Sốc với nhà vệ sinh trường học 'giá'... 300 – 400 triệu đồng/1 công trình

12 nhà vệ sinh được xây dựng với giá 'trên trời', từ 300 - 400 triệu đồng/1 công trình tại các Trường THCS và Tiểu học trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Không những thế, đến nay vẫn chưa thi công xong nhưng chủ đầu tư đã làm hồ sơ thanh toán toàn bộ khối lượng xây lắp cho đơn vị thi công từ nhiều tháng trước.

Nhà vệ sinh chưa được lợp mái

Nhà vệ sinh chưa được lợp mái

Thanh toán khống khối lượng

Vừa qua, đường dây nóng của báo nhận được phản ánh, cuối năm 2018, UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt chủ trương cho hàng loạt Trường THCS và Tiểu học trên địa bàn xây dựng 12 nhà vệ sinh cho học sinh với tổng khoảng 4,1 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, dự án trên nằm trong kế hoạch triển khai “cuộc vận động xây dựng trường học Xanh sạch đẹp, an toàn thực phẩm và tăng cường giáo dục đạo đức học sinh giai đoạn 2017 – 2021” trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.

Cụ thể, để các trường học có nhà vệ sinh sạch sẽ hơn, UBND huyện Vĩnh Tường đã trích 4,1 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên của UBND huyện, giao cho phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện nghiên cứu lập dự toán, thẩm định dự án xây dựng 12 nhà vệ sinh ở 12 trường học, đồng thời giao cho các trường tự làm chủ đầu tư, trong đó có 5 trường THCS gồm: Trường THCS Vĩnh Ninh, Lý Nhân, Nghĩa Hưng, Yên Lập, Cao Đại và 7 Trường Tiểu học gồm: Trường Tiểu học Kim Xá (điểm trường 1 và 2), Lý Nhân, Tuân Chính, Chấn Hưng, Lũng Hòa.

Theo thiết kế, bình quân mỗi nhà vệ sinh được đầu tư khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng, diện tích xây dựng mỗi nhà vệ sinh khoảng 20 – 25 mét vuông, xung quanh tường quét ve, mái lợp tôn xốp, phía trong mỗi nhà vệ sinh được trang bị 5 bồn tiểu tiện và 3 bồn đại tiện, bên ngoài được trang bị 1 bồn rửa tay có 4 hố chậu, 1 téc nước khoảng 1.500 lít…

Theo quan sát của phóng viên, 12 nhà vệ sinh nêu trên chủ yếu do Công ty cổ phần xây dựng Phú Cường Vĩnh Phúc (địa chỉ xã An Tường, huyện Vĩnh Tường); Công ty TNHH Giải pháp số LMC (địa chỉ thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường) thi công.

Thời điểm phóng viên khảo sát, toàn bộ các công trình nêu trên đều chưa được thi công, lắp đặt thiết bị hoàn chỉnh. Vật liệu xây dựng vẫn còn rơi vãi, ngổn ngang khắp nơi. Một số trường như Trường tiểu học Yên Bình, Lý Nhân, Cao Đại, Kim Xá… còn chưa lợp mái, lát gạch. Trường THCS Nghĩa Hưng còn chưa đào móng.

Để làm rõ có hay không việc các trường câu kết với đơn vị thi công lập khống hồ sơ hoàn thành khối lượng xây lắp để đề nghị Kho bạc Nhà nước chi trả tiền. Đầu tháng 3/2019, phóng viên đã có buổi làm việc với Kho bạc Nhà nước huyện Vĩnh Tường về nội dung trên.

Theo tài liệu được thể hiện tại Kho bạc Nhà nước Vĩnh Tường, từ ngày 12/1 đến ngày 30/1/2019, chủ đầu tư và đơn vị thi công của cả 12 công trình nêu trên đều gửi hồ sơ hoàn thành khối lượng và đề nghị Kho bạc Nhà nước giải ngân tiền.

Sau khi xem xét hồ sơ thấy hợp lệ, Kho bạc đã chi tiền theo quy định. “Chúng tôi kiểm tra hồ sơ chủ đầu tư ký xác nhận đã hoàn thành khối lượng xây lắp thì chúng tôi giải ngân theo đúng quy định. Tất cả 12 công trình đều đã được giải ngân toàn bộ trước ngày 30/1/2019”, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước huyện Vĩnh Tường cho biết.

Chi phí “trên trời”

Bên cạnh việc phát hiện ra chủ đầu tư lập hồ sơ xác nhận khối lượng khống cho đơn vị thi công, phóng viên còn phát hiện bảng kê dự toán chi phí xây dựng do các phòng chuyên môn của UBND huyện Vĩnh Tường lập, thẩm định để đề nghị thanh toán khối lượng xây lắp cũng có mức giá “trên trời”, hầu hết đơn giá các thiết bị đều bị kê chênh lệnh từ vài chục nghìn cho đến hàng triệu đồng so với giá thị trường.

Theo đó, từ bảng kê đơn giá chi phí thiết bị, xây lắp do Kho bạc Nhà nước cung cấp, đem hình ảnh những thiết bị được lắp đặt trong các nhà vệ sinh tới các đại lý bán vật liệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khảo sát giá cả, phóng viên nhận thấy hầu hết các thiết bị lắp trong12 nhà vệ sinh nêu trên đều được kê giá cao hơn giá bán ngoài thị trường.

Hố ga còn chưa đổ nắp

Cụ thể, cửa nhựa lõi thép ngoài thị trường giá khoảng 1,3 triệu đồng/1 mét vuông thì chủ đầu tư đề nghị thanh toán với mức khoảng 3 triệu đồng/1 mét vuông; bồn cầu Vigracera két rời ngoài thị trường có giá khoảng 1,3 triệu đồng/1 chiếc thì chủ đầu tư kê đơn giá thanh toán khoảng 2,8 triệu đồng/ chiếc; téc chứa nước 1.500 lít giá thị trường khoảng 5 triệu đồng thì đơn giá kê lên khoảng 6,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng hàng loạt thiết bị khác như: máy bơm, chậu rửa mặt, đèn ốp, vách ngăn cũng đều bị nâng giá chênh khá cao so với ngoài thị trường.

Theo một giám đốc công ty xây dựng từng làm lâu năm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn giá để xây dựng nhà cấp 4 lợp tôn hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có giá hoàn thiện khoảng 2,5 – 2,8 triệu đồng/1 mét vuông.

Nếu nhà vệ sinh rộng 30 mét vuông thì giá xây dựng hoàn thiện hết khoảng 70 triệu đồng, chi phí thiết bị loại tốt hết khoảng 80 triệu. Như vậy tổng tất cả cũng chỉ hết khoảng 150 triệu.

Để xây dựng một chiếc nhà vệ sinh như ở các trường học nêu trên của huyện Vĩnh Tường, một người dân bình thường chỉ cần đi khảo sát vài cửa hàng vật liệu xây dựng cũng có thể nhẩm tính được chi phí xây dựng mỗi chiếc nhà vệ sinh không thể quá 200 triệu đồng.

Thế nhưng, dưới sự “nhào nặn” của những bàn tay, khối óc lập, thẩm định dự án của các “cán bộ” chuyên mộ huyện Vĩnh Tường thì chiếc nhà vệ sinh cấp 4 đã được xây dựng với chi phí “dát vàng”, 400 triệu đồng !.

Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh làm rõ những nội dung nêu trên.

Văn Minh – Lê Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/soc-voi-nha-ve-sinh-truong-hoc-gia-300-400-trieu-dong1-cong-trinh-446399.html