Sóc Trăng nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các sở, ngành, các cơ quan đoàn thể chính trị, chính quyền địa phương tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực vào cuộc với phương châm 'chống dịch như chống giặc' để phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, hiện địa phương này đã tiến hành tiêu hủy trên 480 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi với khối lượng là hơn 27 tấn.

Tuyên truyền phòng chống dịch tả lợn châu Phi (Nguồn: Báo An Giang)

Hiện, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 28 điểm ở 11 ấp, 8 xã của 5 huyện là Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Kế Sách và Châu Thành của tỉnh Sóc Trăng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cũng vừa lấy mới 4 mẫu lợn của các địa phương là huyện Kế Sách, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng, để kiểm nghiệm dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, có 1 ổ dịch tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề đã được tiến hành tiêu hủy.Châu Thành là địa phương có tổng đàn lợn trên 38 nghìn con, trong đó đàn lợn tại các trang trại chăn nuôi tập trung là gần 33 nghìn con.

Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, huyện Châu Thành đã đề nghị Thủ trưởng các đơn vị, ban, ngành huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Huyện về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Giúp hộ chăn nuôi ý thức và an tâm phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không” theo quy định của Luật Thú y là không giấu dịch, không mua bán, không giết mổ, mua bán lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý. Thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn của ngành cấp trên, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và các ấp, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của người dân.Ông Dương Tất Vũ Hiệp, Trưởng Trạm chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành cho biết, ngành Chăn nuôi và thú y huyện Châu Thành đã chỉ đạo cán bộ thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn huyện, kiểm tra tại các chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại các xã, thị trấn, phối hợp thông tin về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, để người dân nắm, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện.

Còn tại TP Sóc Trăng, địa phương hiện có tổng đàn lợn là khoảng 10 nghìn con, những ngày này, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở TP Sóc Trăng được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng, trước diễn biến phức tạp và mức độ lây lan nhanh của dịch bệnh, nhất là tại ấp khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên đã xuất hiện dịch bệnh thì nguy cơ nhiễm bệnh trên đàn lợn tại TP Sóc Trăng là rất cao. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân TP Sóc Trăng đã chỉ đạo phòng kinh tế, trạm thú y, các ngành liên quan cùng các phường khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn và phân công trách nhiệm cụ thể, hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo ông Châu Kiến Tường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Sóc Trăng, Ủy ban nhân dân TP Sóc Trăng đã giao cho Phòng Kinh tế và Trạm thú y của Thành phố này phối hợp cùng các phường tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại cũng như hộ gia đình có nuôi lợn trên địa bàn về cách phòng ngừa. Nếu như có dịch xảy ra phải có biện pháp ngăn chặn và thông báo kịp thời đến cơ quan thú y trên địa bàn Thành phố, để có cách xử lý, đảm bảo ngăn ngừa dịch lây lan.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân TP Sóc Trăng tiếp tục củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tuyên truyền vận động người chăn nuôi không giấu dịch, không mua bán, giết mổ vận chuyển tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, khi sử dụng thức ăn dư thừa để nuôi lợn bà con nên nấu chín. Được biết, tổng đàn lợn của tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 237 nghìn con, trong đó có 84 trang trại với trên 96.600 lợn thịt, trên 1 nghìn lợn nái; 30 lò giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có lò có công suất giết mổ 300 con lợn/đêm. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng là nơi quá cảnh việc vận chuyển lợn từ nơi khác về các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau qua các tuyến đường Quốc lộ 1, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các sở, ngành, các cơ quan đoàn thể chính trị, chính quyền địa phương của tỉnh đang nỗ lực cùng vào cuộc, quán triệt với phương châm “chống dịch như chống giặc” để phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; đồng thời, đảm bảo việc bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh tâm lý chủ quan hoặc gây hoang mang, quay lưng với thịt lợn không bị bệnh.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tại các địa phương giáp ranh để có biện pháp ngăn chặn, ứng phó kịp thời, không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, có phương án tiêu hủy lợn bệnh khi có dịch bệnh xảy ra, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động chăn nuôi và cuộc sống của người dân. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; triển khai thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và giết mổ.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm soát 24/24 giờ đối với việc vận chuyển lợn, các sản phẩm thịt lợn từ các tỉnh vận chuyển vào tỉnh Sóc Trăng thông qua trạm đầu mối kiểm dịch, các chốt kiểm soát (thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển, vệ sinh và phun tiêu độc sát trùng). Tăng cường công tác quản lý giết mổ lợn, lợn nhập vào lò mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, không có triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là dịch tả lợn châu Phi./..

K.V(TH)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/soc-trang-no-luc-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-525147.html