô thị, chuyển đổi số... Quan tâm đầu tư phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Mặt khác, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại tỉnh.

Để sớm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh là đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và một trong những cửa ngõ của vùng, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tập trung khẩn trương rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua vào các quy hoạch ngành quốc gia, vùng và tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của các địa phương theo nhiệm vụ được phân công.

Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo không gian và động lực tăng trưởng mới. Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư để tăng tốc phục hồi và phát triển.

Tỉnh Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên hơn 3.311 km2, đứng thứ 6 trong vùng và có dân số gần 1,2 triệu người, đứng thứ 9 trong vùng, với bờ biển dài hơn 72 km; Nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu với 2 con sông chính là sông Hậu và sông Mỹ Thanh (có 3 cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh), có vị trí cách trung tâm của vùng là TP Cần Thơ khoảng 60km.

Tỉnh có vị trí nằm trên đường giao nhau giữa trục giao thông dọc và giao thông ngang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sóc Trăng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế và là nơi sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn của cả nước; Là nơi nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn; Là địa phương giao thoa văn hóa đặc sắc giữa 3 dân tộc Kinh – Hoa - Khmer. Tỉnh cũng sở hữu nguồn lao động dồi dào, người lao động cần cù, chịu khó; Có sự đa dạng văn hóa lễ hội, chùa chiền.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/soc-trang-cong-bo-quy-hoach-tinh-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-2050-post27846.html