Sóc Trăng tìm cách tiêu thụ hành tím

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến giá củ hành tím của bà con nông dân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng giảm mạnh, kéo theo việc tiêu thụ nông sản này cũng gặp khó khăn.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện địa phương còn tồn khoảng 50 ngàn tấn củ hành tím chưa thể tiêu thụ, được doanh nghiệp và nông dân trữ để chờ giá.

Năm nay, ông Lý Vết ở ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa gieo trồng hành tím trên diện tích 7 công đất. Ông thu hoạch được gần 20 tấn củ hành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá hành giảm mạnh nên ông đành trữ lại toàn bộ để chờ giá lên.

Theo ông Lý Vết: "Tình hình tiêu thụ hành tím năm nay rất chậm, giá thấp, nông dân sản xuất thấy không có lời nên người ta trữ lại để chờ được giá mới bán. Thương lái mua hành xù loại 1 giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg trở xuống. Nếu mới thu hoạch thì 10.000 đồng/kg, còn trữ như vậy chỉ có 8.000 đồng/kg".

Ông Lý Vết kiểm tra hành tím của gia đình đang trữ chờ giá.

Ông Lý Vết kiểm tra hành tím của gia đình đang trữ chờ giá.

Tương tự có ông Triệu Thi cùng ngụ ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa. Hơn 3 công đất của ông cho năng suất khoảng 10 tấn củ hành tím. Mặc dù đã thu hoạch gần 2 tháng nay, nhưng ông vẫn chưa thể bán ra vì hành tím mất giá.

"Tôi thu hoạch cả rẫy và bờ bao được khoảng 10 tấn. Nhưng tôi chưa bán vì giá rẻ quá, bán bị lỗ. Giờ hiện tại giá 7.000 đồng/kg mà 15.000/kg thì người trồng mới có lãi" - ông Thi bày tỏ.

Theo người dân trồng hành tím ở Vĩnh Châu, với giá củ hành chỉ từ 7.000-10.000 đồng/kg thì nông dân bị lỗ, bởi hiện nay, giá vật tư nông nghiệp leo thang, chi phí đầu tư cho sản xuất tăng mạnh. Vì vậy sau thu hoạch, hành mất giá nên bà con phải trữ lại để chờ giá.

Không chỉ người nông dân mà các doanh nghiệp thu mua hành tím tại địa phương cũng đang gặp khó khăn tương tự. Bà Lâm Thị Quang, một chủ doanh nghiệp thu mua hành tím ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho biết, hiện doanh nghiệp của bà còn trữ trên 500 tấn hành tím được thu mua từ bà con. Do hành tím mất giá nên việc bán ra rất chậm.

Bà Quang cho biết: "Công ty tôi còn khoảng 500-600 tấn. Không bán được vì không có giá. Bây giờ muốn bán cũng không được tại vì mình mua 13.000, 14.000, 15.000 cả 16.000 đồng/kg, giờ ra 7.000-8.000 đồng/kg thì làm sao bán được. Hành có bị hỏng thì cũng kệ, hỏng tới đâu tính tới đó, chứ bán bây giờ lỗ nhiều quá".

Ông Nguyễn Minh Chí, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, địa phương trồng 5.000 ha hành tím thương phẩm, cho sản lượng từ 80.000 – 100.000 tấn. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc ký hợp đồng xuất khẩu hành tím. Đây cũng là nguyên nhân làm hành giảm giá, khó tiêu thụ. Hiện nay, toàn thị xã còn khoảng 50 ngàn tấn hành tím còn tồn trong dân và doanh nghiệp.

"So với cùng kỳ năm 2020 đến thời điểm này thì bà con đã bán hết sản lượng mình sản xuất ra, giá tương đối có lãi cho bà con nông dân. Nhưng hiện nay với giá từ 7.000 đồng, 8000 đồng rồi 9000 đồng/kg, 10.000 đồng cũng có, nhưng với giá này thì không lãi, nên bà con phải trữ lại để chờ giá" - ông Chí cho biết.

Theo ngành chức năng có khoảng 50.000 tấn hành tím chưa tiêu thụ.

Năm 2015, hành tím Vĩnh Châu từng tồn đọng số lượng tương tự, phải cần đến sự chung tay “giải cứu” của người dân trên cả nước. Cũng từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và ổn định giá trị của hành tím. Những ứng dụng khoa học công nghệ như trồng trong nhà lưới, trồng theo hướng hữu cơ… được áp dụng. Kết quả, hành tím Vĩnh Châu được tỉnh công nhận sản phẩm Ocop 3 sao và được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Những năm gần đây, củ hành tím cũng ổn định giá, giúp người dân sản xuất có lời. Tuy vậy, năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá hành một lần nữa giảm mạnh, buộc nông dân phải trữ lại để chờ giá cao hơn. Để tháo gỡ khó khăn này, ông Trần Hoàng Thắng, chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu cho biết, địa phương đã đề xuất phát động hỗ trợ bà con trong tiêu thụ hành tím với giá 15.000 đồng/kg cả trong cán bộ công chức và doanh nghiệp.

Cũng theo ông Thắng, lượng hành tím tồn đọng khá lớn nên rất khó để hỗ trợ hết cùng một lúc, do vậy, địa phương ưu tiên cho bà con nghèo, bà con người đồng bào dân tộc, hộ khó khăn được hỗ trợ trước. Ngoài ra, về lâu dài, Vĩnh Châu cũng hướng đến cơ cấu lại mùa vụ, theo đó, đối với diện tích đất gò cao sẽ tranh thủ gieo trồng sớm, làm sao thu hoạch trước tết Nguyên đán, giá ổn định và cao hơn.

"Thứ sáu tới chúng tôi sẽ họp mặt doanh nghiệp, một là để nghe doanh nghiệp báo cáo khó khăn vướng mắc để tháo gỡ. Chúng tôi cũng phát động doanh nghiệp hỗ trợ bà con. Bởi Vĩnh Châu có số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể rất đông. Ngoài ra, Vĩnh Châu cũng có thuận lợi là doanh nghiệp là người địa phương đang sinh sống và làm ăn tại TP HCM. Thiết nghĩ đây là giải pháp để hỗ trợ giúp bà con trong tiêu thụ sản phẩm hành tím.

Bên cạnh đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn này, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành văn bản gửi và đề nghị sở Công thương, Trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm hành tím Sóc Trăng đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, trạm dừng chân, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn các tỉnh, thành phố./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/soc-trang-tim-cach-tieu-thu-hanh-tim-851583.vov