Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng hợp tác xã

Chú trọng phát triển số lượng, nâng cao chất lượng hợp tác xã. Cơ cấu, rà soát lại từng lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã và đánh giá thực trạng hợp tác xã có khả năng tham gia chuỗi. Mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu thành lập mới 25 hợp tác xã trở lên...

Nâng cao chất lượng hợp tác xã là nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của người dân.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 2.600 tổ hợp tác và 137 hợp tác xã đang hoạt động, giảm 7 tổ hợp tác và tăng 2 hợp tác xã so với đầu năm 2018. Trong tổng số hợp tác xã có 121 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 88,3%. Ngoài ra, tỉnh có 1 liên minh hợp tác xã với 4 hợp tác xã thành viên, tổng vốn hoạt động là 7 tỷ đồng.

Nhìn chung, các hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản đang hoạt động trên địa bàn đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu của thành viên hợp tác xã và cộng đồng dân cư tại địa phương, như: dịch vụ thủy lợi, cung ứng giống vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật… góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, quy mô các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn nhỏ, đa số hợp tác xã có tổng giá trị tài sản thấp, vốn sản xuất kinh doanh ít, các thành viên phần lớn đã vay nợ của ngân hàng. Các hợp tác xã chưa thật sự gắn kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thành chuỗi liên kết hàng hóa. Việc tổ chức, quản lý, điều hành của một số hợp tác xã còn yếu.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng Đinh Quốc Bổn cho biết, các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn vốn vay, chưa có trụ sở hoặc nhà kho, thiếu chi phí mua máy móc phục vụ cho khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng tập trung rà soát, củng cố các hợp tác xã yếu kém và giải thể hợp tác xã ngưng hoạt động; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, nhất là Luật Hợp tác xã 2012; thực hiện hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã…

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu cho biết: Sóc Trăng có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 10/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thu ngân sách không đủ chi. Tuy nhiên, Sóc Trăng có tiềm năng lớn về kinh tế biển, tiềm năng cây ăn trái phong phú và giống lúa ST24 nổi tiếng. Hiện nay, các sản phẩm như cây ăn trái, gạo chưa thật sự bền vững do Sóc Trăng chưa xây dựng được chuỗi giá trị, chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ chỉ đạo Liên minh hợp tác xã phát triển mạnh mô hình kinh tế hợp tác, bồi dưỡng thêm kiến thức cho các hợp tác xã và tranh thủ quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ, sự kiện.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, mới đây đã đề nghị tỉnh Sóc Trăng cần chú trọng về kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã thuê đất làm trụ sở, sân kho và hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn; quan tâm đến công nghiệp chế biến, chợ đầu mối tiêu thụ và khâu bảo quản, sơ chế sau thu hoạch; tập trung nghiên cứu, đào tạo lao động nông thôn theo số lượng và trình độ chuyên môn; xây dựng Đề án truyền thông về kinh tế tập thể.

Hoài Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/soc-trang-nang-cao-chat-luong-hop-tac-xa-tintuc400253