Sóc Trăng: Hiệu quả từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Nhờ tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, thị xã Ngã Năm là địa phương đầu tiên của Sóc Trăng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, gia đình ông Lâm Ợ (ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Quới) thu về hơn 1 tấn lúa tươi mỗi công. Theo ông Ợ, nhờ chọn sản xuất giống lúa đặc sản ST24 nên không chỉ đạt về năng suất mà giá bán cũng khá cao. Thương lái mua tại ruộng 7.100 đồng/kg, trừ hết chi phí ông Ợ còn lời hơn 100 triệu đồng trên diện tích 20 công sản xuất. Ông Ợ cho biết thêm, không chỉ vụ Đông Xuân vừa qua mà gia đình ông cùng nông dân địa phương đã chuyển sang sản xuất lúa đặc sản, cao sản từ nhiều năm qua.

“Tôi làm 20 công, vụ Đông Xuân vừa rồi, tôi làm giống lúa ST24, vừa trúng mùa còn bán được giá cao. Mỗi công như vậy tôi thu hoạch về hơn 1 tấn lúa, thu nhập cũng gần 8 triệu đồng mỗi công”, ông Ợ nói.

Một ruộng lúa ST24 trĩu hạt ở Phường 3, thị xã Ngã Năm

Theo báo cáo của UBND thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, trong nhiều năm qua, mỗi vụ địa phương luôn có khoảng 18.000 hecta diện tích đất sản xuất lúa, trong đó, có đến 65% diện tích sử dụng giống lúa đặc sản, theo đó, trên 55% diện tích sản xuất được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu nên giúp ổn định đầu ra sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận, tạo sự an tâm cho người dân trong sản xuất.

Ngoài cây lúa, thị xã Ngã Năm còn tích cực vận động người dân cải tạo lại các vườn tạp sản xuất không hiệu quả để hình thành các vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái chuyên canh phù hợp với nhu cầu thị trường, có giá trị kinh tế cao. Hiện địa phương có hàng ngàn hecta diện tích trồng cây ăn trái và rau màu; trong đó, nhiều diện tích được áp dụng công nghệ trồng trong nhà lưới, nhà kính, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với chế biến sau thu hoạch từng bước cho hiệu quả cao. Qua đó, đóng góp rất lớn vào giá trị sản xuất, trên 1 hecta đất nông nghiệp đạt trên 130 triệu đồng, tăng hơn 46 triệu đồng so với năm 2011.

Anh Huỳnh Việt Trung (nông dân ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm) cho biết, anh trồng ổi trên diện tích 3 hecta với hơn 4.000 gốc. Nhờ áp dụng phương pháp trồng ổi sạch, xử lý ra trái và thu hoạch quanh năm, mỗi năm cho thu nhập gia đình gần 1 tỷ đồng.

Vườn ổi sạch của anh Huỳnh Việt Trung (xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, được chuyển đổi từ đất lung phèn)

“Tôi thấy nhu cầu bà con chỉ cần ăn ngon, người ta không tiếc đồng tiền, do đó, tôi phải làm sao cho chất lượng trái ổi ngon, sạch, tới lúc đó có thể tăng giá lên, không phụ thuộc vào thị trường và thương lái”, anh Trung chia sẻ.

Để việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát hiệu quả cao nhất, thị xã Ngã Năm rất quan tâm đầu tư hạ tầng nông nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, toàn thị xã có 64 trạm bơm, 36 thuyền bơm di động, đáp ứng nhu cầu khép kín sản xuất cho 53% diện tích sản xuất tại địa phương. Ngoài ra, Ngã Năm còn đầu tư thêm 71 máy bơm dầu chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất ở những khu vực chưa có trạm bơm.

Có thể thấy, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng phát triển ngày càng vững mạnh. Nhất là việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, triển khai thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu, sản xuất lúa đặc sản, cao sản, mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi số lượng lớn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của nông dân trong đa dạng hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Bí thư Thị ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ngã Năm cho biết, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để hướng tới sản xuất bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.

“Tập trung đổi mới tư duy trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững. Phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn, bền vững gắn với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Thứ cho biết thêm.

Hiệu quả từ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần giúp thị xã Ngã Năm trở thành địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là cách làm hay mà các địa phương khác trong tỉnh nghiên cứu để áp dụng./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/soc-trang-hieu-qua-tu-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-1067244.vov