Sóc Trăng lắp camera 'bảo vệ' lãnh đạo: Cách biệt, xa dân (?!)

'Bây giờ nhiều cán bộ lãnh đạo kín cổng cao tường lắm, nhiều chuyện lắm. Tại sao anh lại có cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài? Môi trường thân thiện, gần gũi giữa cán bộ với người dân là quan trọng nhất. Không nên dùng biện pháp an ninh làm gì, trừ trường hợp đặc biệt', đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nói.

Dư luận gây xôn xao trước việc lắp camera tại nhà riêng các lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh zing

Dư luận gây xôn xao trước việc lắp camera tại nhà riêng các lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ảnh zing

Cán bộ “kín cổng cao tường”

Mấy ngày qua, báo chí và công luận một lần nữa lại hướng về tỉnh nghèo Sóc Trăng, khi địa phương này vừa mạnh tay chi gần tỷ đồng ngân sách dự phòng để lắp camera an ninh cho nhà riêng 16 lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Lấy tiền ngân sách trang bị camera như vậy có đúng luật không? Việc làm này liệu có phải quan liêu, xa dân không? Tỉnh nào, địa phương nào cũng “lo” cho cán bộ như Sóc Trăng, liệu ngân sách nào kham nổi?... Hàng loạt những vấn đề bất cập được dư luận và các đại biểu Quốc hội đặt ra xoay quanh sự việc này.

Lý giải về việc này trên báo chí, Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc “gắn camera ở đây là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhìn nhần, có thể việc lắp camera cho nhà riêng các lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng là biện pháp bảo vệ của công an tỉnh do địa bàn phức tạp, nên công an tỉnh phải giải trình việc này.

“Trước tiên phải bắt đầu từ quyết định của họ. Cơ quan nào thẩm định, cơ quan nào duyệt, có đúng quy định bảo vệ nội bộ không, hay nằm ngoài quy định? Những yếu nhân quốc gia gồm những ai? Cấp trung ương là ai, cấp tỉnh là ai? Phải có một cơ quan xem xét, quyết định phạm vi và đối tượng”, ông Kim nêu vấn đề.

Liên quan đến việc dùng tiền ngân sách và chi phí trang thiết bị, đại biểu Kim cho rằng, camera giờ rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, cũng không đáng gì, nhiều gia đình cũng tự lắp đặt. Tuy nhiên, nếu số tiền trang bị cho việc này quá nhiều thì rất có vấn đề, cũng có thể do địa phương “làm linh tinh”. Đặc biệt, dùng tiền ngân sách, dù chỉ một đồng cũng nhất nhất phải tuân theo nguyên tắc tài chính.

Tuy nhiên, nguyên Bí thư Quảng Trị cho rằng, vấn đề ngân sách là một phần, điều quan trọng ở đây là đối tượng, phạm vi được bảo vệ. “Nhà nước này, Đảng này là của nhân dân và vì nhân dân, tại sao anh lại có cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài? Bây giờ nhiều cán bộ lãnh đạo kín cổng cao tường lắm, nhiều chuyện lắm. Môi trường thân thiện, gần gũi giữa cán bộ với người dân là quan trọng nhất. Không nên dùng biện pháp an ninh làm gì, trừ trường hợp đặc biệt, yếu nhân ảnh hưởng đến quốc tế, quốc gia”, ông Kim nói.

Đặc quyền của Sóc Trăng?

Với một tỉnh nghèo như Sóc Trăng mà lại chi tiền tỷ lắp camera “bảo vệ” lãnh đạo chủ chốt như vậy, theo đánh giá của Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng thì địa phương đã tự đặt ra “đặc quyền, đặc lợi” cho mình. Đến ở Trung ương còn chưa có, mà Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thực hiện…

Khẳng định việc này là “không thể chấp nhận”, theo ông Nhưỡng, hiện không có chủ trương nào lại cho phép dùng ngân sách dự phòng của Đảng để gắn camera cho nhà riêng các lãnh đạo tỉnh. Vì vậy, đại biểu đoàn Bến Tre cho đây là sai phạm nghiêm trọng liên quan đến tỉnh.

Từ nhân định trên, đồng thời xâu chuỗi lại hàng loạt những lùm xùm xảy ra tại Sóc Trăng trong thời gian qua, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng còn đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc.

Về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nên vào cuộc hay không, theo ông Vũ Trọng Kim “cái đó thì tùy”, nhưng trước tiên phải để họ giải trình trước dư luận, nếu có vi phạm, thì cơ quan có trách nhiệm xem xét, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách.

Thầy “kỳ lạ” trước việc làm này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, không có quy định nào cho phép dùng ngân sách lắp camera ở nhà riêng lãnh đạo tỉnh. Nếu lãnh đạo bỏ tiền túi ra trang bị camera thì là lẽ thường, còn khi đã dùng ngân sách, dù là ngân sách Đảng hay Nhà nước, cũng đều là của công nên “không được lấy dù chỉ một đồng”.

Kể cả trong trường hợp Sóc Trăng “được quyền và làm đúng”, vậy nếu như tất cả 63 tỉnh, thành, rồi các bộ ngành cũng làm như vậy thì ngân sách có “gánh” được không? “Bảo vệ” các lãnh đạo tỉnh có phải là ưu tiên hàng đầu không trong bối cảnh chúng ta vẫn còn vô vàn vấn đề bức xúc dân sinh khác?

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/soc-trang-lap-camera-bao-ve-lanh-dao-cach-biet-xa-dan-1469726.tpo