Sóc Trăng - tiếp bước truyền thống hào hùng

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam luôn nhớ về thời khắc thiêng liêng ngày 30/4/1975. 49 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, năng động và sáng tạo trong công cuộc xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng vượt qua bao khó khăn, trở ngại, ra sức phấn đấu thi đua xây dựng Đảng vững mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Nhớ về thời khắc lịch sử

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3 bằng ba đòn chiến lược, gồm: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu, với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Diện mạo mới thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: CHÍ BẢO

Đối với tỉnh Sóc Trăng, cùng chung khí thế hào hùng của cả nước, vào những ngày đầu tháng 4/1975, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Khu 9, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân trong tỉnh khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Hàng ngàn người tình nguyện xông lên tiến công địch, bao vây đồn bốt, vận chuyển vũ khí, đóng góp lương thực, tải thương phục vụ chiến trường. Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng”, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chỉ trong 12 giờ tiến công, quân và dân Sóc Trăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng thị xã (nay là thành phố Sóc Trăng). 14 giờ ngày 30/4/1975, thị xã Sóc Trăng được hoàn toàn giải phóng. 15 giờ ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch và tất cả cán bộ, nhân viên hành chánh các ban ngành của tỉnh và thị xã từ ngoài kéo vào tiếp quản thị xã trong niềm hân hoan chiến thắng. Hàng vạn quần chúng nội, ngoại ô thị xã ra đường, mang cờ, hoa đón chào đoàn quân chiến thắng. Cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa diễn ra quyết liệt ở khắp nơi trong tỉnh với khí thế hừng hực nổi dậy giải phóng quê hương, hàng vạn quần chúng đã xuống đường cùng lực lượng vũ trang và binh vận bao vây, tiến công, kêu gọi địch đầu hàng, nhiều huyện được giải phóng trong ngày 30/4/1975 và đến sáng ngày 1/5/1975 tỉnh Sóc Trăng được hoàn toàn giải phóng.

Đại tá Đỗ Nam Hiền - nguyên Trưởng Ban Khoa học Lịch sử, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Sóc Trăng nhớ lại: “Lúc đó, tôi là chiến sĩ thông tin liên lạc của Ban Chỉ huy tiền phương tỉnh Sóc Trăng, đi cùng Tiểu đoàn Phú Lợi 3 có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Sóc Trăng. Sau khi nổ súng khoảng 30 phút thì Đại đội Cảm tử của Tiểu đoàn đã chiếm một phần sân bay. Tuy nhiên, do sân bay rộng, anh em mình chưa quen với cách đánh địch trong nội ô nên chúng lợi dụng các công sự, hầm hào phản kích quyết liệt làm anh em thương vong nhiều. Cầm cự chiến đấu đến 2 giờ chiều thì Tiểu đoàn Phú Lợi 3 và Đại đội Trinh sát của tỉnh đã chiếm hoàn toàn sân bay Sóc Trăng”.

Thắng lợi trên đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ và quân dân Sóc Trăng trong suốt chiều dài lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần vẻ vang vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Sức sống mới trên những vùng quê cách mạng

Về xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào, hãnh diện của người dân địa phương đối với truyền thống cách mạng và sự phát triển của quê hương. Hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Quới lại tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, xây dựng và phát triển địa phương.

Theo đồng chí Phan Lùng Pha - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Quới, tỏ lòng biết ơn sâu sắc và để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Quới đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Điển hình như ông Cao Xuân Giao ở ấp Mỹ Thành đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau nhút. Từ 2 công đất trồng rau nhút ban đầu, ông đã mở rộng diện tích trồng của gia đình lên 1ha. Với 1ha đất trồng rau nhút đã mang lại lợi nhuận cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 6 lao động địa phương.

Bà Lê Thị Oanh, ấp Mỹ Tường B cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Khi được địa phương hỗ trợ từ dự án đa dạng hóa sinh kế với mô hình chăn nuôi heo sinh sản, gia đình rất mừng vì có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, tôi còn thuê 2 công đất để trồng dưa hấu nhằm tăng thêm thu nhập, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Là người chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông Đào Công Hành - Cán bộ hưu trí ấp Mỹ Thành bày tỏ niềm phấn khởi trước sự phát triển như hôm nay của xã Mỹ Quới. Ông Đào Công Hành chia sẻ: “Sau ngày giải phóng, dưới sự tàn phá của chiến tranh, cơ sở hạ tầng của địa phương gần như là số 0 (điện, đường, trường, trạm đều không có), cuộc sống người dân hết sức khó khăn. Sau ngày thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong công cuộc khôi phục, kiến thiết quê hương, Mỹ Quới hôm nay đã phát triển rất nhiều, cơ sở hạ tầng phục vụ tốt nhu cầu của người dân, bộ mặt nông thôn cũng từng bước khởi sắc nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Trong những năm tháng kháng chiến giành độc lập tự do dân tộc, nhân dân xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng vững tay cày, chắc tay súng, bám đất, bám làng một lòng trung kiên theo Đảng để đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng tọa lạc tại ấp Nguyễn Út là nơi lưu dấu trận đánh oanh liệt của quân và dân Khánh Hòa - Hòa Đông. Với truyền thống đấu tranh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, năm 1967 Đảng bộ, quân và nhân dân xã Hòa Đông đã được khen thưởng Huân chương thành đồng hạng Ba; ngày 20/12/1994 vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đảng và Nhà nước tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 17 mẹ, có 31 thương binh, 160 liệt sĩ, 41 người hoạt động bị địch bắt tù đày, 31 người bị nhiễm chất độc hóa học và được khen thưởng nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ 2, bên phải), người con của quê hương xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) về thăm Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng. Ảnh: CHÍ BẢO

Kế thừa truyền thống cách mạng, những năm qua, xã Hòa Đông phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Theo đồng chí Phan Văn Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, một trong những bước đột phá được xã chọn để thúc đẩy kinh tế là phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh hiện có, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; thực hiện hiệu quả các giải pháp nuôi tôm bền vững. Cơ cấu lại mô hình nuôi tôm ao bạt, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, khuyến khích nông dân tham gia kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác xã, tổ hợp tác. Hiện toàn xã chỉ còn 76 hộ nghèo và 91 hộ cận nghèo (so năm 2015 hộ nghèo giảm 91 hộ, hộ cận nghèo giảm 154 hộ).

Cựu chiến binh Lê Hữu Nghĩa ở ấp Giầy Lăng, xã Hòa Đông vui mừng, chia sẻ: “Nhờ sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền địa phương và người dân, vùng đất một thời hứng chịu mưa bom, bão đạn đã đạt những thành tích ấn tượng trong xây dựng và phát triển. Hòa Đông hôm nay trở thành xã nông thôn mới, một trong những vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; thu hút đầu tư phát triển điện gió, mang lại nguồn điện sạch được tạo ra từ chính nguồn gió vô tận của vùng bãi bồi ngập mặn ở quê hương mình. Càng tự hào hơn khi kỹ sư Hồ Quang Cua - một người con của quê hương là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, có những đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà, ông cùng với các cộng sự đã làm nên thương hiệu gạo ST25 trở nên nổi tiếng khắp thế giới”.

Tiếp bước truyền thống hào hùng của dân tộc và những thành tựu sau hơn 30 năm tái lập tỉnh sẽ tiếp thêm động lực, cổ vũ Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp.

CHÍ BẢO - TẤN PHÁT

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/soc-trang-tiep-buoc-truyen-thong-hao-hung-72945.html