Sóc Trăng: Nhiều hộ Khmer vượt khó vươn lên thoát nghèo

Những năm qua, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực tự vươn lên của bản thân, nhiều hộ Khmer ở tỉnh Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo...

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vương Thanh Trí và chị Huỳnh Bích Thủy, ở ấp Trà Quýt A, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Trong những ngày này, anh Trí không đi làm thợ hồ như mọi ngày mà ở nhà để chuẩn bị giống cho vụ sản xuất lúa tiếp theo. Anh Trí chia sẻ: “Vụ hè thu vừa rồi do ảnh hưởng của hạn hán và nước mặn xâm nhập trước đó, nên lúa của gia đình chỉ cho năng suất khoảng 500kg mỗi công (1.300m2). Tuy vậy, nhờ lúa có giá cao nên tôi cũng kiếm lời chút đỉnh. Ngoài ra, thời gian rỗi thì đilàm thợ hồ thêm, nếu không thì ở nhà cắt cỏ cho bò để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Đồng chí Lâm Minh, Trưởng Ban nhân dân ấp Trà Quýt A cho biết, trước đây gia đình anh Vương Thanh Trí là hộ nghèo của địa phương, không tư liệu sản xuất nên đời sống rất vất vả, hai vợ chồng chủ yếu làm mướn để kiếm sống.

Tiếp lời, chị Huỳnh Bích Thủy, vợ anh Trí bộc bạch: Do hoàn cảnh gia đình hai bên nghèo, nên khi anh chị đến với nhau cách đây 20 năm, chỉ với 2 bàn tay trắng. Trên phần đất nhỏ của gia đình, hai vợ chồng dựng nhà tạm để ở. Do sống bằng nghề làm mướn, thu nhập ít ỏi từ công việc phụ hồ của anh Trí nên khi lần lượt 3 đứa con ra đời, cuộc sống càng thêm phần vất vả. Năm 2015, hai vợ chồng được địa phương xét cho vay vốn sản xuất (số tiền khoảng 20 triệu đồng) để mua một con bò giống về nuôi và chi phí xây dựng chuồng trại. Một thời gian sau, tiếp tục được hỗ trợ 25 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà đã rách nát. Hiện tại, gia đình tôi đã có nơi ở ổn định, lại có bò giống để chăn nuôi. Ba đưa con cũng đã đủ lớn, hai vợ chồng tôi tập trung lao động kiếm tiền, dành dụm vốn để mở rộng sản xuất.

Được biết, vào khoảng 3 năm trước, hai vợ chồng anh Trí nhờ sử dụng tiền tiết kiệm từ làm thuê đã mua lại đất ruộng 4 công mà ba mẹ đã bán cho người hàng xóm trước đó. Đồng thời, mướn thêm 6 công đất từ các hộ dân khác để trồng lúa. Mỗi vụ lúa nếu trúng mùa thì cũng thu về trên 20 triệu đồng từ 10 công đất này.

Dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng bò với 4 con bò thịt khá mập mạp, khỏe mạnh, chị Thủy cho biết, giá trị của 4 con bò này cũng khoảng 100 triệu đồng. Nhưng, mục tiêu của gia đình là mở rộng thêm quy mô chăn nuôi nên sẽ không bán.

Đồng chí Lâm Minh, Trưởng Ban nhân dân ấp Trà Quýt B, thị Trấn Châu Thành, nhận xét: “Quanh nhà, hai vợ chồng anh Trí còn nuôi thêm gà, vịt để bán, có đồng ra, đồng vào mỗi ngày trong gia đình. Đến nay, 2 người con của anh chị đã trưởng thành, đi làm cũng đỡ đần thêm kinh tế gia đình. Cháu út thì đang học lớp 7. Dù cuộc sống đã ổn định, có đất để trồng lúa, có bò để chăn nuôi, nhưng anh Trí và chị Thủy vẫn hàng ngày tranh thủ những lúc rảnh công việc đồng áng để đi làm thêm bên ngoài. Cộng thêm phần thu nhập của 2 đứa con, trừ các khoản chi tiêu trong gia đình, mỗi tháng cũng dành dụm được khoảng 10 triệu đồng. Đây là một trong những gia đình tiêu biểu của địa phương. Chúng tôi sẽ lấy tấm gương của gia đình anh Trí để tuyên truyền, nhất là gia đình khó khăn để học noi theo tấm gương gia đình của anh Trí”.

Còn đối với ông Lâm Văn Chánh sinh năm 1967, ở ấp Mỹ Đức, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, với sự nỗ lực không ngừng, đến nay không những ông được thoát nghèo mà cuộc sống của gia đình dần ổn định vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Chánh lập gia đình và có 2 con trai. Hoàn cảnh gia đình ông trước đây gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Năm 2016, ông Chánh được nhà nước hỗ trợ vay vốn mô hình phát triển sản xuất từ Chương trình 135, sau đó gia đình ông bắt đầu chăn nuôi bò thịt. Lúc đầu ông chỉ có 2 con bò. Tính đến nay, gia đình ông đã có 18 con, trong đó có 8 con bò đang giai đoạn sinh sản. Ông tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chăn nuôi của xã, huyện tổ chức để có thêm kỹ năng chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, mặt khác tuân thủ nghiêm chế độ tiêm phòng bệnh dịch.

Ông Lâm Văn Chánh, chia sẻ: “Trước đây hoàn cảnh tôi rất khó khăn. Tôi nuôi vịt chạy đồng bị thua lỗ nhiều năm liền. Nhờ vay vốn chuyển đổi sang chăn nuôi bò, bản thân tôi gia đình giờ đã ổn định, xây dựng được ngôi nhà khang trang. Đây cũng là nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của chính quyền địa phương nên gia đình tôi quyết định đăng ký thoát nghèo vào năm 2019”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, với kinh nghiệm tích lũy, ông Chánh còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ kinh nghiệm sản xuất trong chăn nuôi bò cho 11 người trên địa bàn xã, giúp đỡ cho 2 lao động và hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, bản thân ông Chánh là hội viên nông dân ấp Mỹ Đức. Ông luôn gương mẫu tham gia các phong trào do Hội nông dân xã phát động, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Ông cũng tích cực tham gia vào việc xây dựng nông thôn mới bằng cách đóng góp tiền và nhiều ngày công lao động, vận động nhân dân trên địa bàn ấp trồng hoa tạo vẻ mỹ quang, góp phần tạo diện mạo nông thôn thêm khởi sắc.

Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ cho biết: “Gia đình ông Chánh là hộ nghèo thuộc xã quản lý, nhưng với tinh thần vượt khó, vươn lên, nay gia đình ông đã tự nguyện xin thoát nghèo, cuộc sống đã ổn định rất nhiều. Bản thân ông cũng tham gia đóng góp xây dựng cho xã nhà trong quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua”.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực tự vươn lên của bản thân, gia đình anh Vương Thanh Trí và ông Lâm Văn Chánh đã trở thành gia đình khá giàu trong vùng đồng bào dân tộc, qua đó cũnggóp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp./.

Bài, ảnh: Thanh Nam

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/soc-trang-nhieu-ho-khmer-vuot-kho-vuon-len-thoat-ngheo-563737.html