Soi bóng Huế trong 'Âm vọng sông Hương'

Hình ảnh chùa Thiên Mụ, thôn vĩ, những người gồng gánh buôn thúng bán bưng, những người chài lưới trên sông hay tiếng giao bán bún, bán nem, tiếng khóc trẻ thơ, tiếng gọi nhau trong cơn giông bão,…đó là những gì 'Rất Huế' đã được tái hiện một các tròn chĩnh trên sân khấu 'Âm vọng sông Hương'.

Chương trình "Âm vọng sông Hương" khắc họa quê hương, con người xứ Huế

“Âm vọng sông Hương” là một trong những chương trình “đinh”, là điểm nhấn và lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế lần thứ 10 năm 2018. Chương trình nghệ thuật hấp dẫn này do Đài Tiếng nói Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.

“Âm vọng sông Hương” diễn ra vào lúc 20 giờ tối ngày 29/4, trên sân khấu chìm tại Ngã ba sông Gia Hội – Công viên Trịnh Công Sơn. Chương trình đã tái hiện lại bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế. “Âm vọng sông Hương” là câu chuyện kể về một vòng đời của người dân sông nước Huế... Từ khi họ yêu nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái, đến khi con cái trưởng thành, nối tiếp cha ông làm nghề trên sông nước, rồi kết thúc, lại mở ra một vòng đời khác, thế hệ khác, cứ thế, vòng đời của người dân nối nhau như dòng chảy dòng sông, ôm lấy Huế, bảo vệ Huế, xây dựng Huế, giữ gìn Huế, che chở và bao bọc Huế.

Chương trình cũng đã lột tả được những gì đó “Rất Huế”. Đó là câu chuyện tình lãng mạn của chàng thi sĩ với người đẹp thôn Vỹ Dạ; là những chuyến đò lênh đên trên sông nước; là sự khắc nghiệt của thiên nhiên khi giông bão bất chợt ầm ầm kéo đến trong sự hoảng loạn của người dân; là những vị thiền sư trong trang phục nâu sẫm trầm mặc của xứ cố đô...

Từ những cô gái đi tát nước vào đồng đến các gì, các mệ gánh hàng, bưng mẹt. Từ những người nông dân bình dị ôm đàn hát hát nhạc Trịnh bên chén rượu cùng bạn bè, lối xóm đến chàng thi sĩ áo trắng, quần tây ôm đàn guitar ngồi trước thềm nhà ngóng vọng người đẹp thôn Vỹ. Một đám cưới đi dọc bờ sông Hương hay cảnh các thầy tu tập luyện võ thuật, đến những thiếu nữ vừa chèo thuyền vừa hát những điệu mái nhì mái đẩy,… Câu chuyện về Huế cứ thế nối tiếp nhau lôi cuốn người xem trong suốt 90 phút diễn ra của Chương trình “Âm vọng sông Hương”.

Rồi câu chuyện được khép lại với tiết mục hát múa “Dòng sông ai đã đặt tên”. Những câu hát như: “Dòng sông ai đã đặt tên/ Ðể người đi nhớ Huế không quên/ Xa con sông mang theo nỗi nhớ/ Người ở lại tháng năm đợi chờ…” cũng chính là thông điệp mà Ban Tổ chức chương trình muốn gửi đến người xem. Người đi xin hãy nhớ quay lại, vì Huế vẫn ở đó đợi chờ!

Hình ảnh tại Chương trình:

Mở đầu Chương trình "Âm vọng sông Hương" là toàn cảnh cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân xứ cố đô

Những cô gái tát nước

Những người buôn bán, học sinh, sinh viên đến những người nơm cá trên sông

Hình ảnh lao động tập thể

Vui cười ngay cả trong lúc làm việc

Sung sướng với thành quả lao động

Câu chuyện đi từ chàng thi sĩ lãng tử ngồi trước thềm nhà chờ đợi người đẹp thôn Vỹ Dạ

Nỗi nhớ nhung sầu muộn của người con gái Huế

Tình yêu khi đã được đắp xây

Và một đám cưới bên dòng Hương Giang hữu tình

Bên cạnh đó, "Âm vọng sông Hương" còn kể về câu chuyện sinh - lão - bệnh tử. Khi đám tang của một người mẹ qua đi thì tiếng khóc trẻ thơ vừa chào đời cũng bất ngờ cất lên

Từ xứ Huế trầm mặc, cổ kính

Đến sự giản dị của những người nông dân chân chất, vừa uống rượu vừa ngâm nga mấy ca khúc nhạc Trịnh

Từ những người vợ lẻ bóng chờ chồng

Rồi chợt chạnh lòng khi thấy người đẹp đôi

Từ những em nhỏ mang tất cả các vật dụng trong gia đình ra gõ nhịp hát bài "Cảnh đẹp Cố đô"

Đến những đôi trai tài gái sắc vừa chèo thuyền vừa đàn hát trên sông

Từ sân khấu lộng lẫy cùng dàn diễn viên chuyên nghiệp

Đến khán giả đích thị là những người dân sông nước xứ cố đô

Từ những thân phận cò vạc kiếm sống ven sông

Đến cuộc sống lênh đênh của cư dân vạn chài

Rồi hoảng loạn lo sợ khi giông bão ầm ầm kéo đến

Những cơn lũ tràn bờ

Cùng nương tựa vào nhau vượt qua thời khắc khó khăn

Khi mọi thứ qua đi, người dân xứ Huế lại nhanh chóng trở về với cuộc sống đời thường

Và luôn luôn gắn bó mật thiết với nhau trong cả cuộc sống cũng như lúc lao động sản xuất

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/soi-bong-hue-trong-am-vong-song-huong-d73287.html