Sóc Trăng: Nhà máy xử lý chất thải rắn góp phần bảo vệ môi trường

Tháng 2.2014, Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị (nay là Công ty cổ phần Công trình đô thị) Sóc Trăng khởi công Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP.Sóc Trăng. Năm 2017 nhà máy được đưa vào hoạt động, đã có hiệu quả tốt.

Ông Lâm Thanh Trường, Giám đốc Xí nghiệp liên hợp Xử lý chất thải rắn TP.Sóc Trăng cho biết: “Nhà máy được xây dựng trên diện tích khoảng 27ha, bao gồm dây chuyền phân loại rác thải, dây chuyền sản xuất phân hữu cơ vi sinh, dây chuyền tái chế nhựa công, bãi chôn lấp hợp vệ sinh và hồ sinh học để xử lý nước thải của nhà máy trong quá trình vận hành. Hằng ngày rác thải của TP.Sóc Trăng và các huyện trong tỉnh được thu gom đưa vào nhà máy xử lý. Công suất xử lý 160 tấn/ngày nhưng hiện nay lượng rác thải đưa về khoảng 230 tấn/ngày nên nhà máy phải tăng ca, không để rác tồn đọng.

Rác được đưa về nhà máy khi chưa phân loại - Ảnh: Lương Xuân Cao

Rác được đưa về nhà máy khi chưa phân loại - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Trường cho biết rác thải sau khi đưa về nhà máy sẽ được phân loại như rác kim loại, rác nhựa, giấy… để xử lý. Với rác thải kim loại, do nhà máy chưa có công nghệ xử lý nên được bán dưới dạng phế liệu; còn rác thải nhựa sẽ được tái chế thành hạt nhựa cung cấp cho các đơn vị sản xuất ngành nhựa. Các loại rác còn lại sẽ được xử lý theo công nghệ sàng ủ để làm phân bón. Mỗi năm, nhà máy sản xuất được hơn 1.000 tấn phân, nhiều đơn vị ở trong và ngoài tỉnh đặt mua để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Dây chuyền xử lý rác - Ảnh: Lương Xuân Cao

“Trong xử lý rác thải, chúng tôi luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Mỗi năm, đơn vị có 2 lần mời Trung tâm Đo lường chất lượng tỉnh về đo mùi, bụi để có hướng xử lý kịp thời, bảo đảm không gây ô nhiễm. Trong số lượng rác đưa về nhà máy, có khoảng 60% được xử lý theo quy trình nói trên, còn khoảng 40% sẽ được chôn lấp tại hố của nhà máy đúng theo quy trình xử lý, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường”, ông Lâm Thanh Trường cho biết thêm.

Sản phẩm nhựa để tái chế - Ảnh: L.X.C

Ngoài ra, nhà máy còn áp dụng một số biện pháp khác vào xử lý rác, như ứng dụng "nuôi ruồi lính đen", giúp rút ngắn thời gian xử lý rác hữu cơ, thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn và giúp tái tạo nguồn nguyên liệu hữu cơ tạo ra các sản phẩm kiểm soát được chất lượng để phục vụ nông nghiệp. Hiện nay, nhà máy tận dụng phế phẩm là vỏ trái cây do các khu công nghiệp thải bỏ để nuôi vi sinh khử mùi cho nhà máy… Tất cả các biện pháp đó đã góp phần đáng kể trong việc xử lý rác thải, giảm mùi, hạn chế sử dụng hóa chất, tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí mua hóa chất xử lý như trước đây.

Rác được phân loại chế biến thành phân bón - Ảnh: L.X.C

Khi vào khuôn viên nhà máy xử lý rác thải, chúng tôi thấy rất sạch sẽ, không có rác vương vãi, không người mùi hôi của rác, chất lượng môi trường rất bảo đảm.

Theo ông Trường, hiện nay nhà máy chưa có bộ phận xử lý nước rỉ từ rác thải, công ty đang xây dựng phương án. Ngoài ra, công ty cũng đang thực hiện dự án nhà máy đốt rác công nghiệp với công suất 500 tấn/ngày.

Lương Xuân Cao

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/soc-trang-nha-may-xu-ly-chat-thai-ran-gop-phan-bao-ve-moi-truong-195121.html